Thị trấn trên núi cao - Truyện ngắn của Văn Giá

11/10/2008 20:51 GMT+7

Thắng đang lang thang dạo phố. Gọi là phố, thực ra là một thị trấn nhỏ xíu. Nơi đây, có một trường cấp 1 - 2, một xưởng chế biến chè, một vài đoạn đường dốc với những cửa hàng bán chè, bán thuốc nam của đồng bào dân tộc. Phía tay phải, chỗ ngã ba là trụ sở thị trấn.

Quãng 10 giờ sáng. Phố xá vắng tanh. Những người cuối cùng của cái chợ bé xíu cũng đã gùi địu tay nải ngược dốc ra về. Thị trấn yên tĩnh, đìu hiu.

>> Nghe toàn bộ tác phẩm

Sáng nay Thắng chẳng có việc gì phải làm. Đợt lên thị trấn này cũng chẳng có việc gì cụ thể. Một anh bạn họa sĩ có người quen ở đây rủ lên chơi, bảo cứ lên chơi  thôi, viết được gì thì viết. Thắng đang cần đi. Đi để xả stress. Tháng qua, cơ quan Thắng đủ thứ công việc. Chẳng đâu vào đâu. Toàn đầu chày đít thớt. Một đồng nghiệp giở chứng, kiện cáo người trong cơ quan, bôi xấu người ta, cấp trên bắt kiểm điểm. Đến mệt. Thế là Thắng khăn gói quả mướp lên đường.

Tiếng chim lích chích trên cây suốt lối đi. Đã lâu lắm rồi Thắng mới được nghe tiếng chim ríu ran đến thế. Có giọng kim, có giọng thổ. Có tiếng lích chích. Có tiếng kéo dài. Có tiếng mau tiếng khoan. Có tiếng từ xa vọng lại. Có tiếng ngay trên đầu... Như một bản nhạc nhiều bè nhiều giọng, mà vẫn có gì đó mạch lạc, trong suốt, không bị rối lẫn. Thắng nhớ đến giọng chim hót trong lồng của nhà láng giềng mỗi sớm. Tiếng hót nghe như tiếng kêu khẩn thiết, sốt ruột, đòi sổ lồng.

Trời âm u. Trên chóp dãy núi phía trước vẫn hàng hàng lớp lớp sương mù. Dưới lũng suối dưới chân núi, từng vạt mây quẩn mờ trắng chưa tan hẳn, mỏng tanh. Thắng trèo lên cây chè hái mấy búp non nhấm nháp. Cây chè còn đẫm sương, ướt rượt. Ban đầu vị chè hơi đắng, chát. Nuốt vào rồi, lại thấy vị ngọt nơi đầu lưỡi. Thắng thấy thật thích thú.

Trên lưng núi có tiếng trẻ ê a đọc bài. Tiếng cô giáo bắt nhịp, gõ thước. Thắng đi như một kẻ mộng du, thả mình vào tiếng chim, tiếng gió. Cuộc sống tưởng chừng như ngưng lại...
Đi mãi cũng mỏi. Thắng quay lại, lững thững rẽ vào đoạn phố có đông nhà cửa bên đường. Mấy cửa hàng tạp hóa. Đồ chơi Trung Quốc, mấy tấm vải xanh đỏ tím vàng, vài loại trái cây nhập từ Trung Quốc đã héo. Thắng đi qua mấy cửa hàng bán cây thuốc nam, chỉ để xem. Chả biết thứ lá lẩu đầy đường này có chữa được bệnh nào không chứ ở bất cứ điểm du lịch nào cũng thấy các bà người dân tộc thiểu số bán đầy.

Thắng thấy mấy cửa hàng bán đồ gỗ, hàng gỗ lũa để bày chơi. Lại có mấy cửa hàng bán đá cảnh. Những cục đá, khối đá nhiều màu sắc, nhiều hình thù. Thắng dừng chân ở một cửa hàng có vẻ khang trang, nổi bật nhờ cái biển hiệu to. Quầy hàng không có một ai. Chắc chủ nhà đang ở phía sau. Thắng cũng chả buồn gọi. Ở miền núi, người ta chẳng cần canh giữ cửa hàng. Mà khách đến cũng không ai dám tắt mắt.

Thắng cứ đứng nguyên một chỗ nhìn ngắm hết thứ này đến thứ khác. Trên cánh tủ trước quầy, chủ nhà treo rất nhiều ảnh. Một tấm ảnh cưới cỡ lớn treo giữa. Chắc của vợ chồng người chủ. Trông cả hai khá đẹp. Chú rể trong bộ complê. Cô dâu trong trang phục phụ nữ Dao tiền, toàn thân đỏ rực từ đầu đến chân, từ mũ, đến áo, quần, giày. Vì thế, gương mặt cô dâu cũng đỏ hồng. Cô khá xinh.

Cạnh bức ảnh cưới là rất nhiều ảnh của chú rể đang tập võ. Có ảnh đá song phi. Có ảnh cầm dao găm trong tư thế đang nhào vào đối thủ. Có bức lại đang trong tư thế chém gạch, dưới chân là chồng gạch đang bắn tung tóe, có viên vỡ nửa, có viên vỡ vụn. Đáng kể nhất là bức ảnh anh ta cầm côn vừa đánh vừa đỡ ba võ sĩ khác. Chắc tay này giỏi võ. Cũng có thể là ảnh dàn dựng cũng nên. Tự nhiên Thắng có ý nghĩ: vợ thằng cha này xinh, nên nó trưng ảnh tập võ ra để dọa thiên hạ: thằng nào léng phéng, liệu hồn. Nhưng ngữ này thực chất nhát gan, nếu giỏi võ thật, người ta chẳng cần phải trưng ra giữa bàn dân thiên hạ như thế...

“Chào anh ạ!”. Thắng giật bắn người. Cô chủ che mặt, ý tứ cười. “Anh xem hàng mua gì cho em đi”. Thắng định thần lại, nhìn nhanh. Cô chủ mặc bộ đồ trắng trong nhà, đang địu con. Đứa con ngủ sau lưng. Cái địu làm bằng thổ cẩm, màu đỏ tươi, nhiều hoa văn. “Anh đi lang thang xem hàng thôi”. “Chắc anh đi du lịch?”. “Sao em lại đoán thế?”. “Thị trấn này bé bằng bàn tay. Người lạ là biết ngay”.

Thắng thấy cô chủ khá xinh. Vừa xem các hình gỗ lũa, anh vừa thủng thẳng nói nhát gừng: “Có đắt hàng không cô chủ?”. Không thấy tiếng trả lời. Thắng ngước lên nhìn. Cô chủ đã chạy đi đâu rồi. Thắng lại điềm nhiên xem hàng, có ý vừa xem vừa chờ. Mãi sau, cô  lại ra một mình, đã thay đổi trang phục hoàn toàn. Một màu đỏ toàn thân trong y phục Dao tiền. Cô bưng nước đặt lên bàn. “Em mời thầy uống nước ạ”. Thắng kinh ngạc. “Sao...?”. Một ý nghĩ mơ hồ chạy khắp sống lưng. “Chắc thầy không nhớ em...”. Thắng đập hai tay vào nhau. “Trời ơi, Ly! Em ở đây?”. “Thầy uống nước đi”...

Cách đây dễ chừng đến chục năm, ngày ấy Thắng là giáo viên trung cấp nghệ thuật miền núi. Đang trẻ măng. Con trai dưới xuôi chưa vợ. Các em nữ sinh quý lắm. Ở miền núi vào thời ấy đói, khổ, độc thân, chả biết làm gì, chỉ biết lấy yêu làm vui.

Lấy yêu làm vui. Nghe cứ không ổn thế nào. Nhưng mà đói quá, đọc sách không vào. Chuyên môn nhằng nhịt đủ dùng. Kỹ thuật ký xướng âm tàm tạm. Ghi-ta chơi cũng tàm tạm. Đàn đúm tối ngày. Chơi mãi cũng chán. Cuộc sống miền rừng buồn khổ, thiếu đói. Vào dịp hè, Tết, năm hai lần về quê. Có dạo Thắng định bỏ nghề. Nhờ bố mẹ và cả họ hàng nhà Thắng khuyên bảo, dọa dẫm, ép mãi Thắng mới quay trở lại.

Thế rồi Thắng gặp Ly, cô học trò người Dao. Cô bé học lớp thanh nhạc, đang tuổi thiếu nữ. Da trắng bóc. Con gái miền cao có khác. Người dong dỏng, không cao. Cô hay mặc trang phục phổ thông, trừ những hôm hội hè, nghi lễ gì đó mới mặc y phục Dao. Dù mặc trang phục nào, Ly cũng nổi bật giữa đám đông. Nhiều chàng trai để ý. Nhiều giáo viên nam đã có vợ và cả chưa có vợ cũng để ý. Ly biết mình đẹp, nhưng không lấy đó làm kiêu. Cô nói cười vừa phải, đủ để ai cũng thấy mình không bị chê nên ai cũng thích. Một cuộc chạy đua ngầm diễn ra giữa các chàng trai...

Một Tết xa nhà, Thắng ở lại trực trường. Thực ra Tết ấy Thắng cũng chẳng muốn về quê. Vừa ngại say xe, vừa không có tiền. Đã thế, khi đi lại làm bố mẹ mất món tiền tàu xe quà cáp. Nên Thắng xung phong ở lại. Tình cờ thế nào lại đúng dịp lớp của Ly cũng ở lại trực trường.

Những ngày cuối năm buồn hiu buồn hắt. Mấy thầy trò cũng gói bánh chưng. Cũng có thịt lợn trường cho. Mấy học trò lại nhận được quà bố mẹ gửi lên. Nhiều no ít đủ. Thế là thành cái Tết xôm trò rồi. Trường vắng tanh. Gió xao xác, rộng rênh. Lá cây lát trút một lớp dày lên sân trường, dọc lối đi, giẫm lên nghe lạo xạo. Ngày Tết không có người quét dọn. Tối 29 Tết, tất cả thầy trò ngồi quanh nồi bánh chưng.

Trời rét cắt da cắt thịt. Nồi bánh chưng đặt ở giữa phòng, mỗi khi mở cửa gió thổi bạt cả lửa. Lúc lúc phải thay nhau ra ngoài lấy nước và củi thêm vào. Quá buồn, mấy cậu trai đem rượu ra mời thầy uống. Có đứa lại bảo để sang đêm giao thừa mới uống. Mấy cậu cứ nài nỉ. Ừ, thì uống. Ngày thường thì cấm chúng mày chứ tết nhất ai lại cấm. Cả trò nam trò nữ cùng uống, vừa uống vừa hát. Hết đồng ca lại đến đơn ca. Thắng cầm ghi-ta. Đêm tĩnh lặng. Than củi nổ lách tách, bắn ra những chùm tia li ti. Trong ánh sáng bếp lửa, những gương mặt cứ chập chờn. Thỉnh thoảng Thắng lại liếc về phía Ly. Khuôn mặt nàng ngời lên, lộng lẫy, chập chờn, có gì đó rất mơ hồ, rất gần đấy mà lại rất xa... Thắng cũng cảm thấy ánh mắt Ly thỉnh thoảng nhánh lên chiếu về mình.

Tiếng ghi-ta bập bùng. Giọng Thắng cất lên. Từng lúc bốn mắt lại ánh lên trong ánh sáng bếp lửa. Thắng cảm thấy giọng hát mình hay hẳn. Vì có nàng. Tuy thế,  Thắng lại cảm thấy không tiện ở lại phòng sinh viên quá khuya, nên ra về, dù lòng còn rất muốn. Thắng cầm ghi-ta đứng dậy. Tốp sinh viên định theo ra để chào, Thắng quầy quậy bảo thôi, trời đang lạnh. Tất cả dừng lại. Riêng Ly cứ theo ra cửa. Cả bọn biết ý, khép cửa lại để Thắng đứng với Ly. Thắng bạo dạn cầm tay Ly: “Chào em. Tôi phải về rồi. Tiếc quá”. “Em cũng tiếc. Đang vui...”. “Mai nhé. Tối mai gặp riêng em nhé”. “Vâng”.

Chỉ cần thế thôi. Thắng chào vội, lập cập ra về, lòng râm ran nỗi vui sướng lâng lâng, đi như chạy về tới phòng, quăng người nằm ngửa lên giường, dang hai tay nhắm mắt lại...

***

“Thầy thế nào rồi?”. “Tôi cũng định hỏi em câu ấy. Nhìn cơ ngơi này, mấy bức ảnh kia, tôi tin em hạnh phúc. Mừng cho em”. Ly không nói gì. “Thầy chưa trả lời câu hỏi của em”. “Tôi cũng thường thôi. Có một cháu gái lên chín rồi. Nó ở với mẹ. Vì chúng tôi chia tay”. “Sao lại thế?”. “Chuyện dài lắm. Đến lúc không thể chịu được nhau nữa thì phải chia tay thôi. Cũng là cách giải thoát cho nhau”... Câu chuyện giữa Thắng và Ly cứ nhát gừng.
Ly không dám nhìn thẳng vào Thắng, ánh mắt cô có gì thảng thốt, nhớn nhác, thỉnh thoảng lại liếc nhìn ra cửa. Thắng cảm thấy có sự bất tiện cho Ly, nên cáo từ. “Tôi lên đây theo chân anh bạn, ở vài ngày, ngay trên đầu dốc kia thôi. Hẹn lúc khác xuống thăm em”. “Không, thầy ở lại chơi. Lát nữa thôi nhà em về. Mời thầy ở lại uống rượu với chúng em”. Thắng vẫn nhất quyết ra về, bảo tối nay sẽ cùng anh bạn xuống chơi.

Nàng vẫn đẹp. Hai con rồi nhưng vẫn đẹp. Da vẫn trắng hồng. Trong cung cách của người Dao, nàng vẫn trẻ trung, nuột nà lắm. Trông nàng còn có cái viên mãn của đàn bà. Ngực vồng lên gọn ghẽ. Eo thắt lại. Mông căng đầy. Nàng vẫn đẹp. Đó là điều nguy hiểm đối với Thắng. Nên đến thăm lần nữa hay thôi. Không. Phải gặp nàng một lần. Không thể không gặp.

***

- Em có nhớ hôm ấy đêm giao thừa chúng mình chạy trên đường, bốn bề pháo nổ không?
- Em sợ quá cứ vừa bịt tai
vừa chạy.
- Sợ nhất quả pháo đùng ai ném ra đường, suýt nữa chúng mình giẫm phải.
- Sau đó chúng mình về phòng. Ôi, đêm ấy...
- Em còn kêu đau nữa kia.
- Ừ, em kêu đau. Còn anh sợ có em bé.
- Em thì bảo không sợ đâu. Em có lá thuốc quê em.
- Thế là chúng mình có một đêm... Thật là khủng khiếp.
- Em sợ nhất là anh sẽ xem thường em.
- Sao lại có thể thế được. Chúng mình thật hạnh phúc mà. Hạnh phúc đến tận bây giờ.
- Thôi, em sợ chỉ gặp nhau được lần này thôi. Anh nhà em mà biết được thì nó giết.
- Ừ, có thể nó giết thật. Anh thế anh cũng giết. Nhưng nào, đừng sợ nữa. Anh thương em.
- Em cũng thương anh. Nhưng nó ghen lắm anh ạ. Từ ngày lấy nhau, em bỏ luôn nghề. Giờ chỉ có bán hàng thôi.
- Có đắt hàng không?

- Em chỉ trông coi thôi. Còn anh ấy bán. Những hàng gỗ lũa ấy giá cả chả biết thế nào. Trông toàn những cái thứ cổ quái ấy, thế mà vào tay khách chịu chơi, tiền triệu triệu đấy anh ạ. Anh ấy chỉ để em bán thứ thuốc cao lá cây thôi.
- Cao lá cây?

- Vâng cao lá cây. Đặc sản của dân tộc em. Chữa nhiều bệnh. Còn để làm khỏe cả cái này nữa này...
- Ôi em...
- Em hạnh phúc quá. Em chết mất thôi... Nhưng mà nó ghen lắm. Có lần khách hàng đến mua, tán tỉnh em, nó cáu, nó bảo: “Ông biến đi. Trông ông đ... có mẽ chơi được hàng của tôi”. Ông khách sừng sộ. Nó bảo: “Ông muốn gì? Biến!”. Tay nó cầm cái côn. Ông khách hiểu ra, phải biến ngay đấy anh ạ.

- Anh thương em. Anh không muốn xa em...
- Ước gì chúng mình cứ thế này mà chìm vào giấc ngủ, một mạch, mãi mãi anh nhỉ?
- Ôi, phải sống chứ em... để còn yêu nhau.

- Ừ, phải sống... Giá trước kia chúng mình đừng bỏ nhau nhỉ.
- Lại khóc nhè rồi... Ai bảo em cứ nghe lời bố mẹ...
- Khi em lấy Cường nhà em, mẹ em vẫn không muốn cho lấy trai người Kinh một tẹo nào...

***

Tối hôm sau, Thắng và anh bạn họa sĩ đến nhà Ly. Chồng Ly đang ở nhà. Ly giới thiệu Thắng là thầy giáo ngày xưa. Chồng Ly tên Cường. Khá đẹp trai. Trông tướng con nhà võ. Hàng ria con kiến để rất điệu nghệ. Mắt sáng trắng, đồng tử đảo lia lịa. Cường mặc quần soọc, áo may-ô. Trên tay, vai đầy những vết xăm rắn rết rồng phượng gì đấy mà Thắng không nhìn kỹ. Cường người miền xuôi. Vốn là kỹ sư công nghệ thực phẩm bỏ nghề, lên núi cao làm ăn. Đã từng buôn hàng cơm đen, bị chiến hữu lừa, trắng tay. Chán. Xoay sang nghề buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, gỗ lũa trên núi cao này. Được bà chị họ giới thiệu, gặp Ly. Yêu nhau. Ở với nhau được nửa năm, thấy vợ lương ba đồng ba cọc, lại hay đi biểu diễn nọ kia, Cường bắt Ly giải nghệ. Bỏ thì bỏ. Ly cũng chán cảnh năm thì mười họa đi hát phục vụ hội nghị, lễ lạt, phục vụ đám cưới con các sếp. Chả mấy khi có chương trình biểu diễn. Mà biểu diễn cũng là chương trình sắp đặt. Bài hát mình ưa thích, hát hay thì không được biểu diễn, lại phải hát những bài phong trào. Đã thế đồng lương bèo bọt, phụ cấp không ra gì, còn hay bị các sếp tán tỉnh.

Có lần, gã quan chức gạ gẫm thẳng thừng. Cháu có muốn làm việc ở đoàn không, hay là muốn đi cắm bản? Cắm bản nghĩa là đi công tác phong trào, đi chiếu phim, tuyên truyền sinh đẻ có kế hoạch, phòng chống sốt rét, phòng chống thiếu muối iốt... Đi thế thì cơ cực lắm. Có khi đi bộ ba ngày mới tới được một xã vùng cao. Mà liễu yếu đào tơ như Ly làm sao có thể leo trèo nổi. Không muốn chứ gì? Thì đi cà phê với anh? Đi công tác ngoại tỉnh với anh. Đi nhà nghỉ với anh. Không đi ư? Kiêu à? Đã không thích ăn cơm thì cho ăn cứt. Thế là sung vào đội quân cắm bản. Đó là số phận của Lan, Khánh, hai cô trong đoàn nghệ thuật của Ly.

Về nhà bàn với Cường. Cường quyết: Bỏ! Ở lại sớm muộn thế nào cũng vào tròng thôi. Về nhà nuôi con, ngồi trông hàng cho anh, vừa an nhàn lại không bị điều tiếng... Thế là Ly bỏ.

Đã được hơn năm năm. Nhiều lúc cũng thấy nhơ nhớ. Nhất là những khi thấy mặt bạn bè trên ti vi. Nhưng cái gì cũng có giá của nó...

Cường, Thắng và anh bạn họa sĩ thi nhau cụng ly. Thắng tỏ ra thật tự nhiên, vô tư, đúng như người thầy lâu ngày gặp trò cũ. Ly khép nép, rót rượu, gắp thức ăn mời thầy. Họa hoằn mới liếc trộm Thắng một cái. Cường bảo: “Trò Ly chúc thầy một chén đi nào!”. Ly từ chối. Cường giục. Ừ thì uống. Con gái miền rừng uống một chén thì bõ bèn gì. “Trò Ly chúc bạn thầy một chén đi nào!”.

Anh bạn họa sĩ được thể, nâng cốc mời. Ly uống. “Ly uống mời tất cả đi nào!”. Ừ, lại uống. Con gái miền rừng ba chén đã đến nỗi nào. Thắng ngà ngà: “Bây giờ xin phép Cường. Ngày xưa cô học trò của tôi hát hay nhất lớp. Đã từng đoạt giải cuộc thi học sinh toàn tỉnh. Bây giờ Ly hát một bài nhé”. “Ôi, thầy đừng bắt em hát. Em bỏ lâu rồi”. Cường hóm hỉnh: “Giờ chỉ có quát con là giỏi thôi”. Đã thế thì Ly hát. Không có đàn. Ly hát lại sáng tác của Thắng ngày xưa. Thắng cầm chặt cốc rượu trong tay, run run. Ly hát, giọng vẫn trong, mượt, hơi mảnh, e dè. Lúc sau thì bạo dạn hẳn lên. Tiếng hát nhuần nhuyễn, tha thiết, vời vợi. Bài hát vào đoạn cuối. “Chỉ mình em trong nhà mặc trắng - Khó nói cùng em lắm, rằng anh... yêu... em...”. Thắng lập cập trút cả chén rượu vào miệng. Xong rồi, tất cả vỗ tay. Rượu lại rót ra. Lại cụng ly chúc mừng bài hát của Ly. Không ai biết. Chỉ có Ly và Thắng biết đó là bài hát Thắng viết tặng riêng Ly ngày nào...

Đã khuya. Tất cả say mèm. Cường hôm nay vui chuyện vui rượu say ngấu. Liêu xiêu. Đã đến lúc phải ra về. Cường chỉ kịp chào một câu rồi nằm vật ra giường. Ly tiễn Thắng và anh họa sĩ ra cửa. Cách cửa nhà chừng vài mét, trời tối om, sương mù che khuất cả mặt đường. Thắng cầm tay Ly. Ly im lặng. Thắng kéo Ly, hôn như trút lên mặt lên tai lên cổ. Ly vâng chịu. Như cơn mê, hai người dò tìm nhau cuống quýt, ngột ngạt. Bừng tỉnh, Ly đẩy Thắng ra. “Anh về đi. Về đi!”. Thắng hổn hển: “Mai anh muốn gặp em. Làm thế nào?”. “Anh cứ về đi đã. Em điện sau”. Trong bóng đêm, Ly lập cập chạy vào nhà. Thấy Cường vẫn đang bất động trên giường, Ly thở phào.

***

- Chỉ còn ngày mai nữa là anh phải xa em.
- Em chết mất.
- Ở lại ngoan, thỉnh thoảng anh lại lên.
- Anh đừng lên. Em sẽ về với anh, an toàn hơn.
- Nó có cho em đi không?
- Thỉnh thoảng em vẫn phải mang hàng về dưới ấy mà.
- Thế thì tuyệt rồi. Hàng gì?
- Chúng em làm thuốc lá tắm của người Dao. Bây giờ thuốc tắm người Dao đang thịnh.
- Ôi, em của anh...

***

Một lần, Cường thuê xe ôm đường trường bám theo ô tô của Ly về xuôi. Đến bến. Cường thấy Thắng phóng xe máy ào đến đón Ly, vội vã lao vào trong phố. Cường bám theo. Đến chỗ đường vắng, Cường cho xe vượt, chặn đầu xe Thắng lại, mắt trợn trừng. “Xuống!”. Mặt cắt không còn giọt máu, Ly, Thắng xuống xe. “Tao sẽ giết chúng mày”. Cường vung dao. Thắng quẳng xe bỏ chạy. Một nhát dao chém sạt vai. Máu tóe. “Cứu tôi với. Cướp! Cướp!”. Cường đuổi theo. Ly ngồi sụp xuống, thất thần, khóc. Chẳng biết tính thế nào, cũng chạy theo Cường và Thắng. Gần tới nơi, Cường quay lại, đạp Ly một cái trời giáng, Ly ngã sấp xuống mặt đường. Người đi đường tụ lại đông dần lên. May sao, chỗ ngã tư gần đấy có anh cảnh sát. Một cú vung tay, anh cảnh sát đánh văng con dao của Cường. Được mấy người dân phòng tiếp sức, anh trói Cường, đưa về đồn.

Mấy hôm sau Cường được thả ra, quay về nhà. Việc đầu tiên, Cường bán hết số gỗ lũa trong cửa hàng cho một chủ buôn khác. Sau đó Cường uống rượu say, cầm dao định chém ba mẹ con Ly. Ly không xin, không khóc. Đôi mắt khô khốc.

Cường vung dao vào đứa lớn. Lạ thay, con bé năm tuổi lại nhoẻn miệng cười. Thế là Cường buông dao, khóc.

***

Sáng sớm hôm sau, dân thị trấn thấy ngôi nhà Cường bốc cháy ngùn ngụt. Vài người chạy tới định cứu, thấy lửa to quá rồi, không thể làm gì được, đành đứng xem. Có người trông thấy Cường ngồi trong chiếc tắc-xi lao vút xuống dốc.

***

Dễ đến hai năm sau, dân thị trấn lại thấy Ly trên ti vi. Ly đã vào Sài Gòn. Giờ nàng làm giám đốc một công ty du lịch gì đó. Và chuyên làm người mẫu chụp ảnh cho các hãng nước ngoài. Nghe nói rất giàu có.

Hình như nàng ngày càng đẹp hơn. Nhiều người dân thị trấn quả quyết như vậy... 

V.G

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.