Cô nàng may mắn và “yếu tố sex”

21/10/2009 23:17 GMT+7

Tiếng guitar dồn dập theo nhịp điệu của trống; âm thanh rock vang dội không gian bar Acoustic ở con hẻm nhỏ trên đường Ngô Thời Nhiệm, TP.HCM...

Khi chúng tôi đến, ca sĩ Jenny Santiago cùng ban nhạc đang tập một số ca khúc của nhóm Evanessence, Nirvana và Gun and roses. Jenny kể, cô chẳng có ước mơ hay kế hoạch gì để trở thành ca sĩ cả. Bố mẹ ly dị khi cô và em trai còn rất bé. Cuộc sống ở Philippines khá chật vật vì mẹ phải một mình nuôi 2 chị em.

12 năm trước, một lần tình cờ mẹ cô nghe ban nhạc Philippines rất nổi tiếng thuở đó là Family Birth Control trình diễn, bà bỗng ước ao con gái được hát trong đội hình 15 thành viên của ban nhạc này. Nỗi nhọc nhằn, khó khăn trong cuộc sống khiến bà ngày càng hun đúc ý muốn con gái làm ca sĩ, dù lúc đó Jenny đang là nhân viên văn phòng một ngành dịch vụ. Một ngày nọ, bà dẫn Jenny đến gặp người quản lý để xin "học nghề". Jenny hát "mộc" đúng 5 bài mà cô yêu thích nhất cho người quản lý thẩm định chất giọng.

Khi chúng tôi nói Jenny rằng cô có quyền không trả lời câu hỏi về lời đồn đại có nhiều nữ ca sĩ nước ngoài sang VN kiếm tiền bằng thân xác chứ không phải bằng giọng hát, cô cười lớn: "Tôi biết có nhiều người như thế và hiểu hoàn cảnh của họ. Có thể họ cần tiền trang trải trong cuộc sống. Một người đàn ông giàu có sẵn sàng chu cấp tiền bạc thì làm sao họ từ chối khi nhu cầu đang rất cần? Là phụ nữ tôi không thích thế nhưng rất cảm thông. Đơn giản bởi đó là những phụ nữ không độc lập về tài chính, phải chịu sự lệ thuộc trong cuộc sống, trong khi tôi tự lập từ bé và có thể quyết định được cuộc đời mình thì tại sao tôi phải chọn con đường ấy?".

"Tôi quả là người may mắn. Chẳng hiểu sao tôi lại được chọn. Ở đất nước chúng tôi, sự cạnh tranh trong nghề ca hát là cực kỳ căng thẳng bởi ai cũng có thể hát được một cách say sưa", Jenny thú nhận. Cô nhận xét người Philippines khi nghe xong một bản nhạc mới là họ rất thích bắt chước ngay để nghêu ngao suốt ngày, trong khi ở VN ít ai thích làm thế trừ những người hoạt động âm nhạc. Do vậy theo Jenny, cũng dễ hiểu vì sao ở Philippines có quá nhiều ca sĩ, hàng chục ngàn ban nhạc từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp có thể biểu diễn các ca khúc tiếng Anh.

"Vậy mà tôi chỉ gắn bó với Family Birth Control hơn một năm. Đây là mái trường âm nhạc đầu đời, giúp tôi rất nhiều trong sự nghiệp ca hát nhưng họ chỉ chơi dòng nhạc từ thập niên 60, 70 thế kỷ trước trong khi lúc ấy tôi 21 tuổi, thích nhạc jazz, soul, pop, và cả rock nên buộc phải tìm hướng đi mới cho riêng mình", Jenny nhớ lại.

Thử thời vận

Một thời gian sau khi đã là ca sĩ chuyên nghiệp ở Philippines, Indonesia, Jenny quyết định thử thời vận tại VN. Năm 2004, Jenny chính thức gia nhập đội ngũ ca sĩ nước ngoài biểu diễn ở TP.HCM. Đến nay thì Jenny đã nổi tiếng trong giới phòng trà, bar, khách sạn. Cô một mực cho rằng mình may mắn thêm lần nữa khi đặt chân đến TP.HCM. "Ở Philippines tôi không có hoặc quá ít cơ hội làm nghề vì phải cạnh tranh với nhiều ca sĩ trong khi tại đây, do thị trường âm nhạc thiếu vắng ca sĩ hát tiếng Anh tốt nên tôi sống được".

Một ngày của Jenny và các thành viên ban nhạc mang tên cô là Jenny Santiago bắt đầu từ 1 giờ trưa. Chẳng có gì lạ vì cả nhóm phải làm việc đến tận 4 giờ sáng, rồi tụ tập ăn uống, chuyện trò thường đến 5 giờ mới ngủ. Trưa ăn vội chút gì là mọi người lại lao vào tập luyện. Dù chỉ là ca sĩ hát phòng trà nhưng nhìn cách họ tập luyện chúng tôi mới hiểu vì sao họ hát hay đến thế. Chẳng ca sĩ nào của nhóm Jenny Santiago hát play back, dùng đĩa mix sẵn nhạc nền như đa số ca sĩ VN thường dùng khi “chạy show". Họ tập rất chăm chỉ và kiên trì. Một ca khúc họ có thể hát đến hàng trăm lần để "thấm" đủ cảm xúc mà rung động khán giả. "Tôi được trời cho một sức khỏe cực tốt. Tôi thức khuya, và cả uống rượu nữa, nhưng chất giọng không hề bị hỏng", Jenny cười thú nhận. Nhóm Jenny Santiago cùng thuê một ngôi nhà ở Q.1 rồi chia tiền ra trả mỗi tháng. "Nói chung cuộc sống của tôi ở đây rất ổn. Thu nhập khá, tiền kiếm được tôi dành dụm gửi về quê nhà nuôi mẹ".

Không chỉ "nghe" mà còn "xem"...

"Còn chuyện gia đình?", chúng tôi hỏi. Jenny đáp: "Có lẽ tôi không lập gia đình vì không thích sự ràng buộc. Tôi chỉ thích có bạn trai thôi. Anh ấy là người Tây Ban Nha, hiểu và thông cảm với nghề nghiệp của tôi. Đôi lúc anh ấy cũng ghen khi thấy nhiều nam khán giả ái mộ tôi nhưng rồi mọi chuyện cũng ổn khi tôi giải thích đó chỉ là công việc".

Chúng tôi trao đổi thêm về nền công nghiệp âm nhạc hiện đại có xu hướng đưa yếu tố sex (gợi cảm) vào âm nhạc, Jenny cho rằng đó là điều bình thường bởi bây giờ khán giả không chỉ "nghe" mà còn "xem" nhạc nữa. Vì vậy ca sĩ ngoài chất giọng phải có ngoại hình. Tuy nhiên, cô khẳng định với lứa ca sĩ ngoài 30 như mình thì không thể lấy cơ thể ra "ru" khán giả mà phải chinh phục chính bằng chất giọng. "Khi hát những ca khúc của Beyoncé hay Alicia Keys, tôi đâu thể nhảy như họ được mà phải chinh phục khán giả bằng chất giọng, khả năng diễn đạt cảm xúc của bài hát theo cách của riêng mình. Nếu không, ai đến bar nghe tôi hát, họ ở nhà bật đĩa hay lên truyền hình xem video ca nhạc của các ca sĩ này hay hơn", Jenny nhìn nhận.

Jenny nói sẽ vẫn hát cho đến ngày tóc bạc phơ chứ không chỉ theo nghề trong lúc tuổi đang xuân thì, vóc dáng còn gợi cảm...

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.