Những câu chuyện của trẻ

19/02/2004 00:31 GMT+7

Được tháp tùng chương trình "Tư vấn học đường" do Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em TP Hồ Chí Minh tổ chức nhằm giúp các em học sinh gặp hoàn cảnh đặc biệt có thể sớm hòa nhập với xã hội, chúng tôi xin kể lại những câu chuyện trong thế giới học trò. Đối tượng là trẻ em nhưng các vấn đề tâm lý, khúc mắc của trẻ đều xuất phát từ người lớn.

Chuyện thứ nhất: Trong những giờ nghỉ trưa, khi các bạn lớp 8 Trường Hà Huy Tập cùng ăn bánh mì hoặc suất cơm 5.000đ thì V., một cậu bé thuộc loại "học sinh cá biệt" thường mua những chiếc bánh lớn đắt tiền (đến 30.000đ/chiếc), cắn vài miếng là vứt vào thùng rác. Thấy em có biểu hiện tiêu xài hoang phí, sống tách biệt khỏi bạn bè, chuyên viên tư vấn khuyên nhủ em về sự tiết kiệm. Cậu bé trả lời tỉnh rụi: "Lỡ mai mốt lỡ ba mẹ vô tù, tiền đó bị tịch thu, em không xài cũng uổng".

Chuyện thứ hai: Cô hiệu trưởng gọi một học sinh nam có những biểu hiện "nổi loạn" lên văn phòng để nói chuyện. Sau đây là những câu "chất vấn" cô hiệu trưởng: "Cô ơi, cô có mấy căn nhà?". "Cô chỉ có một căn thôi". "Nhà rộng không cô? Có bằng trường mình không cô?". "Nhà cô nhỏ thôi. Chỉ bằng hai phòng này". Cậu bé ngạc nhiên: "Cô nói thật chứ ạ? Chẳng lẽ nhà cô không bằng cái bếp nhà em? Vậy lương cô một tháng được bao nhiêu?". Khi nghe cô giáo nói mức lương của mình, cậu bé kêu lên đầy ngạc nhiên: "Chả lẽ lương cô còn ít hơn tiền ba mẹ cho em tiêu vặt hàng tháng?".

Chuyện thứ ba: Một cô bé được bố mẹ hết sức cưng chiều, muốn gì được nấy. Ban đầu em học tốt nhưng sau đó dần có biểu hiện mất tập trung, học sút, sống thu mình lại. Bà mẹ lo lắng tìm đến trung tâm tư vấn để mong cứu con mình khỏi những biểu hiện kỳ quặc. Em tâm tình với các chuyên viên lý do vì em được gia đình "bao bọc" quá kỹ. Hằng ngày mẹ đưa em tới trường, đợi cho khi em vào học rồi mới về... Nhà trường tổ chức đi tham quan, gia đình cho người lái xe hơi chạy theo, cùng bạn bè chơi công viên thì mẹ cũng đi kè kè bên cạnh. Cho đến khi bài kiểm tra bị một điểm trung bình, em đã lo sợ đến trầm uất...

Hiện có không ít gia đình ít con, lại có điều hiện kinh tế nên hết sức cưng chiều con cái. Cha mẹ quá kỳ vọng vào khả năng của đứa trẻ, tiền bạc cho tiêu thoải mái, từ đó hình thành ở chúng cách sống tách rời cộng đồng. Các bậc phụ huynh ấy nghĩ rằng mình làm giàu cho con và vì con, để rồi "bù đắp" sự vắng mặt thường xuyên của mình bằng vật chất, tiền bạc. Xu hướng này tác động rất lớn vào sự hình thành nhân cách của trẻ. Dù tuổi nhỏ, nhưng trẻ đã biết tự ngầm đánh giá và phán xét hành động của người lớn. Nhiều em khi tâm sự về gia đình, đã ấm ức nói rằng: "Người lớn nói láo lắm cô ạ!".  

Trái với những biểu hiện nổi loạn, quậy phá, xài tiền phung phí, sống tách biệt với bạn bè... của nhóm học sinh nhà giàu, rất nhiều em tìm đến trung tâm tư vấn vì sự nghèo túng của gia đình.

Trong các bản đăng ký tư vấn của các em, nhiều em đã có cùng câu hỏi "Không có tiền làm sao có thể được đi học?". Có em để có tiền đi học đã tham gia chuyển ma túy trong xóm và coi đó là chuyện bình thường.

Chuyện thứ tư: Em A.T, một học sinh sống khổ từ nhỏ, cha mẹ ly dị, bố lập gia đình mới, không có trách nhiệm với con. Hai mẹ con phải sống trong căn phòng quá chật hẹp, không điện nước... Mẹ em bị bệnh đau đầu kinh niên, thu nhập thất thường, 100 - 200 ngàn đồng/tháng. Vì hoàn cảnh quá bi đát, em luôn bị mắng chửi vô cớ. Tuy vậy, em vẫn là một học sinh giỏi, ham học và có khát vọng. Em chỉ mong được học hết cấp 2 rồi đi làm để có tiền nuôi mẹ. Năm em học lớp 8, mẹ theo một người đàn ông khác, em bị bỏ rơi, có khi cả tuần liền không hạt cơm nào vào bụng...

Nhờ trung tâm tư vấn can thiệp, bà mẹ đã quay lại với con. Bà mẹ khóc, thú nhận rằng mình không còn khả năng nuôi nổi cả bản thân lẫn con gái. Dù nhân viên tư vấn đã tìm việc cho mẹ A.T rồi xin cho em một suất học bổng, hiện em đang học tại một trường chuyên cấp 3 của Q.Bình Thạnh nhưng vẫn thấp thỏm băn khoăn, không biết tương lai sẽ ra sao?

Gia đình tan vỡ, những bực dọc trong đời sống mà các bậc phụ huynh vô cớ trút vào con trẻ... gây cho các em những cú sốc tâm lý, dẫn đến sự thương tổn tâm hồn. Nhiều em đã bỏ nhà "đi bụi", thậm chí có em định tự tử. Hàng ngày chia sẻ tâm tư của các em, các tư vấn viên có chung nhận xét: "Dù thừa hay thiếu vật chất, các em đều không thể thiếu đi sự quan tâm của các bậc cha mẹ".

Để tuổi thơ các em được trong trẻo, xin người lớn đừng đặt lên vai các em những áp lực về tiền bạc cũng như những bi kịch tinh thần của chính mình.

Hồng Dung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.