Vụ chủ dự án Tricon Tower ôm hơn 400 tỉ biến mất: Khách hàng sập bẫy ra sao ?

03/08/2013 17:27 GMT+7

(TNO) Giới thiệu nhà mẫu, tổ chức sự kiện hoành tráng để dụ khách hàng ký hợp đồng rồi thu lượng lớn tiền của khách hàng nhưng không xây dựng đúng thời hạn. Khi khách hàng phát hiện thì tìm cách ngăn cản đến thăm công trình, cách ly chia nhóm khách hàng, trì hoãn thời gian thanh lý hợp đồng để đối phó rồi bất ngờ biến mất khỏi Việt Nam… là những thủ đoạn đưa hàng trăm người sa vào “vũng lầy” Tricon Tower (Bắc An Khánh, H.Hoài Đức, Hà Nội) của chủ đầu tư.

>> Ông chủ dự án Tricon Tower "biến mất
>> Vụ 'chủ dự án Tricon ôm tiền tỉ biến mất': Nạn nhân dọa kiện công an vì thiếu trách nhiệm
>> Vụ chủ dự án Tricon ôm 400 tỉ đồng biến mất: Chưa báo cáo Công an TP.Hà Nội

 tricon tower
Ông Edward Chi - chủ đầu tư Tricon Tower - đã rời khỏi Việt Nam - Ảnh: Ngọc Thắng

Anh Nguyễn Quốc Thịnh, một khách hàng đã đóng 70% giá trị căn hộ (khoảng hơn 3 tỉ đồng) mua căn hộ tại Tricon Tower cho biết lúc anh mới biết, đến dự án tìm hiểu xem mô hình, ngắm nhà mẫu thì luôn có rất đông nhân viên tiếp đón, chăm sóc, giới thiệu tỉ mỉ. Sau khi bị choáng ngợp bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài, anh Thịnh cũng như bao khách hàng khác liền đặt cọc 20.000 USD theo quy định của chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Minh Việt vào tháng 9.2009. Thời hạn giao nhà là 31.12.2011, muộn nhất là ngày 30.6.2012.

“Đặt cọc xong, nhân viên của Công ty CP Đầu tư Minh Việt cho biết, nếu đóng theo tiến độ 3 tháng/1 lần 20.000 USD sẽ không được giảm giá. Còn nếu đóng đủ 70% ngay sẽ được giảm 5% tổng giá trị căn hộ. Thấy vậy, tôi và nhiều khách hàng khác cho rằng, đằng nào cũng phải nộp tiền vào cho chủ đầu tư lấy vốn xây dựng, về phần mình cũng tiết kiệm được khoảng hơn 10.000 USD nên không ngần ngại xuống tiền một lượt luôn”, anh Thịnh cho hay.

Nhiều người cho biết sau khi đóng tiền, khách gọi điện cập nhật tiến độ thì được nhân viên chăm sóc khách hàng cho hay, dự án đã xây dựng xong phần hầm móng, rồi tầng 2, tầng 3… “Nhân viên của chủ đầu tư Tricon Tower còn cho biết, đã bán được 60-70% căn hộ dự án. Nhưng thực tế, công trình Tricon Tower đã phải ngừng thi công từ khi xong móng và tầng hầm. Chúng tôi không rõ thời điểm công trình dừng thi công là khi nào bởi chủ đầu tư luôn tìm cách ngăn cản khách hàng tiếp cận công trình”, anh Thịnh cho biết.

“Trước khi bị phát hiện thu tiền nhưng không thi công, chủ đầu tư còn giở trò tung hỏa mù để đánh lừa khách hàng. Họ tổ chức cho xe đưa đón mấy chục khách hàng ở Hà Nội xuống Quảng Ninh để tham dự sự kiện giới thiệu, ra mắt dự án The Bayview Towers rất hoành tráng ở TP.Hạ Long rồi gạ gẫm chúng tôi mua. Chưa hết, khoảng đầu 2010, ông Edward Chi còn cho tổ chức sự kiện hoành tráng ở khách sạn Daewoo Hà Nội (Q.Ba Đình, Hà Nội) để trao phiếu mua hàng trị giá 360 triệu đồng tại trung tâm thương mại Tricon Tower cho những khách hàng đóng tiền đầu tiên. Nhưng đến nay, đến dự án còn chưa xong thì nói gì đến trung tâm thương mại mà mua hàng”, một khách cho biết.

Vụ việc bắt đầu vỡ lỡ từ khoảng đầu năm 2011, khi nhiều khách hàng sốt ruột muốn được tham quan dự án nhưng bị cách ngăn cản, trì hoãn nhiều lần. Các khách hàng bắt đầu tập hợp nhau lại, tìm hiểu tiến độ dự án thì được biết công trình mới xong móng và tầng hầm, nhà thầu Cote Cons không đòi được tiền cũng phải dừng thi công và khởi kiện Công ty CP Đầu tư Minh Việt ra tòa.

Dù vậy, chủ đầu tư Tricon Tower vẫn tìm cách bưng bít thông tin với khách hàng về việc thua kiện nhà thầu Cote Cons. “Phía Công ty CP Đầu tư Minh Việt nói, đã ký hợp đồng thi công với một nhà thầu Trung Quốc. Lý do đưa ra là nhà thầu trong nước thi công chậm, chất lượng không tốt, khó đảm bảo tiến độ giao nhà. Hiện nhà thầu Trung Quốc đã đưa máy móc đến sát biên giới và sẽ khởi động thi công trở lại sớm. Công trình sẽ được thi công với tốc độ thần tốc, 1 tuần xong 1 tầng, 1 tháng xong 4 tầng… Nhưng chỉ là hứa suông, chờ mãi không thấy, chúng tôi liên hệ lại thì chủ đầu tư lại khất lần nữa với lý do đang đưa máy móc vào thi công… nhưng thực chất họ không làm gì cả”, anh Trần Thanh Hải, đại diện nhóm khách hàng cho biết.

Cũng theo anh Hải, trong một lần Công ty CP Đầu tư Minh Việt họp với một nhóm khách hàng, do không có trong thành phần được mời nên anh Hải bị bảo vệ đuổi ra ngoài. Nhiều khách hàng phải lên tiếng, anh Hải mới được tham dự cuộc họp đó.

“Lúc đó, chúng tôi mới vỡ lẽ, chủ đầu tư đã tìm cách chia cắt chúng tôi, phân ra từng nhóm khách hàng để một mặt an ủi, vỗ về những khách hàng “hiền”. Còn những người đã rõ chân tướng vụ việc thì bị sắp xếp vào một nhóm khác”, anh Nguyễn Quốc Thịnh cho biết.

 tricon tower
"Vũng lầy" Tricon Tower kéo theo nhiều khách hàng ngập trong nợ cao, lãi nặng - Ảnh: Lê Quân

Dưới sức ép đòi thanh lý hợp đồng, trả lại tiền của khách hàng, chủ đầu tư Tricon Tower buộc phải tổ chức họp hội nghị khách hàng vào tháng 7.2012. Tuy nhiên, chủ đầu tư hẹn sau tết âm lịch Quý Tỵ mới trả. Các khách hàng kiên quyết đòi phải hẹn ngày trả cụ thể và ký vào biên bản cuộc họp.

Cuối cùng, Công ty CP Đầu tư Minh Việt buộc phải cam kết hoàn thành thủ tục thanh lý hợp đồng vào trước ngày 31.8.2012. Thời hạn trả tiền cho khách hàng từ ngày 31.12.2012 đến ngày 10.1.2013.

“Tuy nhiên, gần đến thời điểm ký xác nhận vào biên bản cuộc họp, ông Edward Chi đã vờ có điện thoại, bỏ ra ngoài rồi biến mất luôn từ đó. Khách hàng nháo nhác chạy khắp công ty tìm nhưng không thấy tăm hơi ông Edward Chi đâu, buộc ông Mai Văn Thanh - Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Minh Việt và ông  Nguyễn Ngọc Trí - Trưởng phòng chăm sóc khách hàng ký vào biên bản. Cũng kể từ đó, chúng tôi không thể liên lạc được với ông Eward Chi dù là qua điện thoại, email, hay đến tận trụ sở chờ. Nhận thấy dấu hiệu lừa đảo của chủ đầu tư, chúng tôi đã có đơn thư gửi nhiều cơ quan chức năng. Gần đây, chúng tôi tìm hiểu thì được biết ông Eward Chi đã rời khỏi Việt Nam”, anh Hải cho hay.

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.