Bỏ hơn 80 triệu tiền túi làm "Trường ca người Việt"

13/10/2009 17:41 GMT+7

(TNO) Đó là trường hợp của nhạc sĩ Minh Châu. Album Trường ca người Việt (sẽ phát hành cuối năm 2009) đã “chiếm lĩnh” cuộc sống của nhạc sĩ Minh Châu từ hơn sáu năm nay.

Nhạc sĩ của những ca khúc tình yêu trẻ trung như Bước chân lãng tử, Vũ khúc thần tiên, Ánh sáng của đời tôi, Bước phiêu bồng… một thời sôi động trên thị trường với các giọng ca Lam Trường, Thu Minh, Tuấn Hưng… giờ đắm mình vào chất liệu âm nhạc dân gian. “Tôi không còn rung động để viết nhạc tình yêu được nữa. Nhưng khi làm Trường ca người Việt, mỗi lần nghe lại thấy mình chảy nước mắt”, nhạc sĩ Minh Châu tâm sự.

Những rung động mà khi kể lại, mắt Minh Châu vẫn cứ rưng rưng: “Tôi đi qua những cánh đồng ở Thanh Hóa, Nghệ An, thấy cảnh người dân cày sâu cuốc bẫm tự nhiên tôi khóc. Những buổi chiều sơn cước cũng làm lòng tôi rung lên. Trời cho tôi có sự đa cảm mãnh liệt về đời sống, con người Việt Nam. Lòng yêu thương quê hương Việt Nam mãnh liệt quá, nên làm xong Trường ca người Việt là tôi đã nói lên được những tình cảm ấy”.

Trường ca người Việt được viết theo các thang âm điệu thức của dân ca Việt Nam (chủ yếu theo điệu thức miền Bắc và Trung). Minh Châu không dùng tên nhân vật, hay điển tích nhưng trên ý tưởng của ca dao Việt Nam, anh phát triển lời để nói lên các đặc trưng của lịch sử, văn hóa người Việt.

Trường ca người Việt được chia thành 5 phần: Chàng trai nước Việt, Cô gái Việt, Duyên Việt, Trẻ thơ Việt và Hồn Việt. “Dòng đời cuốn trôi, nhưng đã là người Việt Nam thì phải sống sao cho giữ được phẩm chất tinh hoa của người Việt. Với người nam, đó là “nhân, trí dũng”. Với người nữ, đó là đức hy sinh, lòng nhẫn nại, yêu thương, sự đôn hậu. Ngoài ra, trường ca còn là sự ý thức ơn nghĩa, tinh hoa của tiền nhân để lại như thi hào Nguyễn Trãi đã viết: Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Đó là thông điệp nhạc sĩ Minh Châu muốn gửi gắm qua Trường ca người Việt.

Nhạc sĩ Minh Châu từng làm biên tập âm nhạc cho nhiều hãng đĩa lớn tại TP.HCM như Bến Thành, Công ty Bạn yêu nhạc, Viết Tân… Minh Châu là Giám đốc âm nhạc của chương trình Vietnam Idol năm 2007.

Các album của nhạc sĩ Minh Châu: Giấc mơ hồng (2001), Trường ca Bức tranh non nước (2003), Chồi xanh (2003), Lời hát kinh cầu (2008) và Trường ca người Việt (2009).

“Cái khó khi làm trường ca là phải có một đường dây, một bố cục tổng thể, liền lạc về nội dung, dù âm nhạc có thể thay đổi về nhạc đề, sắc thái, nhưng mỗi nội dung lại vẫn có thể đứng độc lập. Tôi phải dựng như một bản thiết kế như xây dựng một ngôi nhà. Có những đoạn làm rồi, nhưng tôi phải bỏ vì không phù hợp. Có khi chỉ một ca từ mà phải hai năm sau mới tìm ra”, nhạc sĩ Minh Châu chia sẻ.

Ngay cả cái tên chủ đề album cũng làm Minh Châu trăn trở: dân Việt hay người Việt? Anh quyết định chọn tên Trường ca người Việt vì đã đề cập đến mọi đối tượng: người dân, kẻ sĩ, quan, vua, tầng lớp sĩ - nông - công - thương...

Bắt tay với nhạc sĩ Phan Cường (Hà Nội) làm nhạc hơn hai năm nay, anh muốn làm kỹ càng để sao cho ngôn ngữ âm nhạc phải gắn kết được với nội dung: “Tôi nghĩ, vấn đề lớn nhất của những người tâm huyết với âm nhạc dân gian là mức độ pha trộn tỷ lệ như thế nào giữa truyền thống Việt Nam (về mặt âm nhạc) và sự hiện đại. Nhạc Việt có 4 điệu thức chính: bắc, nam, xuân, oán. Tính truyền thống trong giai điệu là phải giữ được hồn cốt của ngũ cung Việt Nam. Phần hiện đại phụ thuộc vào hòa âm phối khí. Đương đại là cái bệ đẩy cốt cách âm nhạc cổ truyền lên. Nếu không, có đánh 100 cây đàn cò, đàn nguyệt thì cũng chỉ tôn sùng các thang âm của nhạc Tây phương”.

Bỏ hơn 80 triệu tiền túi ra làm album, Minh Châu cho hay anh làm rất thong dong, nhàn nhã, không bị áp lực gì: “Nếu nghĩ đến tiền, thì tôi không làm. Nếu có một trách nhiệm, thì đó là làm sao cho người nghe đồng cảm được. Một tác phẩm có nội lực phải có trầm tích. Như một cuốn sách để nhiều người chiêm nghiệm được theo thời gian. Tôi chờ những vọng âm của các tâm hồn khác…”.

Duy Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.