Giấc mộng ô tô

07/09/2005 00:25 GMT+7

Hiệp hội Ô tô Việt Nam (VAMA) vừa thông báo kết nạp 5 thành viên cùng hoạt động trong lĩnh vực ô tô. Theo VAMA, đây là một tin vui vì trên thị trường nhỏ hẹp như Việt Nam, có đến 16 doanh nghiệp cùng tiến quân vào một ngành công nghiệp quan trọng.

Nhưng chưa hết, theo thống kê của Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp Việt Nam, cả nước có tới 90 doanh nghiệp đang sản xuất, lắp ráp ô tô, nếu tính cả các cơ sở sửa chữa và tham gia chế tạo phụ tùng thì con số lên trên 200!

Đi trên các trục đường QL5, QL1, QL2, đã thấy từng bãi ô tô mênh mông; trên đường, ô tô cũng chen nhau, mạnh xe nào xe nấy chạy.

Cách đây chưa lâu, người ta hay nói về chuyện một chiếc xe Dream ở Thái Lan giá chỉ khoảng 1.400 USD, trong khi ở Việt Nam, giá gấp đôi. Khi xe máy trở thành vấn nạn, nhiều người nói rằng ô tô mới là phương tiện của một xã hội hiện đại. Nhưng ô tô, nhất là ô tô cá nhân ở Việt Nam cũng đang đắt đỏ như trường hợp những chiếc xe Dream ngày ấy. Và cơn sốt lắp ráp ô tô hôm nay có vẻ như là bản sao của phong trào lắp ráp xe máy mười năm trước.

Phong trào ấy đã cho ra đời những chiếc xe buýt với hàng chữ kiêu hãnh "chế tạo tại Việt Nam", nhưng trong những chiếc xe đó, có bao nhiêu chi tiết được chế tạo tại Việt Nam? Cùng những bóng đèn pha đỏ vàng, có lẽ phải nhập khẩu, là vết gò vỏ xe gập ghềnh phủ lớp sơn chẳng lấy gì làm bóng bẩy, vừa mới ra đời, nhưng chúng giữ kỷ lục về xả khói đen trên đường phố...

Thông tin từ viện nghiên cứu nói trên cho hay, Việt Nam chưa có cơ sở nào chế tạo được động cơ, hộp số hay các chi tiết chuyển động - những thiết bị xương sống trong xe. Bao giờ chúng ta sản xuất được những linh kiện ô tô đạt chuẩn quốc tế? Toyota - liên doanh đi đầu trong nội địa hóa cũng chỉ nội địa hóa được dây điện, ghế ngồi và một số chi tiết phụ. Cũng chỉ Toyota dám đầu tư nhà máy dập thân vỏ xe, nhưng để có một bộ khuôn dập mới, chi phí là cả triệu đô la. Chúng ta cũng chưa quên hai vụ tai nạn của hai chiếc xe Mondeo và Camry mới đây, chỉ có chiếc túi khí không nổ mà đã làm Ford Việt Nam và Toyota Việt Nam gặp rắc rối như thế nào! Nếu không thận trọng, rất có thể giấc mộng ô tô lại trở thành một "đại họa" bởi đây là một ngành công nghệ cao, liên quan trực tiếp đến tính mạng con người và không thể phát triển nó theo mô hình phát triển nền "công nghiệp xe máy" mười năm trước!

Lưu Quang Phổ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.