Phải kiểm soát chặt chẽ việc thành lập trường

12/10/2009 22:42 GMT+7

Chiều 12.10, ông Huỳnh Thành Lập - Phó đoàn đại biểu quốc hội, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM đã chủ trì cuộc Hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Trong 18 điều của Luật Giáo dục được đưa ra sửa đổi và bổ sung lần này, vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất phải kể đến vấn đề thành lập trường. Giáo sư - tiến sĩ Bùi Khánh Thế, Phó hiệu trưởng thường trực trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM cho rằng: “Về số lượng các trường được thành lập đến nay thì rất đáng mừng, tuy nhiên về chất lượng đào tạo của một số trường còn nhiều bất cập. Trước nay, tiêu chuẩn để thành lập trường đã có sẵn, nhưng việc thành lập trường trên thực tế lại bị méo mó. Vì vậy, cái tôi muốn nói ra ở đây là cần phải có hệ thống theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thành lập trường, cũng như sự hoạt động sau khi ra đời của các trường này”.

Đồng tình với quan điểm trên, phó giáo sư - tiến sĩ Đinh Ngọc Thạch, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) nêu: “Phải quy định rõ ràng việc thành lập trường ĐH và tư cách của các trường CĐ trước khi nâng cấp lên ĐH”. Điều 7 về sách giáo khoa, ông Thạch cho ý kiến: “Nếu chỉ sử dụng một giáo trình chung có thể sẽ tạo ra một chương trình cứng nhắc. Vì vậy, cần phải phát huy tính sáng tạo của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cũng như các giáo viên trực tiếp đứng lớp trong việc biên soạn bộ giáo trình cho người học dựa trên chương trình khung của Bộ GD-ĐT để phù hợp với từng vùng miền cụ thể”. 

Riêng về vấn đề miễn giảm học phí cho sinh viên sư phạm, phó giáo sư – tiến sĩ Hoàng Văn Cẩn, Phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm TP.HCM đề nghị: “Tôi xin mạnh dạn đề nghị tiếp tục thực hiện chương trình miễn giảm học phí đối với sinh viên sư phạm. Điều này không chỉ đúng về mặt khoa học, mà còn mang tính chất nhân đạo”. Cô Nguyễn Thị Kim Dung – trường Mầm non 19/5 (TP.HCM) có ý kiến thêm: “Việc thực hiện chế độ ưu đãi về học phí với các sinh viên ngành sư phạm là cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều sinh viên sư phạm ra trường nhưng lại bỏ nghề. Vì vậy, nếu chỉ thực hiện miễn giảm học phí ở đầu vào mà không quản lý ở đầu ra thì không hợp lý lắm. Vậy, nên chăng cần có sự ràng buộc sinh viên với việc ưu đãi bằng cách cho mượn tiền để đóng học phí, nếu sinh viên ra trường làm việc đúng quy định thì không phải trả tiền lại”.

Theo nhiều chuyên gia, việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi cũng chưa có tính thực thi trong thời điểm hiện nay. Cô Lâm Hồng Lãm Thúy, trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP.HCM) phân tích: “Ngay tại TP.HCM, tỷ lệ học sinh 5 tuổi đến lớp cũng chưa đạt 100%, huống gì các địa phương khác, nhất là những nơi thuộc vùng sâu, vùng xa. Vấn đề khiến việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi chưa thể khả thi ngay là do điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ giáo viên, cả vấn đề học phí với người học... chưa đáp ứng được”. Ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng công nhận việc phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi là hơi khó khăn trong thời điểm hiện tại. Ông Minh còn nêu thêm, các điều sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cũng cần nêu chi tiết hơn các vấn đề cụ thể và gắn với thực tiễn.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.