Cải cách để phục vụ dân

03/05/2016 08:47 GMT+7

Năm 2016 - 2017, Cà Mau chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), đồng thời xem đây nhiệm vụ trọng tâm góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

Bỏ các thủ tục hành dân
Mặc dù đã có những cố gắng nhưng do nhiều nguyên nhân, việc CCHC ở Cà Mau thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Bởi vậy, vẫn còn nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp ngán ngại tìm đến cơ quan công quyền mỗi khi muốn làm thủ tục hành chính (TTHC). Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến chỉ số năng lực cạnh tranh của Cà Mau tụt giảm. Thấy rõ những hệ lụy, chậm trễ trong giải quyết các TTHC sẽ cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên sau Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2020, lãnh đạo Cà Mau xây dựng, ban hành và triển khai ngay Đề án Đẩy mạnh CCHC tỉnh năm 2016 - 2017. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết mục tiêu tối thượng của đề án là phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.


Hiệu quả, thành công của CCHC không chỉ ở việc chuyển biến trên mặt thủ tục, giấy tờ mà còn phải cải cách về con người. Bởi vậy, chúng tôi chỉ đạo các sở, ngành, các cấp lấy hiệu quả CCHC làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị, cán bộ, công chức. Nếu đơn vị nào có cán bộ vi phạm, thì ngoài xử lý cán bộ, còn phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu

Ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau


Chỉ trong quý 1/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành 20 quyết định công bố TTHC trên địa bàn. Trong đó, có tới 67 thủ tục thuộc thẩm quyền quy định của UBND tỉnh nhưng gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp bị bãi bỏ, hủy bỏ. Nhờ vậy tỉnh đã thực hiện xong việc công bố 1.672 TTHC ở các cấp, được đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia và trên cổng thông tin điện tử tỉnh, đạt 100%. Nhiều sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố cũng rà soát, cắt giảm từ 20 - 30% thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền.
Theo Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Cà Mau Trịnh Văn Lên, ngoài tinh gọn, đơn giản, chỉ đạo của tỉnh phải rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC, nếu đơn vị nào không cắt giảm thời gian giải quyết TTHC thì phải giải trình rõ lý do với UBND tỉnh. “Ngoài ra, chúng tôi cũng phân công lại nhiệm vụ trong Ban giám đốc để bảo đảm việc ký TTHC được tiến hành ngay trong buổi (từ khi các đơn vị trực thuộc chuyển đến); công bố luôn đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến phản ánh của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến TTHC”, ông Lên nói.
Xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu dân
Thêm một tiện ích khi giờ đây, hầu hết các TTHC từ tỉnh đến cơ sở được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2 trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, thành phố. Chỉ riêng Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau, hiện có tới 15 TTHC thông qua phần mềm một cửa, một cửa liên thông (tạm gọi một cửa điện tử) cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Chủ tịch UBND TP.Cà Mau Hứa Minh Hữu cho biết ngay khi một cửa điện tử được triển khai, người dân, doanh nghiệp… có thể nộp và nhận kết quả TTHC qua email hoặc trực tiếp tại nhà qua dịch vụ bưu chính nhằm rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi cần giải quyết TTHC tại cơ quan công quyền.
Để thực hiện có hiệu quả việc CCHC, tháng 3.2016, UBND tỉnh Cà Mau công bố điện thoại đường dây nóng qua đầu số 0780.3871212. Theo đó, các thông tin, phản ảnh của người dân, doanh nghiệp qua đường dây nóng sẽ được cán bộ Văn phòng UBND tỉnh tổng hợp, chuyển đến các cơ quan chức năng và Thường trực UBND tỉnh xem xét giải quyết, xử lý theo thẩm quyền. “Thông qua đường dây nóng, lãnh đạo tỉnh muốn người dân góp sức giám sát việc CCHC cả về thái độ phục vụ, ứng xử của cán bộ, công chức… trong thực thi công vụ. Qua phản ảnh, nếu phát hiện cán bộ, công chức nào gây phiền hà, nhũng nhiễu dân, chúng tôi cương quyết xử lý nghiêm để làm gương. Còn những cán bộ được phản ảnh làm tốt thì chúng tôi kịp thời biểu dương, khen thưởng”, ông Hải khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.