Thiếu than trong nước, thừa than xuất khẩu

07/10/2010 22:35 GMT+7

Ngành than mỗi năm xuất khẩu xấp xỉ 40% - 50% tổng sản lượng khai thác, nhưng nhiều nhà máy xi măng lại đang phải ngưng trệ sản xuất vì thiếu than. Vì đâu có nghịch lý này ?

Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV) cho biết, dự kiến năm 2010 than khai thác trong nước đạt 25 triệu tấn, xuất khẩu 18 triệu tấn. Lượng xuất khẩu này có sụt giảm so với năm 2009 (giảm 6 triệu tấn), song không phải do TKV chủ động điều chỉnh giảm, mà do sự điều chỉnh chính sách năng lượng của một số nước.

Hoạt động cầm chừng vì thiếu than

Từ đầu năm tới nay, nguồn than cung cấp cho các nhà máy trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp xi măng VN (Vicem) luôn trong tình trạng báo động. Theo đại diện Vicem, trung bình mỗi ngày các nhà máy xi măng của Vicem cần 5.000 tấn than cám loại 3 và 4, nhưng lượng than TKV cung ứng chỉ đáp ứng được 1/2 so với yêu cầu. Những ngày gần đây, tình trạng này có được cải thiện, nhưng vẫn mới chỉ đáp ứng được khoảng 3.500 - 4.000 tấn.

Theo lý giải của lãnh đạo TKV, do nhu cầu than cho ngành xi măng tăng tới 34% trong năm 2009, trong khi năng lực sản xuất của TKV chỉ tăng trưởng 5%/năm, các loại than tốt ngày càng khan hiếm, dẫn tới tình trạng cung không đủ cầu. Mặt khác, các nhà máy xi măng sử dụng công nghệ lạc hậu nên hầu hết đều dùng than cám đặc chủng 3, 3b để đốt lò, trong khi sản lượng loại than này không nhiều.

Nhưng đại diện của Vicem khẳng định, công nghệ các nhà máy xi măng hiện nay không hề lạc hậu (Vicem chiếm 38% tổng sản lượng toàn ngành), các nhà máy tư nhân và các tổng công ty khác có sản xuất xi măng, đều sử dụng công nghệ của châu u, Nhật Bản. Theo vị đại diện này, vấn đề là ở chỗ nhu cầu tiêu thụ nhiệt điện, thép, xi măng đều tăng trong khi nguồn cung than cho trong nước có hạn. Một số nhà máy trong Vicem đã phải ngừng lò do thiếu than.

TKV đổ cho cơ chế giá

Theo ông Hùng, điện, xi măng đều được lợi nhiều do chênh lệch giá than trong nước và xuất khẩu. Giá trong nước quá thấp khiến TKV càng bán càng lỗ, ảnh hưởng lớn đến hàng trăm nghìn lao động trong tập đoàn.

Mới đây, TKV đã kiến nghị lên Bộ Công thương xem xét điều chỉnh giá than cho điện theo cơ chế thị trường từ năm 2011. TKV cho rằng, tuy giá than bán cho điện đã được chỉnh tăng từ ngày 1.3 năm nay, nhưng chỉ bằng 54% - 59% giá bán cho các hộ khác trong nước và bằng 36% - 40% giá xuất khẩu than cùng chủng loại. Giá than bán cho các ngành giấy, phân bón, xi măng đã được điều chỉnh theo nguyên tắc bằng 90% giá xuất khẩu cùng thời điểm, nhưng do giá xuất khẩu tăng và tỷ giá ngoại tệ tăng nên than bán cho các hộ này lại chỉ còn bằng 60% giá xuất khẩu có cùng chất lượng.

“Chính sách sử dụng than đối với các hộ sử dụng lớn phải điều chỉnh. Giá điện, giá than đụng chạm tới nhiều lĩnh vực, nhiều người, nhưng càng để lâu khung giá như hiện nay càng không thuận lợi cho phát triển. Nếu ngành than giải quyết được vấn đề giá than trong nước thì xuất khẩu sẽ được hạn chế đáng kể”, ông Hùng nói.

Trong khi chờ đợi giá than bán cho các hộ lớn được điều chỉnh, TKV cho biết phải xuất khẩu, thu lợi nhuận bù lại khoản lỗ do giá than trong nước quá rẻ. Tuy nhiên, theo tính toán, tới năm 2015, VN sẽ bắt đầu phải nhập khẩu than với khối lượng lớn (dự kiến thiếu khoảng 6 triệu tấn than cho các nhà máy nhiệt điện trên cả nước). Mặt khác, việc nhập khẩu than được dự báo sẽ rất khó khăn. Nhưng thay vì hạn chế xuất khẩu, giải pháp TKV đưa ra là đề xuất Nhà nước giải quyết thủ tục, giao thêm các vùng tài nguyên mới cho tập đoàn.

Theo một chuyên gia, trước khi tính đến việc nhận thêm vùng than mới, ngành than phải hạn chế được thất thoát, lãng phí trong quá trình khai thác than hiện nay, đặc biệt là đối phó với tình trạng xuất lậu than. Mặt khác, có lẽ đã đến lúc TKV cần điều tiết hợp lý hơn tỷ lệ giữa lượng than dành cho tiêu thụ trong nước và lượng than xuất khẩu. Bởi tốc độ tăng trưởng sản xuất than đang quá thấp so với tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng của các hộ lớn như nhiệt điện, xi măng, thép, trong khi thời điểm phải nhập khẩu than đang tới rất gần.          

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.