Vụ nhập khẩu 150 mô tô cho CSGT TP.HCM: Có nguy cơ ra tranh tụng trước toà

27/09/2006 20:18 GMT+7

Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông đô thị TP.HCM (BQL) vừa có văn bản gửi Công an TP.HCM thông báo thời gian bảo hành lô hàng 150 xe mô tô Honda Rebel CMX 250C cung cấp cho Phòng CSGT đường bộ đã kết thúc.

Theo BQL, thời gian bảo hành lô xe theo hợp đồng ký kết với nhà thầu là 12 tháng, tính từ ngày ký biên bản nghiệm thu bàn giao lô hàng (12/7/2005). Do trong quá trình triển khai có nhiều phát sinh, UBND TP.HCM trong văn bản 2535/UB-ĐT ngày 5/5/2005 chỉ đạo phải điều chỉnh thời gian bảo hành lô hàng lên 24 tháng, tuy nhiên việc điều chỉnh này chưa đủ cơ sở pháp lý nên thời gian bảo hành tính theo hợp đồng đã ký.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong văn bản 2535/UB-ĐT ngoài việc yêu cầu tăng thời gian bảo hành, UBND TP.HCM còn chỉ đạo phạt 10% trên giá trị hợp đồng đối với nhà thầu là Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nguyễn Giáo (Công ty Nguyễn Giáo)... và sau khi tiếp nhận lô hàng, BQL còn giữ lại của nhà thầu đến thời điểm hiện nay là 67.000 USD. Công ty Nguyễn Giáo đã nhiều lần làm văn bản đề nghị BQL thanh toán số tiền còn lại nhưng không được chấp thuận, trong đó có lý do để bảo đảm tiền phạt. Tuy nhiên, bằng văn bản trên, BQL đương nhiên thừa nhận việc “phạt” nhà thầu là chưa đủ cơ sở pháp lý, nhưng vẫn không giải toả số tiền “treo” của nhà thầu. Ông Alexander Nguyễn, Giám đốc Công ty Nguyễn Giáo, cho biết đã chính thức đề nghị BQL đến hạ tuần tháng 10/2006 thanh toán số tiền còn “treo”, nếu không được chấp thuận sẽ đệ đơn nhờ Toà án giải quyết.

Việc nhập khẩu 150 xe mô tô trang bị cho CSGT TP.HCM là một phần của dự án tăng cường năng lực quản lý giao thông đô thị TP.HCM, do BQL làm chủ đầu tư, đơn vị trúng thầu là Công ty Nguyễn Giáo, trị giá 1,691 triệu USD, vay từ nguồn vốn Ngân hàng thế giới. Sau khi xe được nhập về, có dư luận “chê” xe lùn giống xe ăn chơi, một mặt BQL cho rằng nhà thầu đã vi phạm hợp đồng, tự ý sơn lại màu xe, thay đổi thiết kế và lắp đặt thùng xe tại VN...  UBND TP dựa trên các báo cáo của BQL, các sở ngành chức năng đã đề nghị “phạt” Công ty Nguyễn Giáo vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, trên Thanh Niên ngày 30/5/2005 đã có bài phân tích cho thấy nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh trong hợp đồng này là do sự yếu kém của BQL và tư vấn thầu OVE ARUP.

Đầu tháng 9/2005, Chính phủ chỉ đạo Thanh tra vào cuộc và sau gần 1 năm làm việc, Thanh tra Chính phủ kết luận những phát sinh trong việc thực hiện hợp đồng hoàn toàn do sự yếu kém của BQL và tư vấn thầu. Cụ thể, công tác tư vấn trong việc lập hồ sơ thầu có nhiều thiếu sót, như: không đưa ra được qui định cụ thể và chi tiết về còi hụ và thùng xe, không qui định rõ chi tiết màu sắc và dấu hiệu tương ứng của CSGT TP.HCM, không qui định chi tiết thông số kỹ thuật của hệ thống thông tin liên lạc... đã làm kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng và phát sinh tranh chấp. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị UBND TP.HCM thu hồi gần 500 triệu đồng tiền sai phạm của các đơn vị và cá nhân, trong đó có giám đốc BQL dự án...

M.Đ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.