Gian truân đời công nhân - Kỳ 2: Bị chèn ép đủ kiểu

03/11/2011 01:01 GMT+7

Ngoài những khó khăn, thiếu thốn chồng chất, nhiều công nhân còn bị chính doanh nghiệp mình đang làm đối xử tệ bạc, thiếu tình người. >> Gian truân đời công nhân

 

Chị Dung ngất xỉu ngay tại nơi làm việc vì bị đối xử tệ bạc - ảnh: Hoàng Anh

Bớt tiền quyên góp

Trong căn phòng trọ chật hẹp trên đường Bùi Văn Ba, KP.2, P.Tân Thuận Đông, Q.7 (TP.HCM), chị Nguyễn Thị Hiền ngồi nhìn con trai Phạm Văn Đồng (4 tuổi) đang từng ngày chống chọi với căn bệnh ung thư máu. Vừa học xong lớp 9, chị Hiền đã rời quê ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào Sài Gòn làm công nhân. Đến nay, chị đã có 2 con, ngoài bé Đồng còn có một bé gái đang nương nhờ bà cố ở Đà Nẵng. Không chỉ tiêu tán hết khoản tiền chắt chiu được trong 15 năm cật lực làm việc, chị còn luôn thấp thỏm với những khoản nợ nần chồng chất vay mượn bà con ở quê để chạy chữa cho con.

Hai năm nay, bản thân chị Hiền (vốn là công nhân của một công ty may mặc ở Q.7, TP.HCM) đã nghỉ việc, thường xuyên nuôi con ở bệnh viện. Anh Đại (chồng chị) vốn là công nhân đóng tàu, nay lặn lội đi làm thêm ở xưởng cơ khí tư nhân kiếm tiền nuôi con vì anh cũng đang trong thời gian nghỉ chờ việc. Tình cảnh gia đình hết sức khó khăn. Hôm chúng tôi đến, chị Hiền vừa đi chợ về. Chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy bữa ăn của đứa con trai bệnh tật và hai vợ chồng chỉ có một nhúm rau và một vốc đậu rang giã nhỏ hòa vào chén nước mắm. Chị bảo không lấy đâu ra tiền để lo bữa ăn tươm tất hơn. Cứ mỗi tuần, chị lại phải đưa con vào viện tái khám. Mỗi lần như thế chi phí hết 500.000 đồng.

Khi buộc phải xin nghỉ việc ở nhà chăm con, chị Hiền cảm thấy buồn tủi vì cách đối xử tệ bạc của công ty nơi chị từng gắn bó nhiều năm. “Công ty có vận động anh chị em công nhân quyên góp tiền giúp cho con tôi chữa bệnh. Số tiền được gần 15 triệu đồng, nhưng tôi chỉ nhận được có 3 triệu. Hỏi thì họ bảo chỉ trao chừng ấy thôi, số tiền còn lại để cho trường hợp khác”, chị nói trong nước mắt.

Vi phạm pháp luật!

Giữa năm 2008, chị Dung vào làm việc ở một văn phòng đại diện của nước ngoài tại Công viên phần mềm Quang Trung (Q.12, TP.HCM). Đến đầu năm 2009, chị được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ). Ngày 22.8.2011, chị Dung tăng ca đến 22 giờ đêm, sau đó về nhà thì bị bệnh nên gọi điện cho trưởng văn phòng đại diện (người Hàn Quốc) xin phép ngày mai (23.8) nghỉ làm để đi khám bệnh. Ngày 24.8, khi đi làm việc trở lại, chị Dung xuất trình toàn bộ hồ sơ khám chữa bệnh nhưng không được chấp nhận. Một ngày sau chị bất ngờ nhận thông báo chấm dứt HĐLĐ kể từ 9.10 mà không biết rõ lý do. Chị đã nhiều lần khiếu nại nhưng không được giải quyết.

Trong thời gian chờ chấm dứt HĐLĐ, trưởng văn phòng không cho chị Dung làm việc mà buộc chị phải ngồi một chỗ trong kho chứa hàng mẫu nhiều ngày liền. Hết ngồi một chỗ, chị còn bị buộc đứng ngoài cửa suốt ngày khiến tinh thần suy sụp. Ngày 8.9, chị Dung đã ngã quỵ khi đang đứng trước cửa văn phòng, sau đó được 2 nhân viên bảo vệ đưa đi cấp cứu. 

Rất nhiều trường hợp lao động nữ bị buộc nghỉ việc khi đang mang thai. Điển hình là công nhân Lê Thị Nguyệt. Tháng 7.2010, chị Nguyệt vào làm việc tại tổ khăn của Công ty L.D. Thời gian làm việc từ 8 giờ sáng đến 16 giờ và chỉ được nghỉ 15 phút để ăn trưa. Công ty thường xuyên yêu cầu nhân viên tăng ca vào ngày làm việc bình thường, ngày chủ nhật, ngày lễ và cả tết. Trong quá trình làm việc, chị Nguyệt không được ký HĐLĐ mặc dù chị đã nhiều lần kiến nghị. 

Đến ngày 24.8.2011, khi đang làm việc thì chị Nguyệt được người quản lý trực tiếp gọi lên cho biết ban giám đốc thông báo cho chị nghỉ việc từ ngày 26.8. Ngay thời điểm bị buộc nghỉ việc, chị đang mang thai tháng thứ 7. Chị bức xúc khiếu nại thì nhận được trả lời là đơn vị sản xuất làm việc 24 giờ/ngày và 365 ngày/năm nên tất cả đều được phân công làm việc; việc không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do công ty đã thỏa thuận miệng là đã trả lương khoán theo ngày công nên người lao động phải tự  lo. Luật sư Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng văn phòng luật sư Công đoàn (LĐLĐ TP.HCM), cho rằng: “Chủ sử dụng lao động trong những trường hợp này đã vi phạm pháp luật lao động nghiêm trọng. Người lao động có thể làm đơn gửi cơ quan chức năng hoặc khởi kiện ra tòa”.

Trong tháng 10.2011, trong số 24 DN ở Q.Tân Bình bị Sở LĐ-TB-XH TP.HCM quyết định thanh tra chuyên đề chính sách lao động, có Công ty L.D vì đến nay, mặc dù chị Nguyệt đã sinh con nhưng những khiếu nại của chị vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Báo cáo của Văn phòng luật sư Công đoàn cho biết từ 1.10.2010 đến tháng 9.2011, văn phòng đã trực tiếp tư vấn 94 trường hợp (chưa tính gọi qua điện thoại) liên quan việc người lao động bị chèn ép, bạc đãi đến yêu cầu hướng dẫn thủ tục khiếu nại, khởi kiện ra tòa.

Khó xử lý

Theo một luật sư chuyên hỗ trợ pháp lý trong những vụ tranh chấp quyền lợi lao động, có những trường hợp người lao động từ nhân viên kế toán bỗng dưng bị “đẩy” xuống làm nhân viên giữ xe; công nhân nghỉ việc không được trả sổ bảo hiểm xã hội, không chi trả trợ cấp xảy ra phổ biến; chủ sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng, tự ý thay đổi thỏa thuận... Có nơi trong giờ làm việc không cho đi vệ sinh, nếu có cho đi thì khống chế thời gian, phát thẻ và ai đi lâu thì bị phạt. “Đây được xem như bạc đãi tinh thần nhưng rất khó xử lý vì trong luật lao động không quy định cụ thể”, vị luật sư nói.

Đình Phú - Hoàng Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.