Nhìn lại chương trình "đào tạo tiên tiến"

27/09/2007 22:01 GMT+7

Chương trình đào tạo tiên tiến (CTTT) là dự án quốc gia do Bộ GD-ĐT chủ trì, triển khai xây dựng từ năm học 2006-2007 với 10 ngành ở 9 trường ĐH trọng điểm. Trong năm học 2007-2008, ngoài 9 trường trên, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai thêm CTTT tại 9 trường ĐH thuộc các khối ngành Xây dựng và Y Dược. Các trường sẽ thực hiện theo phương thức xét tuyển, trong đó các thí sinh phải trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh vào các trường có tuyển sinh CTTT.

Trong các trường đầu tiên được chọn thực hiện CTTT, có 2 trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM là trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHKHTN) và trường ĐH Bách khoa (ĐHBK). Nhờ có những chương trình đào tạo liên kết với các trường nước ngoài trước đó, cả hai trường đều có những điểm chung để bước đầu triển khai CTTT thuận lợi như: hầu hết đội ngũ giảng viên đều trẻ, tốt nghiệp các chương trình sau ĐH ở các nước tiên tiến và đã từng trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Anh; cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy CTTT khá tốt, được chuẩn bị sẵn sàng, bảo đảm các yêu cầu do Bộ GD-ĐT đề ra...

Bộ GD-ĐT chỉ đạo CTTT phải lấy chương trình gốc của một trường ĐH có uy tín của thế giới. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác tốt đẹp từ trước, trường ĐHKHTN đã lựa chọn ĐH Portland của Mỹ (5 năm liền được U.S.News & World Report bình chọn là một trong những trường tốt nhất của Mỹ) làm đối tác trong CTTT chuyên ngành Khoa học máy tính. Hai trường đã ký kết hợp đồng quy định rõ các điều khoản hợp tác lâu dài như: Hằng năm, ĐH Portland sẽ cử đoàn công tác sang kiểm định chất lượng và làm việc với trường ĐHKHTN để đánh giá việc triển khai hợp tác giữa hai bên, khả năng chuyển tiếp sang ĐH Portland học vào giai đoạn chuyên ngành, nội dung chương trình và kế hoạch đào tạo... CTTT của ĐHKHTN là chương trình duy nhất trong 10 CTTT đã triển khai trong cả nước đạt được thỏa thuận cho sinh viên tốt nghiệp CTTT được cấp bằng đôi (1 bằng của ĐH VN, 1 bằng của ĐH nước ngoài). 

Cần chế độ thu chi đặc biệt !

Cả hai trường đang triển khai CTTT tại TP.HCM đều cho rằng bước đầu như thế là khá thuận lợi để tiếp tục triển khai chương trình. Các sinh viên thuộc CTTT đã thể hiện rõ sự năng động, tích cực trong học tập, điều thường thiếu trong các lớp học bình thường. Tuy vậy, một trong những khó khăn mà các trường nêu ra là cần sớm ban hành chế độ thu chi tài chính đặc biệt cho CTTT để các trường được chủ động hơn trong việc tính toán các chế độ cho các giáo sư, trợ giảng tham gia chương trình, đặc biệt là vấn đề khung pháp lý đối với kiểm toán nhà nước.

Ngoài ra, cũng cần có hỗ trợ tốt hơn cho các các bộ giảng viên đi thực tập tại nước ngoài theo chương trình tiên tiến vì kinh phí theo Chương trình 322 thực tế khó đảm bảo cuộc sống và làm việc tốt cho các cán bộ, giảng viên khi ở nước bạn.

Việc thực hiện CTTT của trường ĐHBK cũng tiến triển khá tốt khi đã đạt thỏa thuận với đối tác là ĐH Illinois (xếp hạng 15 các trường ĐH của Mỹ) để được phép áp dụng trực tiếp hệ thống tổ chức đào tạo (lấy toàn bộ chương trình, đề cương tới quy trình quản lý...) của khoa Điện và Máy tính thuộc ĐH Illinois. Trong năm học 2006-2007, trường áp dụng chế độ trợ giảng, thực hiện bài tập về nhà (có chấm điểm), nhiều kỳ kiểm tra trong học kỳ làm cho việc đánh giá kết quả môn học toàn diện hơn.

Trường ĐHBK cũng đã cử  5 giáo viên sang thực tập tại ĐH Illinois từ 1 - 3 tháng để nghiên cứu phương pháp giảng dạy, xây dựng chương trình của trường đối tác và chuẩn bị để trong tháng 10 năm nay cử tiếp 4 giáo viên sang làm việc tại ĐH Illinois. Ngược lại, từ ĐH Illinois, GS Steven Lumetta đã đến TP.HCM trực tiếp giảng dạy giúp cho sinh viên lớp CTTT tiếp thu nhiều kiến thức hiện đại. Tiến sĩ Trương Chí Hiền - Phó hiệu trưởng ĐHBK ghi nhận: "Tham dự các buổi học do GS Lumetta đứng lớp, chính chúng tôi cũng học được rất nhiều về cách tổ chức giảng dạy, giúp sinh viên học tập tích cực thông qua hệ thống trợ giảng... để còn có thể áp dụng dần cho các lớp còn lại trong trường".  

Về tác động của các GS nước ngoài, Tiến sĩ Dương Anh Đức - Phó hiệu trưởng ĐHKHTN cho biết: "Khi được học trực tiếp với các GS nước ngoài, chính các sinh viên chúng ta cũng dần dần thay đổi nếp học, chủ động hơn khi trao đổi với các giảng viên, biết tận dụng mọi sự trợ giúp từ các trợ giảng để nhanh chóng bổ sung kiến thức, theo kịp các chương trình học của các trường đối tác". 

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.