Phải tiêu hủy thịt bẩn!

16/10/2009 23:37 GMT+7

“Không thể để “quả bom” thịt bẩn treo lơ lửng như vậy”, ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM bày tỏ bức xúc khi trao đổi với Thanh Niên hôm qua 16.10.

> “Quả bom” thịt bẩn
> Thịt “bẩn” vẫn cứ tràn về
> Mạnh tay với thịt bẩn

Ông Khoa nhấn mạnh: “Trách nhiệm đầu tiên thuộc về những DN nhập khẩu, không ai có thể nhẫn tâm làm giàu trên sức khỏe của người khác được. Người tiêu dùng cũng không thể chấp nhận việc trì hoãn xử lý. Các cơ quan quản lý nhà nước đã từng đàm phán với nước ngoài, họ hiểu rất rõ những rào cản kỹ thuật, họ biết rất rõ phải làm gì để bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng thực tế họ đã không làm tốt việc này. Tại sao lại để những lỗ hổng về chính sách, về quy định, sau đó lại không có cách xử lý dứt khoát? Đúng ra cơ quan quản lý phải niêm phong chặt chẽ lô hàng này, phải bảo đảm không có một ký thịt nào lọt ra được bên ngoài. Nhưng kiểu trả lời “không thể biết” của những người có trách nhiệm cho thấy họ vô cảm trước sức khỏe của người dân”.

Chỉ kiểm soát được trên... giấy

“Loại thịt bẩn này chắc chắn không thể sử dụng cho người, ngay cả việc xử lý làm thức ăn chăn nuôi cũng cần được xem xét rất kỹ”.

Thứ trưởng Bộ Y tế
Trịnh Quân Huấn

“Trách nhiệm đầu tiên thuộc về những DN nhập khẩu, không ai có thể nhẫn tâm làm giàu trên sức khỏe của người khác”.

Đại biểu HĐND TP.HCM
Đặng Văn Khoa

Không khó để nhận ra rằng cơ quan chức năng chỉ bắt được tận tay khi thịt bẩn đã được đưa ra tiêu thụ gần hết trên thị trường. Thậm chí có những vụ chỉ kiểm soát được số lượng trên giấy, còn khi kiểm tra thực tế thì kho hàng đã rỗng không.

Vụ 320 tấn thịt nhập khẩu kém chất lượng đang tồn kho “đâu đó” ở TP.HCM hiện càng làm dấy lên nỗi lo quản lý yếu kém. Trên lý thuyết, Trung tâm Thú y vùng VI nắm rất đầy đủ số lượng và các địa điểm chứa những lô hàng đang chờ xử lý. Nhưng trên thực tế, số hàng này có về đúng kho, có được niêm phong kỹ lưỡng, có thất thoát trên đường vận chuyển, có bị “bốc hơi” trong thời gian bị tạm giữ hay không... thì cơ quan quản lý không thể bảo đảm được. Cho đến khi vụ việc đưa ra dư luận, lãnh đạo Trung tâm Thú y vùng VI thì đẩy trách nhiệm quản lý số hàng này cho Chi cục Thú y TP.HCM. Còn Chi cục Thú y TP.HCM cho đến nay cũng tránh né không đưa ra câu trả lời chính thức mặc dù Thanh Niên đã liên hệ xin trao đổi từ nhiều ngày trước.

Trước đó, hàng loạt vụ bắt giữ thịt bẩn cũng đã chứng tỏ sự lỏng lẻo này. Đơn cử như ngày 6.10, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh phát hiện số lượng lớn chân gà đông lạnh nhập khẩu kém chất lượng chứa tại kho lạnh Hoàng Bon (633/19 An Phú Tây, huyện Bình Chánh), tại đây cơ quan chức năng kiểm tra có khoảng 400 thùng (15 kg/thùng) chân gà nhập khẩu bị mốc xanh, mốc đen, bị biến chất, nhiễm khuẩn trầm trọng. Đại diện kho lạnh Hoàng Bon cho biết lô hàng này nhập về với số lượng 1.000 thùng (15 tấn) nhưng đã được lấy ra tiêu thụ hết 600 thùng. Còn tiêu thụ đi đâu, thế nào thì không ai biết.

Còn 3 lô chân gà đông lạnh nhập khẩu (số lượng 72 tấn) của Công ty TNHH giao nhận xuất nhập khẩu Việt Mỹ nhập về kho lạnh Nhan Hòa bị đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh phát hiện ngày 30.9 và ngày 2.10, phần lớn đã bị chủ hàng bán ra thị trường mà không khai báo với cơ quan thú y địa phương. Khi kiểm tra, hàng còn tồn trong kho rất ít, chỉ khoảng vài trăm thùng. Lô hàng này cơ quan chức năng cũng xác định không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, khi mổ dưới lòng bàn chân gà còn phát hiện cả mủ sền sệt do bị nhiễm trùng. Vụ này đến nay vẫn chưa thấy kết quả xử lý.

Cơ quan thú y chưa thể kiểm soát hết thịt bẩn - Ảnh: Q.Thuần

Ngay như vụ xử lý 8 tấn cánh gà đông lạnh nhập khẩu nhiễm khuẩn E.Coli và Coliform của Công ty TNHH Trúc Đen, UBND TP.HCM đã có ý kiến chỉ đạo phải tiêu hủy, nhưng số hàng này đến nay cũng không thể xác định được còn hay mất và đã xử lý thế nào.

Giải pháp duy nhất

Có rất nhiều nguyên do để dẫn đến tình trạng doanh nghiệp (DN) “câu giờ” không chịu xử lý dứt điểm thịt bẩn, nhưng nổi cộm nhất chính là những lỗ hổng trong khâu quản lý. Từ những văn bản chỉ đạo liên tiếp nhưng không nhất quán của Cục Thú y, đến những bước phối hợp kém chặt chẽ giữa các cơ quan thú y với nhau đã tạo cơ hội cho DN chây lì rồi tuồn hàng ra bán. Mặc dù các quy định nhập khẩu thịt đã được siết chặt từ ngày 1.10 nhưng 320 tấn thịt bẩn này chính là hệ quả từ những quy định chưa rõ ràng trước đó. Giải pháp duy nhất cho tình trạng này là phải buộc phải tiêu hủy toàn bộ số thịt bẩn đang tồn. Đó là cách giải quyết được bà Lê Thị Kim Oanh, Chánh thanh tra Cục Thú y cho là “cách tốt nhất”. Theo bà, đây là trách nhiệm của Chi cục Thú y địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn nhận định: “Loại thịt bẩn này chắc chắn không thể sử dụng cho người, ngay cả việc xử lý làm thức ăn chăn nuôi cũng cần được xem xét rất kỹ. Trong các sản phẩm này có thể tồn dư một số chất độc hại mà không thể mất đi sau khi xử lý để tái chế. Chất độc hại này tương tự như melamine tồn tại trong sữa vậy. Qua sự việc này, chúng ta cũng không loại trừ nguy cơ từng xảy ra lô hàng kém chất lượng nhưng bị bỏ lọt. Điều này càng đặt ra vấn đề hậu kiểm đối với thực phẩm nhập khẩu loại này phải được chú trọng hơn. Hậu kiểm càng nghiêm túc, càng chặt chẽ qua các khâu thì càng tốt cho đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Tuyệt đối không cho lưu thông

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đài – Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết: “Về vấn đề xử lý thịt bẩn, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y, khẳng định rằng hàng hóa đông lạnh nhập khẩu sau khi về cảng thì tất cả phải lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng. Nếu đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mới được phép thông quan. Cụ thể là hàng hóa ở các kho lạnh dự trữ nếu không đạt chất lượng, nhiễm khuẩn thì bắt buộc phải tiêu hủy ngay hoặc tái xuất, tuyệt đối không được cho lưu thông trên thị trường.

Đối với mặt hàng thịt đông lạnh, mặc dù đã nhập khẩu nhưng không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng phải tiêu hủy ngay. Như trường hợp 320 tấn thịt động lạnh không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mà báo chí phản ánh, rõ ràng không đủ tiêu chuẩn đưa ra thị trường nên phải tiêu hủy, dứt khoát không được chiếu xạ rồi bán cho người tiêu dùng. Bởi, biện pháp chiếu xạ chỉ áp dụng để kéo dài thời hạn cho những loại thực phẩm đã đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tức phải là thực phẩm sạch. Còn thịt đã nhiễm khuẩn thì có chiếu xạ cũng chẳng ý nghĩa gì.

Các doanh nghiệp đang quản lý số thịt này nếu tự ý đưa ra thị trường thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Nguyễn Đình Mười

Nguy cơ ngộ độc cao

Theo bác sĩ Trần Văn Ký - phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm phía Nam (thuộc Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN), với những loại thực phẩm cánh gà, chân gà, pín dê... đã được xác định không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thì phương án tiêu hủy là hợp lý nhất. Bởi vì, với những loại hàng này việc tái xuất là rất khó, các nước sẽ tìm mọi cách để từ chối, không nhận lại những thực phẩm không an toàn như thế. Cũng cần nói, các loại cánh gà, chân gà, các loại pín, bộ đồ lòng động vật... nhiều nước xem là những bộ phận phế thải, chỉ dùng cho gia súc, không dùng cho người.

Bác sĩ Trần Văn Ký cho biết các thực phẩm nói trên nếu đã được đông lạnh quá lâu và việc bảo quản lạnh không đảm bảo, hoặc sản phẩm bị hư, thì protid (đạm) trong sản phẩm sẽ bị phân hủy và sản sinh ra độc tố. Người sử dụng những thực phẩm này sẽ bị ngộ độc cấp tính; nguy hiểm hơn là ngộ độc mãn tính, ung thư khi các độc tố tích tụ lâu dần trong cơ thể. Ông cũng cảnh báo là phải tiêu hủy, chứ không được chôn, vì sẽ ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người dân.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Trưởng phòng Quản lý VSATTP (Sở Y tế TP.HCM) nói: Để tiến hành tiêu hủy những sản phẩm thực phẩm trên, các doanh nghiệp phải xây dựng phương án tiêu hủy, rồi trình cơ quan quản lý liên quan (Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Y tế) duyệt. Nếu phương án tiêu hủy được chấp nhận thì hai cơ quan trên sẽ cử người giám sát lô hàng khi đưa đi tiêu hủy. Phía môi trường giám sát về những yếu tố liên quan đến môi trường; phía y tế giám sát xem số lượng hàng đưa đi tiêu hủy có đúng với số lượng nhập và lưu kho hay không. Cơ quan quản lý y tế đã cảnh báo các cơ sở không được kinh doanh mua bán các sản phẩm thực phẩm không đạt chất lượng VSATTP nói trên.

Thanh Tùng

Quang Thuần - Thái Uyên - Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.