Tây Ninh: Hàng trăm ha đất công bị “phù phép” thành của riêng

07/09/2005 23:39 GMT+7

Bài 3: Những khuất tất cần được trung ương làm rõ Trên nói, dưới không nghe Trong bài trước, chúng tôi đã "điểm danh" sơ bộ một số nhân vật cộm cán tham gia "xẻ thịt" dự án Bàu Rã, trong đó có nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Việt Biên. Những nhân vật quyền lực này - một số nay đã "hạ cánh an toàn" - vào thời điểm đó (năm 1995) đã vô hiệu hóa cả những chỉ đạo xử lý của UBND tỉnh Tây Ninh.

Từ khi sự việc vừa bùng phát vào tháng 8/1996, UBND tỉnh Tây Ninh đã thành lập đoàn thanh tra và sau 3 tháng thanh tra, làm rõ nội dung khiếu kiện của 41 hộ dân, đoàn đã đưa ra kết luận. Căn cứ kết luận này, UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành giải quyết nhưng mọi việc cứ bị... lờ đi. Sự việc kéo dài đến 8 năm sau, tỉnh phải lập đoàn thanh tra thứ 2 và trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh - ông Nguyễn Văn Tiến (giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh từ năm 2001) đã họp với các ban ngành và chỉ đạo xử lý bằng văn bản (ngày 31/3/2005). Song những chỉ đạo này vẫn không được các cơ quan chức năng thực hiện. UBND tỉnh lại phải có công văn nhắc nhở thực hiện (ngày 1/6/2005) tiếp tục yêu cầu các ban ngành phải giải quyết dứt điểm, báo cáo kết quả cho UBND tỉnh trước ngày 30/6/2005. Thời hạn này đã qua nhưng vẫn không có cơ quan chức năng nào làm, không rõ vì thế lực nào cản trở. Vì vậy, đích thân ông Tiến phải tổ chức một cuộc họp tiếp theo vào ngày 1/8/2005 với sự tham gia của Văn phòng Chính phủ và các ban ngành. Lần này, cách giải quyết đưa ra rõ ràng hơn theo hướng chọn lựa giữa 3 phương án: thu hồi toàn bộ đất đã giao (trong khu vực bị người dân khiếu kiện); điều chỉnh giảm một phần diện tích đất đã giao để giao lại cho người dân bị thu hồi trước đây; không thu hồi mà xem xét quỹ đất chỗ khác để giao cho người dân khiếu kiện. UBND tỉnh cũng yêu cầu Phòng Địa chính (nay là Phòng Tài nguyên - Môi trường) huyện Tân Biên tổ chức kiểm điểm, xử lý cán bộ về việc tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng quy định. Riêng Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh cùng với các ban ngành khác phải có phương án xử lý khi thu hồi 40 ha đất do BQL dự án bán cho người ngoài tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh phải tiếp tục thu hồi nợ vay... Thế nhưng đến nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái tích cực nào trong việc thực hiện những chỉ đạo này. Chuyện "trên nói, dưới không nghe" cứ diễn ra như vậy trong khi nỗi bức xúc của người dân ngày càng lớn. Thiết nghĩ, tình trạng lạ lùng này đang rất cần được các cơ quan thẩm quyền cấp trung ương làm sáng tỏ.

Dự án Bàu Rã: Nợ và tiếng xấu

Trở lại BQL dự án Bàu Rã và ông Trưởng ban Trần Văn Thành (Mười Thành), chỉ một năm sau khi thành lập, dự án Bàu Rã đã được tỉnh cho nhập vào dự án Chàng Riệc sau khi đã trừ đi phần đất hơn 200 ha chia chác cho các cán bộ cấp tỉnh. Phần đất này sau đó được UBND huyện Tân Biên cấp sổ đỏ trở thành tài sản tư nhân. Kịch bản phù phép đất công thành đất tư hoàn tất. Chuyện động trời này không thể nói là chỉ do mình ông Trần Văn Thành độc diễn.  Hiện nay, ông Trần Văn Thành đã  "hạ cánh an toàn" với tài sản là 2 cây xăng Trường Thành 1 và Trường Thành 2 cùng một số đất đai đứng tên người thân mà không phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào dù Thanh tra tỉnh đã 2 lần kết luận BQL dự án làm sai mười mươi. Đáng nói hơn là trong khi sai phạm như vậy nhưng BQL dự án vẫn tiếp tục bán 40 ha đất dự án cho những cá nhân bên ngoài dù trước đó UBND tỉnh yêu cầu phải giao đất này cho các hộ dân trong vùng dự án để cải thiện cuộc sống. Chính Giám đốc Ban quản lý Chàng Riệc đương nhiệm Lê Quang Vinh khi tiếp xúc với chúng tôi đã nói: "BQL dự án cũ ra đi để lại cho chúng tôi hai thứ khó gột rửa được: nợ và tiếng xấu".

Hùng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.