Chuyện lạ tại trường VHNT Cà Mau: Trình độ trung cấp dạy trường trung cấp!

17/09/2007 23:18 GMT+7

Được thành lập năm 1997, trường Văn hóa nghệ thuật (VHNT) Cà Mau được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ cơ sở và giáo viên âm nhạc, mỹ thuật cho các trường tiểu học tại địa phương. Với nhiệm vụ khá nặng nề về đào tạo nhân lực như vậy, địa phương đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà trường. Vậy mà những kết quả thanh tra từ cơ quan chủ quản (Sở Văn hóa - Thông tin Cà Mau) lại thấy lộ ra nhiều sai phạm và thật khó tin nó lại diễn ra và tồn tại trong một thời gian dài.

Học trung cấp, dạy trung cấp

Thời điểm hiện nay, trường VHNT Cà Mau khuyết chức danh hiệu trưởng do ông Nguyễn Đắc Thắng, nguyên hiệu trưởng của trường nghỉ vì lý do sức khỏe. Chỉ đạo các hoạt động của trường từ lâu nay được giao cho ông Trần Thanh Toàn, phó hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo. Trường hiện có 19 giáo viên đứng lớp. Tuy ít, nhưng cùng với đội ngũ giáo viên thỉnh giảng, từ năm  2004 đến cuối năm 2006, trường đã đào tạo 513 học viên. Chưa thể đánh giá hết chất lượng của những "sản phẩm" được cho ra lò từ đây. Chỉ biết sau khi nhận một số sinh viên đã tốt nghiệp về, ông Đặng Quốc Hưng, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo huyện Thới Bình phải thốt lên: "Tại sao đã tốt nghiệp trường VHNT mà không đàn hát được" (!).

Trong số 19 giáo viên cơ hữu tại trường thì có đến 7 giáo viên chỉ mới tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp nhưng vẫn được bố trí dạy... trung cấp chuyên nghiệp. Đáng chú ý, có giáo viên chỉ mới qua đào tạo trung cấp sáng tác âm nhạc nhưng lại được bố trí cho dạy bộ môn cải lương của lớp trung cấp diễn viên. Một giáo viên khác mới tốt nghiệp trung cấp sư phạm âm nhạc, chưa từng được đào tạo chuyên ngành về nhạc cụ thì được bố trí làm giáo viên hướng dẫn thực hành trung cấp piano, trung cấp sáng tác... Trong số các giáo viên học trung cấp được bố trí dạy trung cấp có cả con trai của ông Trần Thanh Toàn. Không chỉ có giáo viên cơ hữu của trường được "đôn" dạy như thế, mà cả giáo viên thỉnh giảng bên ngoài cũng có đến 14/63 trường hợp không đủ chuẩn.

Trong khi đó theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì giáo viên dạy trung học chuyên nghiệp phải có bằng đại học chuyên ngành giảng dạy. Giải thích về điều này, trong một văn bản ký gửi cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, ông Trần Thanh Toàn cho rằng: "Nếu chỉ căn cứ vào quy định thì một số cơ sở hoặc một số chuyên ngành phải đóng cửa". Tuy nhiên, thực tế theo chúng tôi được biết thì vẫn có không ít người có đủ bằng cấp, trình độ chuyên môn, có nhiệt tình nhưng đều bị nhà trường "quên" ! Trong số nhiều giáo viên được "cho" đứng lớp không đúng quy định có cả Hiệu phó Trần Thanh Toàn. Ông Toàn cũng đứng đầu sổ về số tiết dạy sai chuyên ngành. Được biết, ông Toàn được đào tạo đại học văn hóa quần chúng, nhưng ông lại dạy nhạc lý, ký xướng âm và cả môn... nhà nước và pháp luật!

Không có giáo viên vẫn mở lớp

Về 513 học viên được đào tạo tại trường VHNT Cà Mau từ năm 2004 - 2006, có đến 400 học viên được đào tạo theo "đặt hàng" của ngành giáo dục Cà Mau. Còn chuyên ngành văn hóa thông tin trường chỉ đào tạo được 47 học viên, trong khi nhu cầu của tỉnh là 495 học viên. Vì sao nhu cầu nhân lực trong lãnh vực VHTT của tỉnh thì cao mà số người được đào tạo lại  "đìu hiu" như vậy? Điển hình như khi trường mở lớp trung cấp thanh nhạc thì chỉ có 2 học viên theo học, không đủ chỉ tiêu, lớp học đành tự giải tán. Không có giáo viên đủ chuẩn để dạy piano, trường vẫn mở lớp trung cấp piano. Kết quả là sau một năm cho con em theo học, nhiều phụ huynh đã hết kiên nhẫn với chất lượng đào tạo tại trường và bắt các em bỏ học. Lớp trung cấp sáng tác âm nhạc cũng "có vấn đề" buộc Giám đốc Sở VHTT phải có văn bản đề nghị Giám đốc Sở GD-ĐT xử lý.

Không chỉ việc tổ chức dạy và học tại trường có nhiều vấn đề cần nói, mà cả việc quản lý sổ sách, tổ chức tuyển sinh tại đây cũng có những biểu hiện sai phạm đến không hiểu nổi. Như 150 bằng tốt nghiệp năm 2003 nhưng lại được ghi vào sổ là năm 2001. Chỉ có 12/25 lớp có sổ lên lớp và cả 12 sổ đều ghi chép sai quy định. Việc ghi chép vào sổ học sinh của giáo viên hầu hết không đầy đủ: có điểm trung bình môn học nhưng lại thiếu điểm môn học; không ghi kết quả môn học nhưng lại có kết quả xếp loại; nhiều sổ lại không có điểm trung bình môn học; không có điểm môn học nhưng lại có chữ ký của giáo viên; giáo trình, giáo án giảng dạy các bộ môn của trường hoàn toàn không có, giáo viên muốn giảng thế nào thì tùy; tỷ lệ học sinh bỏ học chiếm 17,32%; nhiều lớp học sinh tự bỏ học đến 100%.

Ngoài ra, trong việc tổ chức tuyển sinh, lãnh đạo trường còn có biểu hiện sai  phạm quy định chương trình khung do Bộ VHTT ban hành. Điển hình là vụ mở lớp sáng tác âm nhạc vào năm 2006: thi tuyển chỉ có 5 học viên (trường xin chỉ tiêu 15 học viên), cộng thêm 1 học viên được xét tuyển ngang xương (vì được cho là "hát giỏi" !). Các môn thi cũng được tự ý thay đổi. Theo luật thì với sai sót này kết quả tuyển sinh phải bị hủy bỏ, nhưng không hiểu sao kết quả vẫn được âm thầm công nhận và lớp học vẫn mặc nhiên diễn ra. Việc rối rắm, thậm chí thả nổi quản lý dạy và học tại trường càng biểu hiện rõ khi trường không có kế hoạch công tác hằng  năm; không có kế hoạch mở lớp cũng như kế hoạch giảng dạy theo quy định.

Dư luận hiện đặt ra nghi vấn, nếu đã có sai phạm về đào tạo như vậy thì có dẫn đến sai phạm về tài chính hay không? Như việc thực hiện kinh phí đào tạo dôi dư từ năm 2004 - 2006. Cụ thể: năm 2004, nguồn kinh phí tỉnh cấp cho trường đào tạo 350 học viên, trong khi trường chỉ đào tạo 137 học viên. Tại kết luận thanh tra của Đoàn Thanh tra 39, Sở VHTT Cà Mau đã đề nghị làm rõ số tiền này.

Được biết, những việc làm sai trái trong quản lý, trong tổ chức dạy và học của trường Trung học VHNT Cà Mau đã được làm rõ trong kết luận thanh tra. Tuy nhiên, khi báo cáo thanh tra được công bố thì ông Trần Thanh Toàn lại làm văn bản, trong đó có đoạn chê bai: "Đoàn thanh tra hiểu biết chưa nhiều về hoạt động nghiệp vụ chuyên môn". Và ông Toàn không quên đề nghị Giám đốc Sở VHTT Cà Mau xem xét kỹ việc sử dụng giáo viên dưới chuẩn và "kèm" theo lời dọa: "Để tránh tình trạng làm ngừng hoạt động của trường" (!).

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.