Israel theo đuổi kế hoạch tấn công Iran

05/10/2009 00:01 GMT+7

Trong khi các cường quốc thế giới đang tiến hành đàm phán với Iran thì Israel vẫn chuẩn bị phương án tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân của nước này.

Một loạt các sự kiện diễn ra ở Iran tuần qua khiến dư luận thế giới quan tâm. Chỉ trong mấy ngày cuối tháng 9.2009, chính quyền Tehran cho bắn thử nhiều loại tên lửa, trong đó có hỏa tiễn tầm xa Shahab-3 có tầm hoạt động lên đến 2.000 km, tức có thể bắn tới Israel cũng như nhiều nước khác. Sự việc xảy ra cùng lúc các cường quốc hăm he trừng phạt Iran nếu không chịu ngưng chương trình hạt nhân của họ, nhất là sau việc Iran thừa nhận một nhà máy làm giàu uranium bí mật thứ hai. Báo The Times ngày 3.10 cũng đưa tin một báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế đánh giá Iran đã có đủ điều kiện để chế tạo bom hạt nhân có thể vận chuyển bằng tên lửa Shahab-3.

Thế nhưng, trong ngày đàm phán giữa Iran và nhóm P5+1 (tức 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và nước Đức) 1.10 ở Geneva (Thụy Sĩ), Tehran đồng ý để các thanh sát viên quốc tế tiếp cận nhà máy uranium mới tiết lộ, một hành động nhượng bộ hiếm có. Thế giới vẫn đang chờ đợi những động thái mới từ Tehran để cân nhắc những bước tiếp theo. Trong thời điểm này, báo chí Mỹ lại nói đến một kế hoạch tấn công phủ đầu của Israel vào Iran đã sẵn sàng, chỉ chờ cơ hội là thực hiện.

Đe dọa lẫn nhau

Nhà báo Anthony H.Cordesman nhận định trên tờ Wall Street Journal Israel không phải xem xét đến việc liệu có nên tiến hành một cuộc tấn công vào Iran hay không, mà là: tấn công như thế nào? Ông Cordesman là chuyên gia cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ), đã từng phục vụ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Nhận định của ông dựa vào việc Israel và Iran vẫn luôn xem nhau là "mối đe dọa thật sự", nhất là từ sau những phát ngôn nảy lửa của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad: "Cần phải loại bỏ Israel ra khỏi bản đồ thế giới". Đáp lại, cựu Thủ tướng Israel - ông Ehud Olmert từng tuyên bố trước khi từ chức là: "Phải chặn đứng bất cứ đe dọa nào của Iran bằng mọi phương tiện". "Mọi phương tiện" của Israel hàm nghĩa một cuộc tấn công phủ đầu trước khi Tehran có thể bấm nút các đầu đạn hạt nhân (nếu có) của họ.

Trong khi Hội đồng Bảo an LHQ đã 3 lần ra nghị quyết áp dụng các biện pháp trừng phạt Iran, và nay lại tiếp tục đàm phán, thì Israel luôn tỏ thái độ cứng rắn. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng khóa họp 64 của LHQ mới đây, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng lên tiếng cảnh báo rằng, thách thức cấp bách nhất hiện nay là ngăn chặn Iran thủ đắc vũ khí hạt nhân.

Khả năng không lực Israel "làm cỏ" Iran là rất khó?

Lý do là chính quyền Tehran đã đề phòng. Họ đã củng cố hệ thống phòng thủ cũng như tăng cường không lực và sẽ không để cho Israel muốn "làm gì thì làm" như trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967 diễn ra giữa một bên là Israel và bên kia là các nước Ả Rập mà cuối cùng, Israel đã đại thắng và chiếm đóng cao nguyên Golan của Syria cho đến nay.

Vào thời điểm năm 2004, khi được hỏi là máy bay của Israel phải bay đoạn đường bao xa mới có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Israel lúc đó là Dan Halutz đã trả lời "2.000 km", tức khoảng cách giữa hai nước. Đoạn đường đó, nay phía Iran đã có thể đạt được với hỏa tiễn tầm xa Shahab-3, trong khi khả năng không lực của Israel thì chưa.

Các phe phái diều hâu ở Israel đã tính đến khả năng là Mỹ không thể tiến hành một cuộc tấn công Iran tương tự như với Iraq hồi năm 2003, vì sẽ bị dân chúng Mỹ phản đối quyết liệt, hơn nữa quân đội Mỹ đang phải cáng đáng 2 mặt trận ở Iraq và Afghanistan cùng lúc. Các đồng minh thân cận của Mỹ như Anh, Úc… cũng chống đối một vụ tấn công chiếm đóng Iran. Về phần Israel, họ không đủ khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh chiếm đóng, nên chỉ nghĩ đến một cuộc không kích nhắm vào các cơ sở hạt nhân của Iran mà thôi.

Kế hoạch thực tế của Israel

Theo các nhà phân tích chiến lược, những mục tiêu đầu tiên Israel nhắm đến là những vị trí mà báo giới lâu nay đã đưa tin và nằm trong "tầm ngắm" của chiến đấu cơ Israel. Đó là cơ sở hạt nhân Natanz, nơi thiết kế nhiều máy ly tâm, lò phản ứng nước nhẹ ở Bushehr có thể dùng để sản xuất plutonium, và lò phản ứng nước nặng ở Arak. Ngoài ra, còn phải kể đến nhà máy làm giàu uranium bí mật thứ hai ở Qom, mà Iran mới tiết lộ vào cuối tháng 9. Nhiều cơ sở được thiết kế trong vùng núi non hoặc nằm sâu dưới lòng đất, nên không lực Israel có thể sẽ sử dụng loại bom có tia laser hướng dẫn GBU-28 với đầu đạn xuyên vào lòng đất. Hiện nay, hỏa tiễn tầm trung Jericho II của Israel có tầm hoạt động 1.500 km nên chưa "với" tới các địa điểm trên. Tel Aviv đang cho chế tạo loại hỏa tiễn tầm xa Jericho III có thể bắn tới bất kỳ địa điểm nào trên lãnh thổ Iran.

Do sự hạn chế về tầm bay của các chiến đấu cơ F-15 và F-16, Israel có thể sẽ chọn không trình ngắn nhất: Máy bay cất cánh qua không phận Jordan, và điều này có thể phương hại đến hiệp ước hòa bình giữa 2 nước. Hồi tháng 8 năm 2003, không lực Israel từng thử nghiệm khả năng không kích các mục tiêu cách xa đến tận Iran, bằng việc cho 3 chiếc F-15 bay đến Ba Lan, một đoạn đường xa tới hơn 2.500 km. Tháng 6 năm ngoái, không lực Israel từng diễn tập một lần ở vùng Địa Trung Hải với 100 chiến đấu cơ, nhưng phải tiếp nhiên liệu trên không mới có thể tiếp tục không trình dài hơn 2.000 cây số.

Vấn đề còn nằm ở chỗ là tình báo Israel có thể giải mã hết vị trí các cơ sở hạt nhân của Iran hay không? Những nơi này được thiết kế nằm phân tán khắp nơi, trong các đồi núi, nằm dưới lòng đất và rất bí mật vì chính quyền Tehran đã phòng ngừa những vụ tấn công bất ngờ của đối phương.

Một cuộc tấn công phủ đầu chớp nhoáng mà không thành công sẽ gây nên hậu quả rất tai hại. Thất bại không những ảnh hưởng tới các chính sách đối nội và đối ngoại của Israel mà còn có thể thúc đẩy Iran tăng tốc các kế hoạch hạt nhân của họ.

Tuyết Linh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.