Doanh nghiệp Việt Nam mất 130 ngày lo chuyện thuế mỗi năm

26/09/2007 18:50 GMT+7

(TNO) Đó là thông tin trong bản báo cáo môi trường kinh doanh 2008, được Ngân hàng Thế giới (WB) và Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) công bố hôm nay 26.9 tại Hà Nội. Báo cáo cho thấy các doanh nghiệp ở Việt Nam mất khá nhiều thời gian thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Tính trung bình, một doanh nghiệp mất 1.050 giờ, tương đương 130 ngày làm việc để hoàn thành các thủ tục liên quan đến đóng thuế. Trong khi đó, thời gian này tại Singapore chỉ 49 giờ, Cambodia 137 giờ, Malaysia 166 giờ, Philippines 195 giờ, Thái Lan 264 giờ và Indonesia 266 giờ.

Cùng với thủ tục về thuế, bản báo cáo còn nêu hai lĩnh vực khác Việt Nam xếp thứ hạng thấp là bảo vệ nhà đầu tư và giải thể doanh nghiệp. Cụ thể, báo cáo cho rằng việc Việt Nam đưa vào thực thi 2 luật mới là Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán đã giúp tăng cường bảo vệ nhà đầu tư; nâng cao yêu cầu báo cáo và minh bạch thông tin công ty, đặc biệt là thông tin về giao dịch với bên có liên quan. Luật cũng qui định nghĩa vụ và trách nhiệm của giám đốc và thành viên hội đồng quản trị, nhưng chưa có cơ chế thực thi các nghĩa vụ này. Vì thế, Việt Nam vẫn nằm trong số những quốc gia bảo vệ nhà đầu tư kém trước sự lạm dụng tài sản doanh nghiệp của giám đốc hay thành viên hội đồng quản trị.

Việc giải thể doanh nghiệp cũng còn nhiều bất cập (báo cáo xếp hạng Việt Nam 121/178 quốc gia, vùng lãnh thổ có đánh giá trong báo cáo). Có rất ít doanh nghiệp ở Việt Nam giải thể theo đúng những qui định và thủ tục chính thức, chủ yếu do thủ tục rất khó khăn và tốn nhiều thời giờ, tốn chi phí nhưng khả năng thu hồi nợ kém. Có trường hợp doanh nghiệp phải mất 5 năm và tốn 15% giá trị tổng tài sản để làm thủ tục, đến khi kết thúc việc phá sản thì chỉ thu hồi được 18% giá trị tài sản.

Ngoài 3 lĩnh vực trên, báo cáo ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia có tiến bộ trong cải thiện môi trường kinh doanh, thu hẹp dần khoảng cách với các quốc gia đứng đầu trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Các lĩnh vực có tiến bộ nhiều là việc cải cách thủ tục vay vốn, cho phép doanh nghiệp mở rộng phạm vi tài sản có thể sử dụng để thế chấp; thủ tục thành lập doanh nghiệp được cải cách và thời gian rút ngắn xuống; thủ tục xuất nhập khẩu thông thoáng hơn kéo theo chi phí xuất nhập khẩu giảm đáng kể...

Tính chung, Việt Nam xếp hạng 91/178 quốc gia, vùng lãnh thổ về môi trường kinh doanh. Trong khi đó, xếp hạng của một số quốc gia trong khu vực là: Singapore 1, Thái Lan 15, Malaysia 24, Indonesia 123, Philippines 133, Cambodia 145 và Lào 164.

Báo cáo môi trường kinh doanh đánh giá mức độ thuận lợi về môi trường kinh doanh của một nền kinh tế, được WB và IFC dựa trên 10 yếu tố: thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép, tuyển dụng và sa thải lao động, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, thương mại quốc tế (xuất nhập khẩu), thực thi hợp đồng và giải thể doanh nghiệp. Tuy vậy, WB và IFC cũng khuyến cáo thứ hạng trong báo cáo không phản ánh các yếu tố như: chính sách kinh tế vĩ mô, chất lượng cơ sở hạ tầng, biến động tiền tệ, nhận thức của nhà đầu tư và tỉ lệ tội phạm.

Minh Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.