Tín hiệu sáng từ kế hoạch giải cứu

13/10/2008 23:11 GMT+7

Giới lãnh đạo tài chính thế giới vừa trải qua một tuần vật lộn để đối phó khủng hoảng và nỗ lực của họ đã giúp khôi phục niềm tin trên thị trường chứng khoán.

Cả thế giới vào cuộc

Tuần qua, lãnh đạo các nhóm G-7, G-20, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế cùng một loạt quốc gia đã "vắt chân lên cổ" chạy tìm giải pháp đối phó khủng hoảng. G-7 đã đưa ra một kế hoạch gồm 5 điểm còn G-20 - tập hợp các nước đang phát triển - cũng đưa ra được một tuyên bố chung để vượt qua khủng hoảng, trong đó ngoài việc huy động tài chính để giải nguy cho các công ty gặp khó khăn, người ta còn nhấn mạnh yêu cầu cải tổ hệ thống tài chính.
Tại Mỹ, sau khi thông qua đạo luật giải cứu 700 tỉ USD, chính phủ tiếp tục triển khai nhiều kế hoạch mới, trong đó có việc mua cổ phần sở hữu ở hàng loạt ngân hàng. Tại châu u, lãnh đạo 15 quốc gia sử dụng đồng tiền euro - nhóm Eurozone - đã họp khẩn vào cuối tuần qua để tìm giải pháp đối phó khủng hoảng. Kết quả là Eurozone đã thông qua một loạt biện pháp giải cứu, trong đó có cam kết đảm bảo các khoản vay giữa ngân hàng với ngân hàng và chính phủ mỗi nước có thể bơm tiền vào ngân hàng bằng cách mua lại cổ phiếu ưu tiên.

Giới lãnh đạo Eurozone đã thể hiện quyết tâm bằng tuyên bố: không để bất kỳ tổ chức tài chính lớn nào sụp đổ. Hãng tin BBC dẫn lời Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy phát biểu sau cuộc họp của Eurozone rằng các nước sẽ thực hiện những giải pháp "vô tiền khoáng hậu" để giải cứu thị trường tài chính. "Hưởng ứng" lời ông Sarkozy, hôm qua, Ngân hàng Trung ương châu u, Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ đã tuyên bố sẽ cung cấp một lượng tiền "không hạn chế" cho các tổ chức tài chính. Ngân hàng Nhật Bản cũng thông báo đang cân nhắc giải pháp tương tự. Điều này có nghĩa là tiền giải cứu sẽ tiếp tục được tung ra, quá trình quốc hữu hóa các định chế tài chính gặp khó khăn sẽ tiếp diễn một cách khẩn cấp hơn.

Nằm trong dòng chảy này, Chính phủ Anh hôm qua đã công bố chi 63 tỉ USD để cứu 3 ngân hàng đang gặp nạn là Royal Bank of Scotland (RBS), HBOS và Lloyds TSB, theo BBC. Hành động trên sẽ dẫn tới việc chính phủ nắm 60% cổ phần của RBS và 40% cổ phần trong ngân hàng được hình thành từ cuộc sáp nhập HBOS với Lloyds TSB. Tại Mỹ, chính phủ vừa chấp thuận việc Công ty tài chính Wells Fargo mua lại Tập đoàn tài chính Wachovia trong một thương vụ trị giá 11,7 tỉ USD.

Niềm tin trỗi dậy

Những chuyển động trong suốt tuần qua đã mang lại hiệu ứng tích cực. Trên các thị trường chứng khoán, sau một tuần lễ đen tối, niềm tin dường như đã trỗi dậy mà bằng chứng là hàng loạt chỉ số lớn đều tăng mạnh trong ngày giao dịch đầu tiên của tuần vào hôm qua. Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc tăng 5,55%, lên 4.180,70 điểm; chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 10,24%, lên 16.312,16 điểm; chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng 3,79%, lên 1.288,53 điểm; chỉ số SET của Thái Lan tăng 5,28%, lên 475,84 điểm. Tại Nhật Bản, nơi chỉ số Nikkei 225 rơi gần 10% trong ngày giao dịch cuối cùng của tuần trước, hôm qua là ngày nghỉ lễ nên không có hoạt động giao dịch chứng khoán. Từ châu Úc và châu Á, niềm tin đã lan nhanh qua châu u. Sau các phiên giao dịch buổi sáng hôm qua, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 4,31%, lên mức 4.101,44 điểm; chỉ số CAC-40 của Pháp tăng 5,77%, lên mức 3.359,65 điểm; chỉ số DAX của Đức tăng 5,78%, lên mức 4.806,93 điểm. Vào phiên giao dịch sáng qua, các chỉ số chứng khoán chính trên thị trường New York đã tăng 4%, riêng chỉ số Dow Jones đôi lúc tăng hơn 400 điểm. Giá dầu cũng tăng từ mức thấp nhất trong 13 tháng qua lên hơn 80 USD/thùng.

Cuộc khủng hoảng tài chính hiện đã gây ra những tổn thương hết sức to lớn cho thế giới và diễn biến của nó vẫn còn rất khó lường. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của một loạt quốc gia và tổ chức, niềm hy vọng, niềm tin đã dần trở lại. Và một khi niềm tin trở lại thì cơ may vượt qua khủng hoảng sẽ lớn hơn.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.