Không lấy điểm số gây áp lực cho học sinh lớp 1

06/10/2009 23:24 GMT+7

* Giáo viên tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoài giờ cho chính học sinh của mình Phản ứng của phụ huynh khi con em họ vừa mới vào lớp 1 được vài ngày đã nhận hàng loạt những điểm số và lời phê “viết xấu”, “làm toán chậm” vào vở là hoàn toàn có cơ sở. Điều này không chỉ khiến phụ huynh buồn rầu mà chính những đứa trẻ non nớt mới bước chân vào trường đã cảm thấy “nhụt chí”.

Ông Lê Tiến Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, cách đánh giá, nhận xét của giáo viên cũng là nguyên nhân khiến học sinh (HS) nhiều khi cảm thấy căng thẳng và đè nặng bởi áp lực học tập. Chính bởi vậy, trong dự thảo quy định về đánh giá, xếp loại HS tiểu học, Bộ GD-ĐT yêu cầu giáo viên khi đánh giá cần chú ý đến quá trình tiến bộ của HS, đánh giá cuối năm là quan trọng nhất. Giáo viên ghi nhận xét cụ thể những điểm HS đã thực hiện và chưa thực hiện được để có kế hoạch động viên và giúp đỡ HS tự tin trong rèn luyện.

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cũng cho hay: quan điểm chỉ đạo của Sở GD-ĐT là ngoài những bài kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ thì giáo viên nên hạn chế tối đa việc đánh giá, nhận xét bằng điểm số. Đối với lớp 1 thì chỉ nên lấy điểm cuối học kỳ đối với môn Toán và Tiếng Việt. Đặc biệt, trong quá trình dạy học, giáo viên không lấy điểm số để gây áp lực cho HS và phụ huynh. Kinh nghiệm cho thấy, đối với lứa tuổi HS tiểu học, việc nhận xét định tính sẽ khuyến khích và động viên HS rất hiệu quả. Thay vì cho HS  điểm thấp để phê bình thì các cô giáo cần động viên. Ví dụ: “Con dành thời gian suy nghĩ thêm, lần sau cô sẽ hỏi lại nhé!”.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng thừa nhận: rất ít giáo viên thực hiện được điều này, một bộ phận không nhỏ giáo viên vẫn động viên hoặc phê bình HS bằng cách cho điểm. Đánh giá bằng định lượng vẫn là cách các cô quen làm và dễ làm hơn so với nhận xét bằng định tính. Trong khi đó, áp lực càng đè nặng lên vai đứa trẻ khi đón con ở cổng trường. Câu đầu tiên các ông bố, bà mẹ thường hỏi là: “Hôm nay con được mấy điểm?”, ông Tiến cho hay.

Dự thảo quy định Đánh giá, xếp loại HS tiểu học sắp được ban hành có nêu rõ: nhận xét của giáo viên về sự tiến bộ của HS hoặc những điểm HS cần cố gắng, không dùng những từ ngữ gây tổn thương HS. Giáo viên chủ nhiệm không thông báo trước lớp và trong cuộc họp cha mẹ HS những điểm chưa tốt của từng HS.

Sau khi Thanh Niên đăng bài Khổ như... học sinh lớp 1, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: sẽ soạn thảo công văn kèm theo nội dung bài báo trên để gửi tới tất cả các phòng GD-ĐT để yêu cầu kiểm tra, nhắc nhở tất cả các trường tiểu học. Sở GD-ĐT sẽ nhấn mạnh: tất cả các trường phải thực hiện đúng chương trình, không cắt xén hoặc tự ý bổ sung thêm nội dung kiến thức, không vì HS đã học trước mà cắt bớt chương trình; giáo viên tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoài giờ cho chính HS của mình.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.