Chữ “mở” ấy chính là thương hiệu

12/09/2005 00:24 GMT+7

Có không ít người thắc mắc, vì sao ở nước ta bây giờ, về nguyên tắc, tất cả các khu kinh tế, khu chế xuất đều được quyền làm ăn, sản xuất, giao dịch buôn bán, đều có khu thuế quan và phi thuế quan... Hà cớ gì phải thêm một chữ "mở" vào khu kinh tế Chu Lai cho nó... rậm rạp lời chữ thêm?


Kể ra, nếu người Quảng Nam cứ "chạy" cho được chữ "mở" mới ra "khu kinh tế", biến chữ "mở" ấy thành một thứ trang sức, một kiểu làm dáng cho nó sang, cho nó thời thượng, thì lời phê phán kia hoàn toàn có lý. Nhưng, ở đời hay có chữ "nhưng" này, mọi sự lại không hề giản đơn như thế. Nói như nhà văn Nguyên Ngọc, về mặt lịch sử và địa lý, từ khá xa xưa đất Quảng (đây là đất Quảng Nam) đã có xu hướng và đã có đặc chất "mở". Mở về phương Nam, rõ rồi. Mở ra biển với những đội thương thuyền và với những cảng biển để buôn bán, cũng rõ rồi. Nhưng "mở" trong tính cách con người, trong suy nghĩ của người xứ Quảng, mở để tìm cơ hội, để hòa nhập, để vươn lên không chịu thua chị kém em, cái "mở" ấy mới là cơ bản, mới lâu bền. Cái "mở" ấy chính là tính cách đặc thù của người Quảng Nam, mà vào một thời điểm khó khăn nhất, năm 1983, đoàn nhà văn chúng tôi đi "ba cùng" với người dân xứ Quảng Nam hơn một tháng trời, chúng tôi đã cảm nhận rất rõ.

 

Ngày ấy, Quảng Nam có Hợp tác xã Nông nghiệp Đại Phước biết kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và kinh tế hàng hóa, mở bung ra tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, có ông Lưu Bang ở Duy Xuyên biết làm thủy điện, làm đập chứa nước, có những người nông dân ở Thăng Bình biết biến "đặc sản" - khoai lang Trà Đỏa - của mình thành thương hiệu để bán tới tận Quảng Ngãi và xa hơn nữa... Ấy là thời "ngăn sông cấm chợ" vậy mà người Quảng Nam đã không cam chịu trong vòng cương tỏa, vẫn tìm cách để "mở" để bung ra làm ăn, cũng là bung ra trong suy nghĩ, trong tư duy. Không có kiểu làm ăn nào mà lại không kèm suy nghĩ. Và cho tới bây giờ ta mới thấm thía, không có kiểu làm ăn đầy suy nghĩ nào mà không "mở". Vậy là bắt đầu bằng một quyết tâm "đội đá vá trời", người Quảng Nam đã đi tới chữ "mở" như một lý do một điều kiện cho tồn tại và phát triển. Khu kinh tế mở Chu Lai sở dĩ có chữ "mở" trong "thương hiệu" của mình, sâu xa, là vì vậy. Bây giờ thì người ta hiểu, thương hiệu quan trọng như thế nào. Không chỉ cho một mặt hàng, một nhà máy, một công ty, thương hiệu còn rất cần cho một khu kinh tế, một đặc khu rộng lớn và phức hợp. Hãy tưởng tượng, nếu thiếu một chữ "mở" trong hành trang thương hiệu của mình, khu kinh tế mở Chu Lai sẽ thiếu những gì ? Trước hết, nó sẽ thiếu chính bản sắc của một vùng đất "mở". Nó không nói lên khát vọng "mở" của vùng đất ấy, của nhân dân ở đó. Sau nữa, nó sẽ thiếu đi nhiều sức cuốn hút mà chỉ riêng chữ "mở" đã tạo ra được trước những nhà đầu tư và cả những người không đầu tư. Nó cũng thiếu đi một cam kết không lời về sự cởi mở không được ghi trong chính sách đầu tư, mà cả những gì ngoài văn bản. Nhà đầu tư nhiều khi rất cần những kênh giao tiếp, những sự cởi mở, những thông thoáng trong chính tính cách và trong tư duy của chủ đầu tư, kèm với nó là những thông thoáng và nhanh gọn của thủ tục.

 

Người cởi mở bao giờ cũng mang lại sự thoải mái cho người đối thoại. Dĩ nhiên, phải nói thế này, người cởi mở không hề là người vô nguyên tắc, ngược lại, càng cởi mở trong tính cách, trong giao tiếp lại càng nguyên tắc trong chủ kiến, trong cam kết. Nghĩa là, sự cởi mở lại chính là sự thủy chung. Khu kinh tế mở Chu Lai khi chọn cho mình chữ "mở", chấp nhận những khó khăn thậm chí những hiểu nhầm ban đầu do chữ "mở" ấy đưa lại, đã biến chính chữ "mở" ấy thành thương hiệu cho mình. Rất nhiều nhà đầu tư khi mới có ý định "nhòm ngó" tới khu kinh tế này, đã có cảm tình ngay với chữ "mở" (open) ấy. Bởi họ hiểu, phía sau chữ "mở" là một ước định, một cam kết, một triết lý và cũng là một hiện thực. Người Quảng Nam đã nói là làm, đã nói "mở" là đã nghĩ "mở" và sẽ hành xử theo lối "mở".

 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.