‘Lách’ quy định mở ngành - Kỳ 2: Khó kiểm soát qua hậu kiểm

19/09/2013 04:01 GMT+7

Thực tế cho thấy dù có hậu kiểm nhưng do quy định mở ngành thiếu chặt chẽ, không khoa học nên Bộ GD-ĐT rất khó kiểm soát năng lực thật sự của các trường.

>> Lách' quy định mở ngành - Kỳ 1

‘Lách’ quy định mở ngành
Sinh viên ngành dược Trường ĐH Tây Đô. Việc mở khối ngành y tế tràn lan ở khu vực ĐBSCL khiến dư luận lo ngại chất lượng đào tạo của ngành này - Ảnh: Đình Tuyển

Không còn dạy, vẫn có tên trong danh sách

Ông Phạm Ngọc Dưỡng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, thừa nhận lúc xin mở ngành trường có mời một số cán bộ giảng viên từ các trường công lập cho đủ số lượng yêu cầu. Có người cùng lúc đảm nhiệm vị trí quản lý ở cả 2 trường nhưng chỉ về làm vài tháng nộp đơn xin nghỉ bên trường CĐ. Tuy nhiên, đến khi có thanh tra, người này vẫn nằm trong danh sách giảng viên cơ hữu của trường và thanh tra cũng không thể kiểm soát nổi. “Có thể nói ở khâu hậu kiểm mở ngành, Bộ không kiểm soát được. Thực tế là nhiều người đứng tên giảng viên cơ hữu, thậm chí cấp bậc quản lý cho cả 3 - 4 trường”, ông Dưỡng thông tin.

Tiến sĩ (TS) Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng cho biết giảng viên trường công lập đứng tên tại các trường ngoài công lập để xin mở ngành rất nhiều. Đây là thực tế ai cũng biết. Thậm chí, nhiều giảng viên không làm hợp đồng, chỉ dạy tại trường nào đó vài tiết nhưng vẫn “bị” đưa tên vào danh sách giảng viên cơ hữu. “Khi thẩm định mở ngành, chỉ xem xét trên giấy tờ chứ đâu kiểm tra giảng viên đó có công tác tại trường khác hay không. Việc thanh tra, hậu kiểm đa số cũng chỉ kiểm tra khi trường có vấn đề xảy ra”, ông Quang cho biết.

Để tránh tình trạng này, thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng Bộ phải yêu cầu các trường thực hiện quy chế 3 công khai, trong đó có đội ngũ giảng viên. “Thay vì chỉ công bố chung chung về số lượng giảng viên như hiện nay, các trường cần đưa chi tiết danh tính kèm theo trình độ chuyên môn cụ thể từng người. Chỉ có cách này mới hy vọng một giảng viên không thể đăng ký đứng tên ở nhiều trường khác nhau”, ông Tuấn đề xuất. 

Tuyển quá khả năng đào tạo

Về việc xác định chỉ tiêu, theo phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập lớn tại TP.HCM, hiện nay Bộ cho phép các trường tự xác định chỉ tiêu chung chứ không theo ngành nên các trường thường lấy rất nhiều chỉ tiêu cho những ngành thu hút thí sinh. Bộ rất khó kiểm soát được điều này. 

PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết từng đi thẩm định việc mở ngành ở một số trường y dược nên biết số lượng giảng viên lúc mở ngành còn rất hạn chế, cơ sở vật chất chưa đầu tư nhiều. Vậy mà chỉ sau 3 năm, có trường lên đến 2.000 sinh viên cho mỗi bậc học. Ông Tịnh  khẳng định: “Dù các trường cố gắng cách mấy nhưng giảng viên và cơ sở vật chất cũng không thể theo kịp tốc độ phát triển của sinh viên”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, cho rằng hiện tượng này thường xảy ra tại các trường đa ngành nhưng trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng. Bộ không thể can thiệp quá sâu vào từng ngành được vì các trường sẽ than không được tự chủ nữa. “Khi bị phát hiện, hiệu trưởng sẽ chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và Bộ sẽ xử lý hiệu trưởng nếu có việc này xảy ra”, ông Ga nhấn mạnh. 

Cần quản lý đầu ra

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhìn nhận: “Việc mở ngành đào tạo ĐH, CĐ hiện nay của các trường khá tràn lan, không căn cứ theo nhu cầu thực tế của xã hội về việc làm. Thực tế, việc mở ngành dường như chỉ bám theo nhu cầu của người học, ngành nào có nhiều người đổ xô vào học mà không phải đầu tư nhiều thì các trường mở”. Theo ông Tống, điều này để lại hậu quả nghiêm trọng là dư thừa nhân lực ở một số ngành nghề. Cuối cùng người học phải gánh chịu vì ra trường không thể tìm được việc làm.

Cũng theo ông Tống, sở dĩ quy trình mở ngành có nhiều bất cập như hiện nay là do cơ chế quản lý theo kiểu “xin - cho”. Các quy định thiếu khoa học, chỉ thuận tiện cho việc quản lý. TS Tống minh họa bằng một ví dụ cụ thể: “Trong nội dung đào tạo của ngành cơ khí có một phần liên quan đến dệt may và trong dệt may có một phần kiến thức về thiết kế thời trang. Cơ khí và thiết kế thời trang rõ ràng là 2 lĩnh vực khác xa nhau nhưng dựa vào mối quan hệ không đáng kể trên vẫn có trường lấy mã ngành cơ khí để xin được mở chuyên ngành đào tạo về thiết kế thời trang”.

Trong khi đó, TS Vũ Thị Phương Anh, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập), cho rằng quy trình mở ngành hiện nay của Bộ đang “chặt chẽ” mà không hiệu quả. Cách quản lý đầu vào như hiện nay khiến các trường không khó để lách. “Cái quan trọng cuối cùng chính là kiểm soát đầu ra giống như cách làm của các trường trên thế giới”, TS Phương Anh chia sẻ.

Thẩm định cho có

Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng đào tạo nhân lực y tế ở ĐBSCL trở nên rối rắm như hiện nay là do sự thẩm định có cũng như không của ngành giáo dục địa phương, vì chủ trương cho phép mở ngành đã có từ trước. 

Thực sự nếu thẩm định đúng thì các trường làm sao mà qua mặt được ngành giáo dục địa phương. Sở thẩm định chặt chẽ hay không thì quyết định cuối cùng vẫn là Bộ

Ông Nguyễn Quý Đôn
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ

Ông Lê Hoàng Tươi, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, khẳng định: “Trước khi cho Trường ĐH Võ Trường Toản mở ngành đào tạo y, dược, chúng tôi đã đi thẩm định về cơ sở vật chất ở các khoa, phòng học đều trưng ra các thiết bị đúng theo quy định và có nguồn gốc rõ ràng. Từ đó Sở mới xác nhận để trình lên Bộ”. Tuy nhiên, về nhân lực của trường thì ông Tươi cho rằng, Sở không thẩm định hay xác minh được vì Sở không có thẩm quyền. “Đoàn chỉ dựa vào danh sách cán bộ trường đưa ra và xem có đủ thành phần như quy định hay không rồi xác nhận đủ điều kiện chứ không có quyền xác minh lại từng người”, ông Tươi nói.

Còn ông Nguyễn Quý Đôn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ cho rằng, việc thẩm định được giao cho ngành giáo dục địa phương nhưng thực tế các trường ngoài công lập đã có được chủ trương đồng ý từ cấp T.Ư. Ông Đôn nói: “Thực sự nếu thẩm định đúng thì các trường làm sao mà qua mặt được ngành giáo dục địa phương. Sở thẩm định chặt chẽ hay không thì quyết định cuối cùng vẫn là Bộ”.

Một cán bộ từng tham gia giảng dạy ở Trường ĐH Võ Trường Toản cho rằng vấn đề nhân lực giảng dạy và cơ sở vật chất là những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng đào tạo. Thế nhưng, trong thực tế, công tác thẩm định rất qua loa, các trường dễ dàng “lách luật” để được phép đào tạo. Theo bác sĩ này, hiện nay các trường ngoài công lập đều khó có thể đáp ứng đúng như nhu cầu đào tạo về cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, dụng cụ, thiết bị và nhất là cơ sở thực hành, thực tập. Bác sĩ này nói: “Quan điểm cho mở trường là tốt nhưng phải đảm bảo chất lượng. Còn như hiện nay, đào tạo ra đội ngũ nhân lực tốn kém mà không đáp ứng được nhu cầu. Như thế là làm khổ người dân bởi có nhiều gia đình đang phải gồng gánh, thậm chí bán đất cho con em học bác sĩ với học phí gần 40 triệu đồng/năm”. 

Giảng viên chắp vá, cơ sở vật chất thiếu thốn nên chất lượng sinh viên khối ngành y tế ở các trường ngoài công lập rất đáng lo ngại. Trong một cuộc họp về nhân lực y tế ĐBSCL mới đây. PGS-TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, hỏi: “Đào tạo nhân lực y dược mà điểm đầu vào quá thấp thì tới đây khi những bác sĩ, dược sĩ này ra trường sẽ làm được gì và làm ở đâu?”. Còn bà Trần Thị Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, lo ngại: “Thợ sửa máy, nếu sửa hư thì có thể đền cái khác chứ trình độ bác sĩ kém mà sửa người hư thì không đền được mà phải trả bằng tính mạng con người”. Ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ (nguyên Giám đốc Sở Y tế thành phố), bức xúc: “Các trường ngoài công lập lấy điểm đầu vào quá thấp chủ yếu vì lợi nhuận còn chất lượng thì đang bị thả nổi”.  

Đình Tuyển

Hà Ánh - Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.