Võ kinh Vạn An phái

07/10/2010 10:15 GMT+7

(TNTS) Từ mảnh đất cố đô Huế, mỗi khi Võ kinh Vạn An phái xuất kinh thi triển võ thuật ở bất kỳ nơi đâu, đều cuốn hút sự quan tâm đặc biệt của người xem, bởi có nhiều chiêu thức võ học tương truyền của các tướng sĩ bảo vệ những vương triều ngày trước...

Trong các cuộc thi võ từ năm 1995 đến nay tại Huế, Võ kinh Vạn An phái là một trong những môn phái chiếm lĩnh ngôi đầu và cùng tham gia các sự kiện văn hóa quy mô như thao diễn thủy binh thời Nguyễn lần đầu diễn ra tại Festival Huế 2010. Tổng hội Võ thuật cổ truyền Việt Nam tại Pháp năm 2002 từng mời Võ kinh Vạn An phái sang Pháp biểu diễn và thi đấu. Điều thú vị là từ đó đã thu hút hàng ngàn môn sinh các nước châu u, Bắc Mỹ… theo đuổi tập luyện.

Tôi từng có dịp gặp gỡ võ sư Voelckel Louis đại diện cho Võ kinh Vạn An tại Pháp, trực tiếp dẫn cậu con trai Voelckel Leo đã 2 lần sang Việt Nam tham gia Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền. Louis thì bảo rằng: võ kinh như một… món ngon đối với anh, thành tích cao trong các cuộc thi võ cổ truyền VN ở Pháp mà anh đạt được trong những năm qua đều nhờ vào quá trình tập luyện võ kinh. Một cao thủ người nước ngoài đã nói về võ kinh như thế, vậy võ kinh ở ta xưa và nay có gì khác nhau, hiện nó được lưu truyền trong dân gian như thế nào? 

Thăng trầm phái võ đất thần kinh

Thời phong kiến, trên các cung đường dọc dài xuyên đất nước, người ta chỉ sử dụng những phương tiện thô sơ như đi ngựa, đi bộ… Và, võ từ lâu đã trở thành một phương cách hữu hiệu để phòng thân, rèn luyện sức khỏe. Trong một số trường hợp, võ còn là phương tiện dùng để tiến thân, ra làm quan. Hằng năm, để bổ sung lực lượng cho quân đội, vệ sĩ cho cấm cung, triều đình thường tổ chức những cuộc thi võ với quy mô lớn và số võ sĩ vượt qua những quy định khắt khe của các cuộc thi võ để được tuyển chọn vào cấm cung bảo vệ hoàng thân quốc thích không nhiều lắm so với hàng trăm hàng ngàn người học võ. Để làm quan võ, ngoài việc phải giỏi võ như một cao thủ giang hồ, còn cần những kiến thức khác - cũng về võ học, thế là võ kinh ra đời, chuyên đào tạo những người học võ để đi thi thố trong các cuộc thi tuyển này.


Chưởng môn Trần Quang Kim (giữa) và các đệ tử Võ kinh Vạn An phái

Những người hành tẩu giang hồ dựa trên căn bản võ nghệ ở triều Nguyễn - Phú Xuân thời ấy (Huế ngày nay) được phân định rạch ròi thành hai hệ, bất kể xuất thân từ môn phái nào, đó là võ kinh và võ lâm. Võ kinh ở kinh đô, người học võ bắt buộc phải học theo kiểu chương hồi để dự thi tiến sĩ võ do triều đình tổ chức nhằm tuyển chọn nhân tài võ học. Võ lâm là những cao thủ thuộc loại… "thảo dã", học võ để dùng chứ không phải để đi thi, chuyên hành nghề đi áp tiêu (bảo vệ hàng hóa), hay lưu lạc hành hiệp trong dân gian.

Tất nhiên, cả võ lâm và võ kinh đều có những cao thủ xuất chúng và những… "thấp thủ" võ công dở tệ. Gia phả Võ kinh Vạn An phái ghi lại nhiều tên tuổi tinh thông võ nghệ. Gốc tổ là Thoại Đình Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ông sơ là Trương Ngọc Giai từng được sắc phong Chánh đội trưởng Đội cẩm thị vệ thời vua Tự Đức... Lưu truyền đến đời thứ 4 được cố võ sư Trương Thăng (qua đời năm 2002) chính thức khai lập môn phái vào năm 1972, đặt tên Võ kinh Vạn An phái. 

Ngày xưa, cũng như các bí kíp võ công khác, bí quyết võ kinh được cẩn mật gìn giữ, tuyệt đối không truyền thụ ra ngoài. Cũng chính vì thế mà những tuyệt chiêu trong võ kinh mà các vị đại tôn sư như Thoại Đình Hầu Nguyễn Hữu Cảnh từng sở đắc đã dần mai một. Thế nhưng, dù chỉ còn lại cho đời sau không nhiều, các đòn thế của võ kinh cũng đủ làm cho những ai đam mê võ học phải sững người kinh ngạc. 

Từ chiêu thức Lôi Phong Phiến...

Đến miền đất võ Bình Định, tôi không ít lần được xem huyền thoại đất võ Tây Sơn Phan Thọ, hùm xám miền Trung - cố võ sư Hà Trọng Sơn, Ngọc Trản Quyền Phi Long Vịnh, Hùng kê quyền Ngô Bông… thi triển thập bát ban võ nghệ với lòng ngưỡng phục tinh hoa võ học dân tộc dường như dồn tụ vào nghiệp võ của các lão võ sư tên tuổi này trong chốn võ lâm. Khi lần đầu tiên chứng kiến võ sư Lê Trần Nhật Đăng thi triển bài Lôi Phong Phiến tại Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền VN vừa diễn ra, thú thật trong tôi bỗng dấy lên nỗi mê hoặc công phu của con nhà võ. Chỉ tiếc là bấy lâu chưa từng có ý định theo đường cung kiếm.


Võ kinh Vạn An phái trình diễn công phu

Võ sư Nhật Đăng hiện đang tu tập tại chùa Trúc Lâm - Huế, pháp tự Thích Tâm Chiếu. Sau gần 20 năm miệt mài luyện võ, Thích Tâm Chiếu trở thành trưởng tràng (đại sư huynh) của Võ kinh Vạn An phái. 108 đường quạt thể hiện chiêu thức Lôi Phong Phiến được nhà sư giỏi võ múa cực kỳ điêu luyện. Cánh quạt lúc nhẹ nhàng chao lượn, lúc mạnh mẽ tạo tiếng nổ uy lực như sấm, cuồng phong.

Sau khi trố mắt nhìn trưởng tràng môn phái phi thân pháp lên trời bay như chim qua chiêu Bạch hạc lượng xí (chim hạc xòe cánh), đến chiêu Sổ bộ truy phong (dùng bộ pháp rượt theo gió), tôi đánh liều tiếp cận trưởng tràng môn phái mong gặp được vị chưởng môn xin tập tành đôi chút công phu phòng thân những lúc bất trắc trên đường tác nghiệp, chí ít cũng tòm tèm vài ngón nghề của "cấm quân thị vệ" nơi hoàng cung ngày trước…  

Diện kiến chưởng môn

Cứ nghĩ chưởng môn Võ kinh Vạn An phái, võ sư Trương Quang Kim là người kín tiếng khi kế thừa những sở học võ thuật có từ hàng trăm năm qua. Không ngờ vị chưởng môn này tỏ ra hào sảng đúng chất con nhà võ trước sự quan tâm của một kẻ ngoại đạo về võ như tôi trong lần đầu gặp mặt. "Ui chà chà, rứa thì hay quá!", chưởng môn Trần Quang Kim nói đặc giọng Huế, tỏ vẻ đồng ý ngay, đoạn ông kể một mạch về lai lịch môn phái mình.

Vị chưởng môn từng đóng vai tướng Lê Phụng Hiểu trong phim Thăng Long nhân kiệt, bảo: "Hồi xưa võ học môn phái khư khư giữ như bảo bối, chỉ truyền dạy trong nội bộ gia đình. Về sau này được phổ biến rộng rãi khắp nơi. Đã đến lúc cần phải thay đổi, bằng không thì sẽ mai một, thất truyền đi mất". Dứt lời, ông vận bộ áo chưởng môn bề thế, nhanh nhẹn thị phạm cho tôi xem thêm những bài võ đặc trưng của môn phái như: Linh miêu tẩy diện, Song đao hồ điệp, Long phụng kiếm pháp, Miêu xà quyền… "Chiêu thức võ kinh trông đơn giản nhưng đòn thế quyết định. Thân pháp tránh né nhanh, nhẹ phù hợp với vóc dáng người Việt. Những lúc lâm nguy thì ra đòn sát thủ. Đặc biệt nó có được cái tinh túy của võ, đó là hình (đòn thế góc cạnh) - lực (đánh mạnh) - ý (nghĩ đâu đánh đó) và khí (đòn thế dựa theo hơi thở)". Lời phân giải của vị chưởng môn khiến tinh thần học võ của tôi càng hăng hái. 

Đành thôi… “cấm quân thị vệ”

Quy trình tập luyện võ kinh qua chỉ giới của vị chưởng môn khiến tôi toát cả mồ hôi, thầm nghĩ có lẽ mình dồn sức tập đến già cũng chưa chắc thành công với chiêu thức Bạch hạc lượng xí! Hóa ra muốn luyện công phu buộc phải thông thạo thập bát ban võ nghệ, mà bước vào luyện thập bát ban cũng đã phải trải qua tới 8 bước. Thời gian của mỗi bước dài hay ngắn lại tùy thuộc vào khiếu võ của từng người học. Bước một khởi đầu luyện nhãn pháp. Nhất chỉ nhãn pháp công của Võ kinh Vạn An phái dùng tay để luyện đôi mắt tinh anh.

Kế đến luyện tấn pháp (chân vững như bàn thạch), luyện thủ pháp (44 bộ gồm gạt, đỡ, chỉ, chỏ, chưởng…), luyện cước pháp (thập bát liên hoàn cước), luyện thân pháp (đỉnh cao là loạn đả tàng vân), luyện quyền pháp, binh khí pháp và bước cuối cùng để "ra lò" một võ sĩ là luyện đấu pháp với song đấu luyện, song đấu đối kháng và đấu tự do. Quá trình tập luyện bài bản như thế nên thầy trò Võ kinh Vạn An phái có được nội công thâm hậu, dùng yết hầu bẻ cong 3 ngọn giáo gí sát phần đầu nhọn hoắt vào cổ rồi kê đá lấy búa tạ đập trên lưng mà chẳng hề hấn chi!...

Quả thật, không có cái gì đạt đến đỉnh cao mà không cần khổ luyện. Tôi đành thôi chuyện tập tành công phu sau khi lạnh sống lưng với những yêu cầu hà khắc để được trở thành cái gọi là "cấm quân thị vệ" như cha ông thuở trước. Bàn tay con nhà võ chắc nịch của vị chưởng môn Võ kinh Vạn An phái vỗ vỗ vào vai tôi như một lời động viên. Tràng cười rổn rảng của ông làm tôi cứ liên tưởng về những võ tướng VN từng vung gươm ra sa trường, bảo vệ biên cương ngày xưa…

Bài & ảnh: Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.