Ồn quá hóa đau... tim!

18/10/2010 10:43 GMT+7

Trước đây, người ta vẫn tưởng lý do dẫn đến nhồi máu cơ tim là do mạch máu thuyên tắc vì chất mỡ đóng cứng trên thành mạch. Đúng, nhưng chỉ một phần.

Theo kết quả điều tra gần đây của Bộ Y tế CHLB Đức, chỉ 40% nạn nhân của bệnh mạch vành có lượng mỡ máu trong ngưỡng bệnh lý; 30% đối tượng phải vào phòng cấp cứu vì cơn đau thắt ngực có lượng mỡ máu thậm chí trong định mức bình thường; đáng nói là không dưới 30% trường hợp thuyên tắc mạch vành là hậu quả gián tiếp của tiếng động thái quá!

Thực ra, đây là điều dễ hiểu vì tiếng động ồn ào đến độ đinh tai nhức óc đối với hệ thần kinh là một loại stress, tùy theo cường độ và tần số của âm thanh. Dưới áp lực thường xuyên của tiếng động chói tai, cơ thể sẽ phản ứng sai lệch qua trục thần kinh – nội tiết với khuynh hướng bất lợi cho hoạt động của trái tim. Thí dụ, huyết áp dao động nhiều lần rồi tăng dần; tăng mỡ trong máu, đặc biệt là loại chất béo làm chai mạch như triglyceride; mạch máu nhỏ co thắt bất chợt gây thiếu dưỡng khí cục bộ; tăng độ nhớt của máu khiến dòng máu khó luân chuyển; rối loạn nhịp tim vì căng thẳng thần kinh.
 
Nếu âm thanh với cường độ 50 decibel (Db) thì đã đủ làm mất ngủ; nếu ở mức 70 Db thì thừa sức gây lãng tai, trầm uất, tiểu đường, dị ứng hay thậm chí sinh ung thư...  Cho nên, khỏi nói dông dài cũng hiểu tại sao cơ tim bị nhồi máu nếu nạn nhân phải sống trong cảnh ồn ào, đinh tai nhức óc!
 
Nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy tình trạng thiểu năng mạch vành bắt đầu rõ nét khi tín hiệu thính giác vượt quá cường độ 65 Db, tương đương với tiếng động của xe cộ thỉnh thoảng qua lại trên một con đường vắng. Liệu ở Hà Nội, TPHCM của chúng ta thì còn được mấy con đường như thế hay toàn là những vùng tắc nghẽn giao thông với tiếng ồn át cả còi xe cứu thương?
 
Nếu cường độ của tiếng máy đào đường xấp xỉ 85 Db, của tiếng nhạc chói tai không dưới 110 Db thì không lạ gì khi các bệnh viện tim tiếp tục quá tải. Khỏe sao nổi nếu các công trình xây cất được tiến hành suốt đêm, nếu tiệm bán quần áo vặn nhạc đến độ khách chỉ còn có nước ra dấu khi tìm hàng, nếu quán karaoke ngày đêm hành hạ hàng xóm qua những giọng ca thừa sức khiến cọp bỏ trốn về rừng, nếu đến đám tang lẽ ra buồn rũ rượi thì lại kèn trống inh ỏi?
 
Ở các TP  của chúng ta, ngay cả nhiều bệnh viện, nơi người bệnh cần yên tĩnh để nghỉ ngơi thì trái lại lắm khi còn ồn hơn chợ nên thầy thuốc cho dù có tài thánh đến mấy cũng đành chào thua bệnh tim mạch.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.