Chửi học sinh 'đầu trâu': Thầy sai; giáo viên im lặng khi trò hư càng sai

Thúy Hằng
Thúy Hằng
10/07/2023 20:22 GMT+7

"Thầy giáo chửi học sinh 'đầu trâu, đầu chó… chứ không phải đầu người' ở Cà Mau sai rồi. Là con người ai cũng có những lúc tức giận, ức chế dồn nén. Nhưng nếu thầy giáo cứ lờ đi cái sai, cái dốt của học sinh, im lặng dạy cho xong để an toàn, thì càng sai hơn".

Chửi học sinh 'đầu trâu': Thầy sai, giáo viên im lặng khi trò hư càng sai - Ảnh 1.

Mấy năm trước, một cô giáo nhéo tai, đánh mắng học sinh tiểu học đã bị buộc thôi việc

TNO

Đó là tâm tư của một giáo viên dạy ngữ văn tại một trường THPT công lập tại TP.HCM. Cô cho hay, thầy giáo chửi học sinh "đầu trâu, đầu chó" là sai, không thể chối cãi. Nhưng cần một cái nhìn bao dung hơn, vì "đã là con người ai cũng có những tức giận và ức chế dồn nén, khi đó không phải ai cũng giữ bình tĩnh được". Thầy cô giáo cần phê bình, nghiêm khắc với học trò, song cần có điểm dừng.

Xem nhanh 20h: Diễn biến vụ chửi học sinh 'đầu trâu'

Có những lúc tức nghẹn vì học sinh quá ngỗ nghịch

Cô giáo dạy ngữ văn cho biết do tính chất và đặc thù nghề nghiệp nên đa phần giáo viên đều là những người nhiều tình cảm và dễ cảm thông, bỏ qua và tha thứ cho lỗi lầm của học trò. Các giáo viên thường đặt tình thương, trách nhiệm lên trên sự tức giận, với mục đích kiên nhẫn, cùng với gia đình, xã hội giáo dục, uốn nắn học sinh nên người.

"Giáo viên cũng là con người, các thầy cô cũng có lúc tức nghẹn vì học sinh quá ngỗ nghịch, quậy phá và không lo tiếp thu tri thức. Thầy cô luôn mong các em học sinh đến trường là để rèn luyện đạo đức, khám phá tri thức để trở thành một công dân lương thiện và ưu tú. Khi giáo viên dồn toàn tâm toàn ý cho bộ môn, lớp học và đã nhắc nhở nhiều lần mà học sinh vẫn không hợp tác thì tức giận là lẽ tự nhiên. Tôi nghĩ thầy cô cần có quyền được la rầy, phân tích cho các em hiểu, chứ không phải lúc nào cũng im lặng cho qua để dạy hết giờ là xong. La rầy, phân tích chứ không phải chửi học sinh, miệt thị các em. Khi các em nắm kiến thức thì lúc đó các em vừa tiếp nhận kiến thức, vừa rèn luyện tính kỷ luật, làm việc khoa học. Điều đó có nghĩa dạy chữ song song với dạy người", cô giáo dạy ngữ văn tại TP.HCM chia sẻ.

Cô giáo dạy tại trường THPT công lập cũng cho rằng, nếu thầy giáo chọn "con đường an toàn", không la mắng gì học trò, cứ im lặng dạy học, triển khai bài dạy, còn học sinh học như thế nào thì mặc kệ cho xong thì việc dạy học đã không trọn vẹn.

"Tôi cũng có lúc tức giận, la rầy học sinh. Nhưng tôi hay đặt mình vào tuổi của học sinh. Tôi thấy rằng ở độ tuổi học sinh THPT, các em hay muốn thể hiện, muốn chống đối khi bị công kích nặng nề. Do đó, tôi cố gắng nói làm sao cho các em hiểu và biết rằng: người khác cũng tôn trọng và nhã nhặn với mình khi mình tôn trọng người khác", cô giáo chia sẻ.

Nữ giáo viên chia sẻ kinh nghiệm của bản thân là không bêu tên học sinh bị phê bình, tránh làm các em tổn thương. Tuy nhiên, chính cô cũng luôn phải tự nhủ: "thở sâu, kiềm chế tốt nhất, tránh giận quá mất khôn".

"Tôi nhắc nhở trong nhiều tiết học, đủ để cả lớp biết rút kinh nghiệm chung. Bản thân tôi cũng tự nhủ là thở sâu, ráng kiềm chế, tránh phát ra những từ nặng nề với học sinh. Bởi khi ai đó đã giận dữ, thì âm vực, lời nói khó mà kiềm chế. Lời nói ra rồi, không rút lại được", cô bộc bạch.

Chửi học sinh 'đầu trâu': Thầy sai, giáo viên im lặng khi trò hư càng sai - Ảnh 2.

Thầy chửi học sinh "đầu trâu, đầu chó..." trong lớp học, vụ việc xảy ra ở Cà Mau

CHỤP MÀN HÌNH


Người thầy còn là người truyền cảm hứng

Một thầy giáo giảng dạy bậc THPT tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho hay càng ngày, vai trò của giáo viên không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn là người hướng dẫn và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Khi một thầy giáo chửi học sinh "đầu trâu, đầu chó…" có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập, tâm lý, tinh thần của học sinh.

"Thay vì sử dụng lời lẽ phân biệt, chửi học sinh, giáo viên có thể tìm cách khác để giải quyết vấn đề và truyền đạt thông điệp một cách hiệu quả hơn. Việc giao tiếp tôn trọng, đưa ra phản hồi xây dựng và khuyến khích sự phát triển cá nhân là những phương pháp mà giáo viên có thể áp dụng để tạo một môi trường học tập thật sự tích cực", nam giáo viên chia sẻ.

Nhà trường xác nhận có chuyện thầy giáo chửi học sinh 'đầu trâu, đầu chó'

Mắng học trò nhưng đừng để giận quá mất khôn

Mới đây thầy giáo chửi học sinh "đầu trâu, đầu chó…" ở Cà Mau gây xôn xao. Tôi cũng từng nhận phản ánh từ học trò, có giáo viên do bực tức vì trò không làm được bài tập nên lớn tiếng giữa lớp "đầu óc ngu si, tứ chi phát triển". Một đồng nghiệp kể rằng, hồi đi học phổ thông (trước 1975) có giáo viên phê học bạ một học sinh: "vừa ngu, vừa dốt, lại vừa lười"…

Chuyện thầy cô mắng trò với ngôn từ phản sư phạm, tuy không phổ biến, nhưng bậc học nào cũng có, thời nào cũng có. Chỉ khác là, bây giờ, "nhất cử nhất động" của giáo viên trên bục giảng đều có thể được điện thoại, camera ghi lại.

Là nhà giáo, tôi có mấy chia sẻ. Trước hết, lớp học - nơi xảy ra giáo viên mắng trò - với không gian mạng - khi chuyện đó được "post" lên - khác nhau xa lắm. Ngưỡng "thương cho roi, cho vọt", đứng ở hệ quy chiếu 4.0 thì mọi thứ có thể theo chiều hướng xấu.

Dạy học, dẫu là ở đâu, trường lớp nào thì trò ương bướng, chểnh mảng học hành, vi phạm nội quy cũng có - chỉ khác nhau về số lượng, mức độ. Tâm lý học giáo dục, giáo học pháp luôn nhấn mạnh ứng xử đối với "ngựa chứng trong sân trường", vẫn là thuyết phục, sâu sắc, kiên trì. Dùng nhân cách để giáo dục nhân cách.

Từ xưa tới nay, học trò chẳng ai thích bị thầy cô mắng tệ hại cả, nhất là bị trách móc trước trường, trước lớp. Điều đó không giúp trò nên người tử tế, mà có khi để lại tổn thương trong tâm hồn của các em, có thể gây hệ lụy khôn lường. Giới trẻ đầy sức phản kháng nên thời nào học trò cũng không cam chịu, nhất là bây giờ các em có smartphone, Zalo, Facebook. Lúc đó, lời thầy mắng chửi học sinh "đầu trâu, đầu chó", "óc trâu"… có muốn rút lại cũng muộn rồi.

Khi dạy học, tính độc lập của giáo viên khá tuyệt đối. Họ vừa là người hướng đạo, vừa là huấn luyện viên, vừa là trọng tài. Do đó, tương tác với học trò phải được kiểm soát. Bằng cách nào? Đó là năng lực - trách nhiệm - sâu sát - dự báo - giải quyết tình huống, thông qua bài soạn và tổ chức hoạt động một cách chuyên nghiệp, năng động, tinh tế, thấu hiểu của thầy cô. Hiểu trò, nắm chắc tình hình của lớp được phân công giảng dạy, chủ nhiệm, nhuần nhuyễn giáo án, sẽ giúp thầy cô làm chủ tình huống, cho dù là bất ngờ hay phức tạp mấy đi chăng nữa.

Đứng ở bục giảng và thể hiện được vai trò như thế, thầy cô sẽ không bao giờ dùng lời lẽ thiếu chuẩn mực hay mất kiểm soát hành vi, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nghề giáo khó là thế, bởi mới nói "trồng người" gian nan lắm.

TS Nguyễn Hoàng Chương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.