Lại nói về nghịch lý tỷ giá

17/09/2007 00:14 GMT+7

Tỷ giá VND/ USD cho đến hết năm 2006 vẫn chỉ ở dưới mức 16.000. Cho đến mấy tháng đầu năm 2007 tỷ giá VND/USD không những không tăng lên mà còn có xu hướng giảm, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã mở rộng biên độ giao dịch. Những tháng gần đây, tỷ giá VND/USD đã có biến động, đặc biệt từ tháng 8 đến nay. Đầu tháng 8, cứ 1 USD ăn 16.150 VND, nhưng đến nay đã lên 16.265, có cửa hàng lên đến 16.300 VND. Sự tăng lên của tỷ giá VND/USD (hay sự giảm của VND so với USD) hiện đã chứa đựng một số nghịch lý.

Thứ nhất, khi tăng trưởng kinh tế của nước này cao hơn của nước khác thì thông thường đồng tiền của nước đó sẽ tăng giá so với đồng tiền của nước kia; trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cao hơn, nhưng đồng Việt Nam  vẫn giảm giá so với đồng USD, còn trong nhiều năm Trung Quốc vẫn giữ tỷ giá NDT/USD ở mức thấp.

Đó có thể là một trong những yếu tố tác động làm cho hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thế giới, xuất siêu của Trung Quốc ở mức khổng lồ, ngay cả với các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ. Mỹ và các nước nhập siêu lớn từ Trung Quốc đã tìm mọi cách gây sức ép để Trung Quốc nâng giá đồng nhân dân tệ lên. Mặc dù, Trung Quốc phản đối nhưng đồng nhân dân tệ đã tăng giá, song xuất siêu vẫn ở mức khổng lồ.

Thứ hai, đồng USD giảm giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, nhưng vẫn tăng giá ở thị trường Việt Nam. Giá USD trên thị trường thế giới gần như ở mức thấp nhất trong 15 năm qua, đến nay 1 USD chỉ còn ăn 0,4947 bảng Anh, 0,7181 euro, 114,8 yen Nhật, 34,76 baht Thái, 7,557 nhân dân tệ... Khi VND giảm giá so với USD thì đồng thời lại giảm giá "kép" so với các đồng tiền mạnh khác.

Thứ ba, đồng Việt Nam giảm giá so với USD trong điều kiện lượng USD vào Việt Nam tăng mạnh ở tất cả các nguồn. Nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 8 tháng so với cùng kỳ thì đăng ký cao gần gấp rưỡi, thực hiện tăng gần 20%; khả năng cả năm sẽ vượt 13 tỉ USD đăng ký, thực hiện vượt 4,5 tỉ USD. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đạt kỷ lục mới về lượng vốn cam kết và thực hiện giải ngân cũng vượt 2 tỉ USD.

Nguồn vốn đầu tư gián tiếp (FII) tăng mạnh trong những tháng đầu năm, mấy tháng gần đây chững lại do các cổ phiếu niêm yết thì gần hết "room", còn việc IPO của các "đại gia" giãn tiến độ, nhưng các quỹ đầu tư với các lượng tiền lớn đang "phục sẵn" các đợt IPO này nếu tiến độ được đẩy mạnh và bắt đầu chuyển sang thị trường bất động sản đang ấm dần lên. Lượng kiều hối tiếp tục gia tăng nhờ Việt kiều được miễn thị thực, được mua nhà ở trong nước và nhờ sức mua 1 USD ở Việt Nam cao hơn nhiều so với sức mua ở Mỹ và vẫn tiếp tục gia tăng. Lượng tiền mà khách du lịch đến Việt Nam chi tiêu tăng hơn do lượng khách tăng trên 16% và tỷ trọng lượng khách đến từ những nước có thu nhập cao tăng mạnh hơn tốc độ tăng chung...

Tỷ giá cũng là một loại giá - giá ngoại tệ, vì là một loại giá nên việc tăng giảm của tỷ giá cũng phụ thuộc vào quan hệ cung cầu. Khi cung tăng cao đáng lẽ tỷ giá phải giảm thì thực tế lại tăng.

Thứ tư, do tỷ giá trên thị trường tăng lên, nên lãi suất huy động ngoại tệ của các ngân hàng thương mại cũng tăng lên, có ngân hàng đưa lên mức 5,5%/năm. Sự tăng lên này vẫn là trái chiều so với dự đoán của nhiều người.

Sự tăng lên của tỷ giá VND/USD với các nghịch lý trên có nguyên nhân quan trọng do Ngân hàng Nhà nước đã bỏ ra một lượng tiền lớn để mua vào USD (6 tháng đầu năm đã mua vào 7 tỉ USD) và vẫn tiếp tục mua USD. Mặc dù hành động này đã góp phần tăng dự trữ ngoại hối cho đất nước, nhưng cái giá phải trả cũng không ít. Cái giá đó là lạm phát cao hơn năm trước, người dân phải bỏ ra một lượng tiền nhiều hơn để chi tiêu. Nhà nước phải thu hàng nghìn tỉ đồng do giảm thuế xuất nhập khẩu để tăng cung hàng hóa và giảm sức ép đối với lạm phát ở trong nước.

Mặt khác cũng do chính sách điều hành tỷ giá gần như cố định ở mục tiêu: tăng tỷ giá VND/USD để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, tránh cho đồng nội tệ lên giá. Nhưng tỷ giá VND/ngoại tệ đã tăng làm cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng "kép" (vừa tăng do giá tính theo ngoại tệ tăng, vừa tăng do tỷ giá VND/ngoại tệ tăng). Trong điều kiện nhập siêu lớn thì tỷ giá tăng sẽ làm cho thiệt nhiều hơn lợi. Tỷ giá VND/ngoại tệ tăng cũng sẽ làm cho nợ nước ngoài tăng "kép". Ngoài ra, theo một số chuyên gia đã đề cập, các ngân hàng thương mại huy động USD không chỉ để phục vụ yêu cầu nhập khẩu mà có thể còn để gửi ở ngân hàng nước ngoài, do lãi suất huy động ở trong nước thấp hơn lãi suất ở Mỹ.

Tuy tỷ giá VND/USD tăng lên trong những tháng gần đây, nhưng tính chung 8 tháng đầu năm, theo công bố của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng mới khoảng 0,5%,  nếu tính cả tháng 9 này thì cũng mới chỉ tăng khoảng 1%. Khả năng cả năm cũng khó mà tăng vượt 1,5%, tức là tỷ giá đến hết năm cũng khó vượt 16.350 VND/USD!

Đ.N.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.