Mỹ và Canada: Sinh viên kinh tế là "trùm" gian lận!

27/09/2006 20:13 GMT+7

Thế giới dự báo sẽ có nhiều gian thương thống trị vào thập kỷ tới bởi sinh viên kinh tế được đánh giá là vua tiểu xảo trong trường đại học. Một nghiên cứu trên quy mô lớn ở Mỹ và Canada đã làm sửng sốt dư luận bởi những con số thống kê tình trạng "chơi xấu" trong giảng đường của các nhà buôn tương lai.

Nhà nhà gian lận, người người gian lận!

Khảo sát được thực hiện trên 5.331 sinh viên tại 32 trường đại học Mỹ và Canada trưng ra một kết quả bất ngờ: 56% sinh viên ngành kinh tế thừa nhận mình đã từng gian lận ít nhất một lần trong năm học vừa qua, bao gồm 13 loại hình chơi xấu từ copy bài của bạn đồng môn trong các kỳ thi, giữa giờ kiểm tra đột xuất cho đến "sao y bản chính" các tài liệu từ internet và đóng dấu "tự làm". Không chỉ các nhà nghiên cứu ngạc nhiên trước con số hoành tráng này mà ngay cả những người trong cuộc cũng... tự ngỡ ngàng trước thành tích quá ấn tượng của mình: "Tôi thật sự bất ngờ. Dù biết tình trạng gian lận trong học đường hẳn phải có, nhưng với tỷ lệ cao như thế thì quả là hơi bị sốc!"- Wendy Jewell, một sinh viên kinh tế của đại học Richmond (Mỹ) đã thốt lên như thế khi đọc bảng kết quả cuộc điều tra.

Theo các "chuyên gia tiểu xảo", sinh viên gian lận là vì nghĩ rằng những người khác... cũng làm như vậy, tội gì mình không bắt chước! Từ lập luận đó, những bạn trẻ đã thanh thản phát triển sự nghiệp gian-lận-trong-học-đường của mình và cũng thanh thản thừa nhận chuyện đó là lẽ thường tình. "Đi học mà không copy mới là chuyện lạ!" - một doanh nhân tương lai đang theo học lớp Quản trị kinh doanh tại một trường đại học Mỹ tuyên bố xanh rờn, còn giáo sư Donald L.McCabe, đồng tác giả của cuộc khảo sát cũng thản nhiên nhận định: gian lận là một phần tất yếu của các trường kinh tế. Như vậy, hầu hết những người trong giới đều thừa nhận: phi gian lận bất thành... sinh viên kinh tế!


Các kiểu quay, cóp của SV Kinh tế trong giảng đường đại học
Nhưng đây chưa phải là kết luận cuối cùng. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết đáng sợ hơn nữa: 56% chỉ là con số trên giấy tờ. Các "gian thương" tương lai hẳn đã tự... "giảm giá" khi thú nhận hiện trạng này. Số liệu thực tế chắc chắn không dừng lại ở đó, chỉ có điều, những người trẻ học kinh doanh đang... trấn an khách hàng tương lai của họ bằng mức độ trung thực tương đối thế này thôi!

Nói đi thì phải nói lại, cuộc khảo sát cũng cho thấy sinh viên một số ngành "phi thương mại" cũng chỉ chịu thua kém chút đỉnh trong khoản mánh mung: dân cơ khí là những á quân tiểu xảo với 54% "khai" rằng mình có "lừa thầy dối bạn", đúng một nửa số sinh viên ngành vật lý từng chơi xấu trong thi cử còn dân y dược bám gót sít sao với 49%. Những người ít gian lận, đáng ngạc nhiên, lại là dân khoa học xã hội, những ngành vốn được xem là mồm mép, khó tin: sinh viên luật (45%), các ngành khoa học xã hội và nhân văn (39%). Tổng kết lại, chỉ có 47% sinh viên các ngành phi thương mại "làm ảo thuật" trong học đường, vẫn ít hơn nhiều so với những ông cử ngành kinh tế!

Gian lận trong học đường không có nghĩa là gian lận trong kinh doanh

Dù sao đi nữa, không thể lấy số liệu ghi nhận từ hai đất nước mà áp đặt và dự đoán cho giới trẻ toàn cầu. Nhưng càng không thể phủ nhận rằng, cuộc khảo sát rộng rãi trên được thực hiện tại hai quốc gia hùng mạnh về kinh tế, trong đó Hoa Kỳ không chỉ nắm thế độc tôn về kinh tế mà còn thu hút nhiều du học sinh nhất thế giới. Môi trường học tập năng động, nền giáo dục phát triển cao cùng nhiều thành tựu trong các lĩnh vực đã giúp Mỹ thống lĩnh thị trường du học. Và như vậy, số lượng sinh viên ngoại quốc chiếm tỷ lệ không hề nhỏ trong cuộc khảo sát ấn tượng này.


Một chiêu quay bài... hơi bị “độc”

Một điều đáng nói nữa, các nhà buôn u Mỹ vốn không "được tiếng" ma mãnh bằng những doanh nhân châu Á, nhất là dân Trung Quốc, bậc thầy kinh doanh và cũng là sư phụ trong khoản mánh mung. Chưa có cuộc khảo sát nào về tỷ lệ "làm ảo thuật" trong giảng đường kinh tế ở các nước châu Á, nhưng việc làm một phép ước tính không phải là chuyện khó!

Và dù sao đi nữa, gian lận trong học đường không có nghĩa là sẽ gian lận trong kinh doanh sau này- chưa tài liệu khoa học nào chứng minh điều đó. Nhưng cũng không thể cấm người ta thắc mắc: liệu những người đã "lách luật" một vài lần trong quá khứ có ngừng lách luật trong tương lai chăng? Chưa kể, thói quen không phải là một khái niệm dễ từ bỏ!

Theo các nhà nghiên cứu, sở dĩ sinh viên kinh tế tỏ ra ma mãnh và thường xuyên gian lận đủ kiểu bởi kinh doanh vốn dĩ đã là một môi trường đầy rẫy những trò tiểu xảo, mánh lới. "Thương trường như chiến trường", vì lẽ đó, hầu hết các sinh viên kinh tế cho rằng, gian lận chỉ là một cách... tập sự làm kinh doanh, và những “trò ảo thuật” hiện tại chỉ là món... khai vị cho bữa tiệc mà họ sửa soạn!

Tình hình thế giới là như vậy, còn giới sinh viên kinh tế nước mình thì sao nhỉ?

Đ.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.