Châu Âu trước 'cây gậy và củ cà rốt' của ông Tập Cận Bình

11/05/2024 06:16 GMT+7

Sau 5 năm, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, thực hiện chuyến công du đầy thách thức đến châu Âu.

Hôm qua (10.5), Chủ tịch Tập Cận Bình kết thúc chuyến công du 5 ngày đến châu Âu sau khi lần lượt thăm 3 nước: Pháp, Serbia và Hungary.

Chủ tịch Tập Cận Bình trong lễ đón tại Paris vừa qua

Chủ tịch Tập Cận Bình trong lễ đón tại Paris vừa qua

Reuters

Chuyến thăm nhiều biểu tượng

Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của ông Tập sau 5 năm. Năm nay cũng đánh dấu kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp, và 75 năm quan hệ với Hungary. Chuyến đi cũng trùng với dịp tưởng niệm 25 năm NATO ném bom trúng Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade (Serbia) trong cuộc chiến Kosovo.

Trả lời Thanh Niên cũng vào hôm qua, nhận định về chuyến công du của ông Tập Cận Bình đến châu Âu, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá ông Tập Cận Bình thăm châu Âu với 3 mục đích.

Thứ nhất, ông Tập muốn phân hóa sự thống nhất của châu Âu đối với Trung Quốc và sự liên kết với Mỹ. Cụ thể, ông đến thăm Hungary và Serbia. Đây là 2 đối tác ít quan trọng hơn so với Pháp - một quốc gia đang cố gắng củng cố quyền tự chủ chiến lược của nước này và EU, đồng thời duy trì sự mạnh mẽ trong quan hệ với Mỹ lẫn các vấn đề cốt lõi như Nga, trong khi vẫn duy trì mối quan hệ thương mại bền chặt với Trung Quốc.

Thứ hai, ông Tập gửi thông điệp tới NATO khi tưởng nhớ vụ Mỹ đánh bom trúng Đại sứ quán Trung Quốc ở Serbia trong cuộc chiến Kosovo. Qua đó, ông muốn nói rõ với người châu Âu rằng Mỹ thông qua NATO đã gây tổn hại cho Trung Quốc trong quá khứ và việc theo chân Mỹ trong NATO có thể dẫn đến một cuộc xung đột khác với Trung Quốc. Đối với dư luận tại Trung Quốc, ông muốn nói rằng Trung Quốc ngày nay rất mạnh và sẽ không bao giờ bị bắt nạt nữa.

Thứ ba, Bắc Kinh muốn ngăn chặn EU áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhập khẩu ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc và các sản phẩm khác vốn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế EU.

Trung Quốc đã không thành công trong những nỗ lực này và EU vẫn giữ quan điểm Trung Quốc không làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn hành động của Nga đối với Ukraine - một cuộc chiến ở biên giới các thành viên EU.

Trung Quốc, Serbia cam kết "chia sẻ tương lai" trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình

Cây gậy và củ cà rốt của Bắc Kinh

Nhìn lại chuyến thăm, các điểm đến Serbia và Hungary đã thể hiện đậm chất hữu hảo, nhất là tại Hungary khi Tổng thống Tamas Sulyok và Thủ tướng Viktor Orban của nước này tiếp đón ông Tập đầy trọng thị. Reuters dẫn lời ông Tập mô tả chuyến thăm lần này mở ra một "hành trình vàng" cho quan hệ Trung Quốc - Hungary với nhiều thỏa thuận. Hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Sự thành công cũng không kém tại Serbia khi hai bên thống nhất "chia sẻ tương lai". Đây cũng là 2 quốc gia ở châu Âu tham gia mạnh mẽ vào sáng kiến Vành đai Con đường mà Bắc Kinh đang thúc đẩy. Lần này, ông Tập đã đạt thỏa thuận xây dựng các dự án quan trọng, như tái thiết dự án đường sắt Budapest - Belgrade có giá trị lên đến 2,1 tỉ USD và phần lớn được đầu tư bởi khoản vay từ Trung Quốc. Đây cũng là một phần của sáng kiến Vành đai Con đường.

Tuy nhiên, kết quả lại không được như thế ở điểm đến đầu tiên là Pháp. Nếu cách đây 5 năm, vào năm 2019, ông Tập đến thăm châu Âu đầy phấn khích khi tại Ý đã cùng công bố một loạt dự án nằm trong sáng kiến Vành đai Con đường. Nhưng nay, Ý cũng đã hủy bỏ kế hoạch vừa nêu, và Liên minh Châu Âu (EU) thì đang bất đồng mạnh mẽ với Trung Quốc cả về thương mại cũng như cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Vì thế, Paris là nơi ông Tập cần đạt thỏa thuận với Pháp nói riêng, cũng như EU nói chung, rằng đừng xem Trung Quốc là một rủi ro và không tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng hóa nước này, nổi bật là ô tô điện. Năm 2023, thâm hụt thương mại của EU đối với Trung Quốc lên đến 292 tỉ euro (khoảng 314 tỉ USD) nên ngày càng có nhiều lời kêu gọi từ châu Âu cho rằng cần có biện pháp phòng vệ trước Trung Quốc. Giữa lúc đang xung đột thương mại với Mỹ, Trung Quốc cũng không muốn mở thêm "chiến trường thương mại" mới với châu Âu.

Trong bối cảnh như vậy, hành trang của ông Tập mang đến Pháp chính là một thị trường Trung Quốc rộng lớn với 1,4 tỉ dân sẵn sàng chào đón hàng hóa từ châu Âu, hoặc ngược lại là Bắc Kinh có thể sẽ đối phó bằng vũ khí là những lệnh trừng phạt nhằm vào hàng hóa châu Âu. Với Bắc Kinh, đây cũng là một cơ hội để EU tránh rơi vào căng thẳng Mỹ - Trung.

Thế nhưng, chỉ vài ngày trước khi tiếp ông Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc thảo luận riêng với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại một nhà hàng ở Paris (Pháp) để ăn tối và thảo luận một số vấn đề được cho là liên quan chính sách của EU đối với Trung Quốc. Không những vậy, Tổng thống Macron đã cùng Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hội đàm 3 bên với ông Tập tại Paris. Tất cả nhằm thể hiện ý chí thống nhất của EU trong chính sách đối với Trung Quốc.

Trong cuộc gặp 3 bên, ông Macron và bà Leyen thúc giục ông Tập kiểm soát việc bán các sản phẩm và công nghệ cho Nga được cho là có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự. Không những vậy, 2 đại diện EU còn đề nghị Bắc Kinh phải cho phép hàng hóa châu Âu được đối xử bình đẳng để tiếp cận thị trường Trung Quốc, đồng thời giải quyết tình trạng dư thừa nguồn cung của hàng hóa Trung Quốc vốn bị cho là bắt nguồn từ sự bảo hộ của chính phủ. Bà Leyen còn nhấn mạnh: "Châu Âu sẽ không dao động trong việc đưa ra những quyết định cứng rắn cần thiết để bảo vệ nền kinh tế và an ninh của mình".

Đáp lại, ông Tập không nhượng bộ cả về vấn đề Nga cũng như bất đồng thương mại EU - Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc hai bên đã không tìm được tiếng nói chung, xung đột thương mại EU - Trung Quốc có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Mỹ sắp áp thuế suất mới lên nhiều hàng hóa Trung Quốc ?

Bloomberg ngày 10.5 dẫn nguồn thạo tin cho hay chính quyền Mỹ sẽ công bố quyết định mới về thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, sớm nhất là vào tuần sau. Mỹ đã tiến hành rà soát lại thuế suất Mục 301 được ban hành hồi năm 2018 dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump.

Theo đó, thuế suất mới sẽ tập trung vào các ngành trọng điểm như xe điện, pin xe điện và pin năng lượng mặt trời. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi tăng thuế đối với nhôm và thép của Trung Quốc và đã khởi động cuộc điều tra mới đối với ngành đóng tàu của nước này.

Vi Trân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.