Khám, chẩn đoán bệnh sớm sẽ được bảo hiểm y tế chi trả

06/10/2010 15:08 GMT+7

Đây là một phần của Luật bảo hiểm y tế đang được Bộ Y tế hoàn tất hướng dẫn, để thanh toán chi phí khám sàng lọc, chẩn đoán sớm bốn nhóm bệnh nhằm dự phòng, phát hiện bệnh sớm.

Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Tống Thị Song Hương cho biết:

- Dự kiến quỹ bảo hiểm y tế từ năm 2011 sẽ thanh toán chi phí khám, chẩn đoán, sàng lọc sớm bốn nhóm bệnh: ung thư (gồm ung thư tiền liệt tuyến, ung thư cổ tử cung, ung thư vú); nội tiết (sàng lọc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường); tim mạch (bệnh tăng huyết áp) và sàng lọc sơ sinh, trước sinh, bằng sàng lọc phát hiện sớm các chứng thiếu men G6PD (gây vàng da nặng và một số bệnh khác...), suy giáp trạng bẩm sinh, tăng sản thượng thận bẩm sinh và Down.

* Hiện tại khả năng đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ y tế còn yếu, bệnh viện thường xuyên quá tải với nhóm người đã và đang mắc bệnh. Nếu bảo hiểm y tế thanh toán chi phí sàng lọc, chẩn đoán bệnh sớm, khả năng đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ có quá tải?

- Làm đồng loạt nhiều bệnh chắc chắn sẽ khó, vì thế chúng tôi dự kiến làm theo từng nhóm bệnh.

Bệnh viện Chợ Rẫy khai trương hệ thống chẩn đoán sớm bệnh đột quỵ, ung thư

Ngày 5-10, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM đã tổ chức lễ khai trương hệ thống chẩn đoán hình ảnh thế hệ mới.

Hệ thống chẩn đoán hình ảnh này gồm hệ thống chụp mạch máu gắn sàn chuyên cho can thiệp tổng quát, hệ thống chụp mạch máu treo trần chuyên cho can thiệp tim mạch và hệ thống CT 64 lát cắt; giúp bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm các bệnh đột quỵ, ung thư, các bệnh lý về tim và mạch máu...

Tổng kinh phí mua sắm trang thiết bị là 50 tỉ đồng. T.Dương

Sau khi xem xét, chúng tôi cho rằng cần thiết nhất là triển khai chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Một phần lý do là VN đã có ba trung tâm chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở Hà Nội, Huế và TP.HCM.

Ngoài ra, nếu làm sớm thì có thể chẩn đoán, dự phòng dị tật cho trẻ, vì tỉ lệ trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh ở VN còn cao.

Một vấn đề nữa là có nên chỉ sàng lọc ở nhóm bà mẹ có nguy cơ sinh con dị tật cao hay không? Vì trước nay sách vở đều cho rằng mẹ trên 35 tuổi có nguy cơ sinh con bị bệnh Down cao hơn, nhưng thực tế thống kê thì mẹ dưới 35 tuổi cũng có thể sinh con bị Down...

* Như vậy, chúng ta vẫn chưa tiến hành chẩn đoán, sàng lọc sớm cho tất cả mọi người có thẻ bảo hiểm y tế có nhu cầu, như quy định của luật?

- Sàng lọc thì phải sàng lọc hết, không tính lứa tuổi. Nhưng khả năng đáp ứng nhu cầu của các cơ sở y tế hiện cũng khó khăn. Vì thế, trước hết là thanh toán chi phí sàng lọc bệnh cho nhóm tuổi có nguy cơ cao, ví dụ nữ giới nhóm tuổi nào, yếu tố nguy cơ nào hay bị ung thư vú, nam giới nhóm tuổi nào nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến.

Bộ Y tế cũng đang rà soát xem quy mô sàng lọc 1.000 người thì chi phí bao nhiêu, 2.000 người chi phí bao nhiêu, vì làm ồ ạt ngay sẽ không làm nổi.

* Về chi phí khám sàng lọc, chẩn đoán sớm, chi phí xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khá lớn. Từ năm 2006-2009, quỹ bảo hiểm y tế đều thu không bù chi. Nếu thực hiện chẩn đoán bệnh sớm với số lượng người có nhu cầu lớn, theo bà quỹ có chịu đựng nổi?

- Luật bảo hiểm y tế đã quy định thanh toán chi phí khám chẩn đoán, sàng lọc phát hiện sớm một số bệnh, quy định đã có là phải thực hiện, vì mục tiêu là quyền lợi của người bệnh.

Nếu cứ tính toán về khả năng bội chi quỹ, thực hiện không hiệu quả việc sàng lọc, phát hiện bệnh sớm, thì chi phí phải chi trả cho điều trị sau này còn cao hơn mà chất lượng sống, tuổi thọ của người dân lại bị ảnh hưởng.

Tất nhiên chi phí khám sàng lọc là lớn và các cơ quan liên quan sẽ cùng tính toán, nếu quỹ bảo hiểm y tế không đủ chi thì có thể người được khám sàng lọc chịu một phần chi phí kiểu cùng chi trả.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.