Pháp đối diện khủng hoảng xã hội

18/10/2010 00:03 GMT+7

Hàng trăm ngàn đến hàng triệu người Pháp sẽ tiếp tục biểu tình vào ngày mai, 19.10, đẩy nước này đến bên bờ một cuộc khủng hoảng mới.

Hôm 16.10, có từ 825.000 người (theo số liệu cảnh sát) đến gần 3 triệu người (số liệu của các nghiệp đoàn) xuống đường phản đối điều luật cải cách chế độ hưu trí của chính phủ. Nếu được ký thành luật, nhiều thay đổi sẽ dần được áp dụng để đến năm 2018, người Pháp sẽ phải đợi đến 62 tuổi mới được nghỉ hưu. Đây là lần biểu tình thứ 5 kể từ tháng 9. Ngày càng có nhiều ngành nghề hưởng ứng lời kêu gọi biểu tình, đình công của các nghiệp đoàn. Đặc biệt từ vài tuần qua, đều đặn 2 lần/tuần, hàng triệu người lại rục rịch hô khẩu hiệu, giương biểu ngữ trên toàn quốc. Những kẻ cơ hội và quá khích cũng gây ra một số vụ bạo lực khiến nhiều người bị thương và hơn 200 người bị bắt.

Mức độ ảnh hưởng của 5 cuộc biểu tình - đình công vừa qua đang dần đạt đến tầm mức của làn sóng biểu tình năm 1995 và 2006. Cả kế hoạch về cải cách hưu trí năm 1995 của Thủ tướng khi đó là Alain Juppé lẫn điều luật về hợp đồng lao động CPE dành cho giới trẻ năm 2006 của Thủ tướng Dominique de Villepin đều phải nhường bước trước “thế lực đường phố”. Những lần đó, Pháp gần như tê liệt vì giao thông công cộng đình trệ, các trường đại học bãi khóa nhiều tháng liên tiếp... Hiện các nghiệp đoàn đang hừng hực khí thế, nhất là sau khi được nhiều hội đoàn sinh viên, học sinh “tiếp lửa” trong những lần biểu tình gần đây. Đây là sự tăng cường lực lượng vô cùng quan trọng, vì sinh viên học sinh từng là hạt nhân trong “cơn bão” năm 2006 đã khiến tiền đồ chính trị của ông Villepin bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Dự luật cải cách chế độ hưu trí sẽ được Thượng viện bỏ phiếu vào ngày 20.10. Cuộc biểu tình, đình công toàn quốc ngày 19.10 vì vậy sẽ là trọng tâm hành động của các nghiệp đoàn. Tờ Le Monde dẫn lời Tổng thư ký Nghiệp đoàn CGT Bernard Thibault cho biết sẽ “dùng mọi cách” để “luôn vận động được lượng người tham gia đông đảo và lâu dài”. Như vậy, dù Thượng viện có thông qua dự luật này, người Pháp vẫn sẽ tiếp tục xuống đường. Năm 2006, điều luật CPE đã được Nghị viện thông qua, nhưng ông Villepin vẫn phải rút lại vì áp lực của cuộc khủng hoảng xã hội.

Đến nay, Tổng thống Nicolas Sarkozy vẫn tỏ ra rất cứng rắn trước yêu cầu “tạm hoãn áp dụng cải cách chế độ hưu trí để điều đình” của các nghiệp đoàn. Thăm dò gần đây của Viện Ipsos và báo Le Point cho thấy chỉ còn 31% người Pháp ủng hộ Tổng thống Sarkozy, tỷ lệ thấp nhất kể từ khi ông đắc cử năm 2007. Tuy nhiên, nếu thay đổi hoặc rút lại dự luật hưu trí, ông sẽ làm mất lòng tin của không ít cử tri thiên hữu. Chỉ còn 18 tháng nữa trước kỳ bầu cử tổng thống, ông Sarkozy đang ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Điều “may mắn” duy nhất của Tổng thống Pháp là đến nay, đảng Xã hội đối lập vẫn chưa lợi dụng được thời cơ để chiếm ưu thế.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.