Đường vào ký túc xá... ôi băng giá !

07/09/2005 20:51 GMT+7

Một năm học mới đã bắt đầu, nhiều trường ĐH-CĐ đã đón nhận sinh viên (SV) mới đến nhập học. Đa số những tân SV này đều đến từ những miền quê xa xôi, thế nhưng phần lớn đều phải tìm chỗ ở bên ngoài để tá túc vì ký túc xá (KTX) quá hiếm hoi.

“Chiếc áo” quá chật

 

Hầu hết các trường ĐH khu vực Hà Nội đều không đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ ở trong KTX cho SV. Tại ĐH Quốc gia Hà Nội, năm học này tuyển mới hơn 5.000 SV nhưng chỉ có 1.500 chỗ ở trong KTX. Như vậy còn khoảng hơn 3.000 SV sẽ phải tự tìm chỗ ở cho mình. Tại ĐH Giao thông vận tải, tuyển mới 3.000 SV nhưng chỉ có 600 chỗ ở KTX, ĐH Ngoại ngữ Hà Nội tuyển 1.300 SV những chỉ có 200 chỗ ở. Ông Đỗ Duy Truyền - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho biết: "Năm nay trường chỉ giải quyết được khoảng 1/4 nhu cầu về chỗ ở của SV và so với năm trước thì còn kém hơn do năm nay số SV nước ngoài tăng lên, KTX phải nhường chỗ cho họ. Nhà trường đã khắc phục bằng cách lấy số phòng học của một giảng đường để làm chỗ ở cho SV nhưng cũng chỉ đáp ứng được có thế...".

 


Sinh viên ở KTX giao lưu cùng ca sĩ ảnh: Đ.N.T

Ở nhiều trường khác chỉ có thể giải quyết được 1/10 nhu cầu của SV như Học viện Quan hệ quốc tế tuyển 200 SV nhưng số chỗ ở KTX chỉ là... 20; ĐH Thương mại tuyển mới 2.370 SV nhưng trường chỉ đáp ứng được chỗ ở cho khoảng 250 SV. Vì thiếu thốn nên số chỗ ở trong KTX chỉ có thể dành cho những đối tượng chính sách; diện được ưu tiên hoặc những hoàn cảnh quá khó khăn.

 

Không chỉ có vậy, ở một số trường khác, toàn bộ SV phải tự túc chỗ ở vì trường không có một chỗ nào dành cho họ. Điển hình là Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, một trường công lập đào tạo có uy tín từ nhiều năm nay nhưng năm nào SV cũng phải tự túc chỗ ở vì nhà trường không có KTX cho SV. Ông Nguyễn Văn Châu, Hiệu trưởng trường giải thích: "Nhà trường không thể giải quyết chỗ ở cho SV vì toàn bộ khuôn viên của trường chỉ có 2 ha và là một trường có khuôn viên chật hẹp nhất trong các trường ĐH ở Hà Nội".

 

Do chủ trương chưa thông thoáng?

 

Ông Nguyễn Bách Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại gọi việc thiếu KTX là "món nợ" của nhà trường đối với SV nhưng món nợ ấy thật khó trả khi mà khó khăn lớn nhất của nhà trường là quỹ đất. Hiện nhà trường không còn đất để xây dựng KTX cho SV. Ông Khoa cho rằng đây cũng là tình trạng chung của nhiều trường vì hầu hết các trường ở Hà Nội đều xây dựng cách đây 40-50 năm, nhưng bây giờ quy mô đào tạo đã tăng gấp đôi mà cơ sở vật chất thì vẫn không thay đổi. Do đó giải pháp để có thể đáp ứng được chỗ ở cho SV là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tạo điều kiện cho các trường được thành lập cơ sở 2 ở khu vực lân cận thì mới có đất để xây dựng KTX cho SV. Và chỉ khi các trường tự xây dựng được KTX cho SV thì mới thực sự đáp ứng được nhu cầu của phần lớn SV. Vì theo ông Khoa: "Việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào việc xây dựng KTX cho SV là rất tốt, tuy nhiên điều này chỉ giải quyết được cho những đối tượng có điều kiện kinh tế tương đối khá vì hiện nay giá mỗi chỗ ở cho SV ở những khu nhà này bao giờ cũng đắt gấp đôi so với giá trong KTX của trường. Hiện nay đang rất cần những khu KTX cho những gia đình có điều kiện kinh tế trung bình, tuy nhiên những khu KTX này phải giao về cho các trường được đầu tư xây dựng và quản lý thì mới đáp ứng được đúng đối tượng".

 

Ông Nguyễn Văn Châu cho biết: Từ nhiều năm nay nhà trường phải xin phép để xây dựng KTX ra ngoài trường vì trong trường không còn đất. Hiện nay trường đã tìm được đất xây dựng ở tỉnh Hưng Yên, địa phận cách Hà Nội khoảng 20 km. Tuy nhiên, ông Châu cho rằng: "Khó khăn nhất của nhà trường là Bộ Giáo dục - Đào tạo có cho phép hay không vì Bộ muốn các trường phải về các khu quy hoạch do Bộ đã lập dự án. Tuy nhiên Trường ĐH Ngoại thương đợi mãi mà vẫn không được phân đất ở những khu quy hoạch này và nếu cứ đợi thì SV Ngoại thương không thể có chỗ ở". Ông Châu đề nghị: "Chủ trương của Bộ Giáo dục - Đào tạo cần phải thông thoáng hơn, nếu Bộ không lo được hết cho các trường thì nên cho phép các trường được chủ động tìm đất, tìm tiền đầu tư. Chỉ có như vậy thì SV mới sớm có chỗ ở". Ông Đỗ Duy Truyền cũng tỏ ra rất lo lắng khi nói về tình trạng thiếu KTX. Ông cho rằng: để nhanh chóng giải quyết được tình trạng thiếu KTX thì khi cấp phát kinh phí, Bộ GD-ĐT cần quan tâm đến việc xây dựng KTX cho SV và cần tạo điều kiện để các nguồn kinh phí đầu tư đến được với các trường một cách thuận lợi và có hiệu quả nhất.

 

 Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.