Một kết luận hài hước!

18/09/2006 00:02 GMT+7

Chiều 16.9, đoàn thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An đã mời lãnh đạo Hội đồng thi Nam Đàn 2 và các giáo viên coi thi dính líu đến vụ nhốn nháo trường thi tại điểm thi này để thông qua kết luận của đoàn thanh tra về vụ này. Đoàn thanh tra đã công nhận vụ lộn xộn trường thi là có thật, những giáo viên coi thi đã phạm quy là có thật, 31 giáo viên "không hoàn thành nhiệm vụ" coi thi là có thật, kể cả những sai phạm của Hội đồng thi tại điểm Nam Đàn 2 cũng là có thật.

Nhưng điều bất ngờ và hài hước nhất là, nếu vụ nhốn nháo trường thi này không được phát giác bởi 4 đoạn phim của thầy giáo Lê Đình Hoàng (đã được đưa lên mạng) thì đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT Nghệ An lấy đâu ra chứng cứ để "kết luận" về những sai phạm ở hội đồng thi này. Vậy mà, người "vi phạm quy chế thi nghiêm trọng" lại chính là… thầy Hoàng (?).

Xếp thầy Hoàng "chung một rọ" với ba thầy giáo khác trong tội danh "vi phạm quy chế thi nghiêm trọng" với lý do rất hài hước là thầy Hoàng đã bỏ phòng thi để đi ghi hình - bằng chứng duy nhất cho "kết luận" kỷ luật này - đoàn thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An đã làm một việc mà có lẽ chính họ cũng tự thấy bất ổn. Nên mới có thêm đề nghị Sở "xem xét giảm mức độ xử lý kỷ luật vì đã tích cực hợp tác với đoàn thanh tra và đánh giá việc thầy Hoàng gửi 4 đoạn phim lên mạng đã giúp cho Sở làm tốt hơn công tác chống tiêu cực trong thi cử". Với một kết luận khá rối rắm và tiền hậu bất nhất như thế, người ta phải hiểu như thế nào cho "đúng ý đoàn thanh tra" (thực ra là đúng ý lãnh đạo Sở GD-ĐT Nghệ An) đây? Có thể tạm hiểu như thế này: anh dám "bắt chước thầy Khoa" (Đỗ Việt Khoa) ghi hình những cảnh nhốn nháo tiêu cực trong phòng thi, làm "mất điểm" của Sở, mất thể diện của lãnh đạo, thì Sở sẽ "nghiêm trị" anh. Nhưng nhờ có anh ghi hình mà Sở có bằng chứng báo cáo chống tiêu cực "quyết liệt" lên cấp trên, Sở sẽ xem xét để "giảm án" cho anh. Mức độ giảm án sẽ tùy thuộc vào thái độ "quy phục" của anh với lãnh đạo Sở, thông qua đoàn thanh tra Sở. Và có lẽ, Sở GD-ĐT Nghệ An chờ sự "phản tỉnh" của thầy Hoàng để lấy đó làm bằng chứng đặng sau này còn "răn đe" những ai trong ngành muốn trở thành "anh hùng chống tiêu cực thi cử". Hiểu như thế có gần với ý của Sở GD-ĐT Nghệ An không ạ?

Qua một vụ việc đã "xưa như… thi cử ở ta" như thế, mà kết luận của đoàn thanh tra một Sở GD-ĐT tỉnh lại như thế, xem ra, chuyện "nói không với tiêu cực trong thi cử" mà tân Bộ trưởng GD-ĐT phát động trong toàn ngành quả thật là cam go! Người ta sẽ chỉ "nói không" với những gì ít ra là không có hại trực tiếp đến mình, đến "chiếc ghế" của mình. Còn với những gì đe dọa trực tiếp đến quyền lợi (dĩ nhiên không chính đáng) của những người lãnh đạo các Sở GD-ĐT, thì câu trả lời cũng sẽ là: không! "Không" đây là "không biết không nghe không thấy" và nếu ai trong ngành có "tố" thì phải tìm cách "dập" ngay. Một đốm lửa nhỏ có thể lan thành đám cháy lớn, và phải rất dè chừng với những thầy cô giáo trung thực có lương tâm nghề nghiệp, vì chính họ vào một lúc bất ngờ nào đó sẽ nói lên những gì mà cấp trên trực tiếp của họ cố hết sức để che giấu. Chỉ có điều, qua những "kết luận" của hai đoàn thanh tra thuộc hai Sở GD-ĐT ở cách nhau rất xa là TP.HCM và Nghệ An, qua hai vụ việc tuy khác nhau về tính chất nhưng đều có chung hai chữ "tiêu cực", người ta chợt rùng mình: hình như ở đây có sự "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu" nào đó giữa những đoàn thanh tra của Sở GD-ĐT mà mục đích chính khi điều tra tiêu cực là tìm nhiều cách để... che chắn cho tiêu cực, thậm chí để răn đe những người dám "uống mật gấu" chống tiêu cực trong giáo dục. Với đa số những thầy cô giáo vốn hiền lành và ngại va chạm ở trong ngành giáo dục của ta, thì những "đòn răn đe" của lãnh đạo dù là trường hay Sở đều khiến họ phải sợ. Họ sợ là đúng, vì nhiều khi công việc của họ, miếng cơm manh áo của gia đình họ đặt tất cả vào hoạt động đứng lớp của họ. Chỉ cần "cắt" không cho họ đứng lớp, hay "thân ái phân công" cho họ làm những việc trái với chuyên môn là đã tác động ngay tới đời sống hằng ngày, thậm chí là danh dự của họ. Nhưng việc chống tiêu cực trong giáo dục nếu không được các thầy cô giáo nhiệt tâm hưởng ứng thì làm sao thành công?

Cái "kết luận hài hước" của đoàn thanh tra Sở GD-ĐT Nghệ An lại đặt trước chúng ta một câu hỏi cực kỳ nghiêm túc: làm thế nào việc chống tiêu cực trong ngành giáo dục mang lại thành công như tất cả những người lương thiện mong muốn?

T.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.