Bộ Chính trị: Thực hiện giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/07/2023 12:02 GMT+7

Cho rằng tăng trưởng chưa đạt mục tiêu, đời sống người dân còn khó khăn, Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện hiệu quả các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Theo thông tin từ Văn phòng T.Ư Đảng, ngày 21.7, tại trụ sở T.Ư Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định

Sau khi nghe Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo, ý kiến góp ý của các cơ quan, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cơ bản tán thành đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm theo báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ.

Bộ Chính trị: Thực hiện giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp

TTXVN

Cụ thể, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm, nợ công, nợ chính phủ, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt. Chính phủ đã quyết liệt triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, tính chung, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 3,72%.

Công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh. Các công trình, dự án chiến lược, quan trọng quốc gia được đẩy nhanh tiến độ.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được chú trọng; thể thao thành tích cao, đạt nhiều kết quả.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh. Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.

Bộ Chính trị: Thực hiện giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị T.Ư giữa nhiệm kỳ (Hội nghị T.Ư 7) hồi tháng 5

NHẬT BẮC


Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Cùng đó, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, huy động hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm

Tuy nhiên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng cho rằng, do kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, rủi ro, thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp, cùng với một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong nước nên tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. 

Bộ Chính trị: Thực hiện giải pháp cụ thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm

TTXVN

Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp. Một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, né tránh giải quyết công việc thuộc thẩm quyền.

Cạnh đó, một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu thống nhất; phân cấp, phân quyền còn vướng mắc. Tình trạng thiếu điện, thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn chưa được khắc phục triệt để. Tình hình lao động, việc làm ở một số địa phương, lĩnh vực, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng nhấn mạnh tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tội phạm ở một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, nhất là an ninh mạng, ma túy, tín dụng đen…

Xử lý nhanh vướng mắc về hoàn thuế 

Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; khẩn trương, quyết liệt tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật.

Cùng đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm soát; tiếp tục sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cạnh đó, theo dõi sát, dự báo chính xác tình hình thế giới, trong nước, kịp thời phản ứng chính sách trước các tình huống phát sinh. Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất.

Chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tạo động lực tăng trưởng; rà soát, hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh và củng cố, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh việc triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thúc đẩy mạnh mẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công; có giải pháp hiệu quả bảo đảm các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, tín dụng ngân hàng, chứng khoán, KH-CN hoạt động an toàn, lành mạnh, bền vững; bảo đảm nguồn cung xăng dầu, nguồn điện cho sản xuất, tiêu dùng.

Ngoài ra, đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng trong nước cùng với đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu; tập trung xử lý nhanh, hiệu quả các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng, thuốc, vật tư y tế, quy định về kinh doanh xăng dầu, phòng cháy, chữa cháy; triển khai Quy hoạch điện VIII.

Bảo đảm ổn định đời sống người dân

Một nhiệm vụ khác được Bộ Chính trị nhấn mạnh là phát triển các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ tối đa nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số; đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng số quốc gia; hoàn thiện chiến lược, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp, năng lượng mới, chuyển đổi xanh; hoàn thiện khung khổ pháp luật phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Bộ Chính trị yêu cầu làm tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; bảo đảm ổn định đời sống người dân, nhất là người lao động bị mất việc làm. 

Cùng đó, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch; đẩy mạnh thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị tích cực, chủ động cho năm học mới; giải quyết dứt điểm tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh yêu cầu giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, không để bị động, bất ngờ. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.

Cùng đó, đẩy mạnh hơn nữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc do Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo, theo dõi.

Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin, giữ vững tâm lý thị trường, doanh nghiệp, nhà đầu tư; chú trọng đấu tranh phòng, chống thông tin xấu, độc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.