“Nghệ nhân” Tháp Bút

09/10/2010 12:22 GMT+7

Có ngày kiếm được 10.000 - 20.000 đồng, có ngày chẳng được đồng nào nhưng ông Lê Văn Quý không bao giờ lỗi hẹn với niềm đam mê khắc bút của mình.

Nép vào một gốc đa già trên phố Đinh Tiên Hoàng chạy qua đền Ngọc Sơn và đền Bà Kiệu, dưới chân Tháp Bút (Hà Nội) có một người đàn ông đã hơn 50 năm nay làm nghề khắc bút. Ông là Lê Văn Quý, từng bị những người xung quanh xem là “bất bình thường” vì thời buổi này chẳng ai lại đi làm một cái nghề kiếm tiền một ngày không đủ bữa ăn sáng. Nhưng với ông Quý, dù biết có ít khách nhưng ông vẫn làm bởi công việc ấy gợi lại trong ông bao ký ức, hoài niệm về một thời xa vắng.

Tìm thấy hài cốt liệt sĩ nhờ bút khắc

Ông Lê Văn Quý kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện xung quanh nghề khắc bút, trong đó có một câu chuyện luôn ám ảnh ông và cũng an ủi, khiến ông ấm lòng. Đó là có một vài gia đình thân nhân liệt sĩ tìm thấy hài cốt của người thân bằng chính cây bút do ông khắc. Ông kể: “Hầu như các chiến sĩ bộ đội ra chiến trường khi hy sinh đều được đồng đội an táng cùng những vật dụng cá nhân, trong đó có chiếc bút.
 
Những vật dụng khác có thể bị phân hủy nhưng chiếc bút thì vẫn còn nguyên vẹn. Có người tìm đến tôi và nhờ tôi làm rõ lại tên khắc trên bút và ngày tháng năm sinh đã bị thời gian làm mờ. Những chiếc bút đó được đào lên từ những nấm mộ liệt sĩ vô danh. Cũng qua đó, tôi gặp lại nhiều chiếc bút mình khắc ngày trước sau bao năm trời”.

Báu vật thời chiến

Hơn 50 năm nay, ngày nào cũng như ngày nào, ông Quý đều có mặt ở vị trí quen thuộc với hộp đồ nghề và tấm biển nhỏ “Khắc bút tặng phẩm”. Có ngày, ông kiếm được 10.000 - 20.000 đồng, có ngày không được đồng nào nhưng ông không bao giờ bỏ việc, dù thời nay không còn nhiều người có thú vui mang bút đi khắc.
 
Nghề khắc bút bắt đầu thoái trào từ 20 năm trở lại đây vì nhiều người chuyển sang dùng bút bi thay cho bút mực. Họa hoằn lắm mới có khách hỏi thăm nhưng không vì thế mà ông Quý chán nghề. Mỗi ngày dọn hàng dưới chân Tháp Bút là mỗi ngày một trời ký ức về cái thời hoàng kim của nghề khắc bút sống lại trong ông.
 
Ông Quý kể: “Những năm chiến tranh, bộ đội và nữ sinh hầu như ai cũng khắc bút làm kỷ vật. Với họ, cây bút ngày ấy giống như một người bạn. Trước khi ra mặt trận hay trước ngày nhập ngũ, thanh niên đều mang bút ra Bờ Hồ để khắc tên hoặc những dòng lưu niệm”. Chẳng thế mà quanh Bờ Hồ ngày ấy có hàng chục người làm nghề khắc bút nhưng lúc nào khách cũng đông, thợ khắc làm luôn tay vẫn không hết việc.
 
Những cây bút khắc trong thời chiến hầu như đều được những chiến sĩ mang theo bên mình ra chiến trường. Họ viết nhật ký bằng những cây bút ấy và ghi lại bao nhiêu ước mơ, hoài bão trong những năm lửa đạn. Khi hòa bình  lập lại, nhiều anh lính lại tìm gặp ông Quý - người thợ khắc bút năm nào. “Có người đã cụt tay, có người trở thành bệnh binh nhiễm chất độc da cam nhưng họ vẫn lưu giữ cây bút được khắc từ mấy chục năm trước. Những lúc ấy, tôi cảm thấy mình đã làm được một công việc ý nghĩa cho đời” - ông Quý chia sẻ.

Yêu Hà Nội tha thiết

Ông Quý sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Gia đình đông anh em lại khó khăn nên từ nhỏ ông phải bươn chải. Vì chỉ học hết tiểu học rồi phải đi làm kiếm sống nên ông Quý mới chỉ biết đọc. Vậy nên được đi học luôn là ước mơ lớn trong đời người đàn ông đã bước sang tuổi 75 này.
 
Ông Quý kể: “Hồi mười mấy tuổi, trong quá trình lăn lộn kiếm sống, tôi tình cờ học lỏm được nghề khắc bút. Thời học lớp vỡ lòng chẳng có bút mà học nên tôi luôn khát khao được cầm chiếc bút. Và thế là yêu luôn cái nghề khắc bút từ lúc nào không hay”.
 
Ông Quý bắt đầu khắc bút từ năm 21 tuổi, khi ông chưa... biết yêu. Lấy vợ rồi sinh được 6 người con, ông Quý vẫn làm cái nghề thanh đạm này dù biết nghề chỉ “đủ sống là may”. Bà Hoàng Thị Được, vợ ông, cũng không lý giải nổi vì sao chồng mình lại có thể gắn bó với việc này suốt mấy chục năm mà không biết chán, song bà luôn ủng hộ ông.
 
Những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, khắc hai chữ trên bút chỉ mất hai hào. Khắc cả họ tên, ngày tháng, năm sinh mất nhiều nhất cũng chỉ 5 hào. Đến bây giờ, chỉ 6.000 - 7.000 đồng là khách hàng được ông Quý “bán” cho một tác phẩm nghệ thuật trên bút. Có người yêu cầu ông khắc cả những hình thù phức tạp như cây cối, hoa lá, ông đều đáp ứng được nhờ đôi  bàn tay tài hoa, khéo léo.
 
Tôi hỏi ông Quý vì sao không lấy công khắc bút cao hơn một chút để có thêm thu nhập, ông chỉ cười hiền và đáp: “Bây giờ có người khắc bút là quý lắm rồi. Với lại tôi già rồi, hằng ngày ra đây ngồi gặp được mọi người cũng thấy trẻ lại và được trở lại bao kỷ niệm đẹp ngày xưa”.
 
Ông Quý tâm sự: “Tôi là người yêu Hà Nội và thích cuộc sống phố xá nên ngồi ở đây, tôi được chứng kiến sự đổi thay của Hà Nội từng ngày, từng giờ”. Góc vỉa hè nơi ông Quý ngồi dù khiêm nhường và có phần “cổ lỗ sĩ” như chính con người ông nhưng điều đó lại mở ra khung trời sôi động của Hà Nội. Mấy chục năm trước ông Quý ngồi đây, trên đoạn phố này, cũng đã là chỗ sôi động nhất của Hà Nội, bây giờ vẫn thế.

Theo NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.