Áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa to

13/10/2008 23:53 GMT+7

* Miền Trung tập trung ứng phó mưa lũ Chiều qua, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cách bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Bình khoảng 140 km về phía đông, với sức gió mạnh cấp 6, cấp 7 (39 - 61 km/giờ), giật cấp 8, cấp 9. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư dự báo, trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây - tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km, ảnh hưởng trực tiếp đến vịnh Bắc Bộ và các tỉnh từ nam đồng bằng Bắc Bộ đến Quảng Bình.

 

Bản đồ dự báo hướng di chuyển của ATNĐ (Nguồn: Trung tâm dự báo KTTV T.Ư)

Đến 16 giờ ngày 14.10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 18,9 độ vĩ bắc; 106,0 độ kinh đông, trên vùng biển ven bờ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Trong 24 - 48 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng giữa tây - tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10 km và suy yếu dần thành vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 15.10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,9 độ vĩ bắc; 104,5 độ kinh đông, trên vùng biên giới Việt - Lào.

Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị và ven biển Bắc Bộ gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, có nơi cấp 7, giật cấp 8 và có mưa to đến rất to. Cần chủ động đề phòng lũ lớn trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Quảng Bình: Mưa to và rất to kéo dài kèm gió giật từ tối 12.10 đến ngày 13.10 trên toàn tỉnh khiến mực nước của tất cả các con sông dâng trên mức báo động I, có nơi xấp xỉ báo động II. Tại TP Đồng Hới, mưa gây ngập cục bộ từ 0,3 - 0,4m nhiều tuyến đường như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Hữu Cảnh, Hữu Nghị. Chiều 13.10, nước của 3 con sông lớn là sông Gianh tại Mai Hóa, sông Nhật Lệ và sông Kiến Giang đang lên mạnh, có khả năng xảy ra lũ trong đêm. Cơ quan chức năng đã phát công điện yêu cầu các địa phương thực hiện các phương án phòng tránh, kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi, tiếp tục gọi số tàu chưa vào bờ khẩn cấp tìm nơi trú ẩn và chuẩn bị cơ số lương thực thiết yếu.

Quảng Trị: Mưa to kéo dài trong 3 ngày qua làm tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Đakrông (Quảng Trị) đi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) sạt lở nghiêm trọng. Đặc biệt, đoạn chạy qua địa phận xã Húc Nghì (Đakrông), mưa lớn đã làm hàng trăm mét khối đất đá bị sạt lở tràn ra lòng đường,  gây trở ngại cho người và các phương tiện tham gia giao thông.

 

Sạt lở đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Húc Nghì - Ảnh: P.T.S

Thừa Thiên-Huế: Mưa lớn diễn ra suốt hai ngày đêm, với lượng mưa có nơi lên đến 137 mm làm mực nước các sông lên nhanh. Đến trưa 13.10, nước sông Hương đã vượt báo động I là 0,38 mét, toàn bộ cư dân vạn đò và thuyền du lịch đều ngược lên trên cầu Phú Xuân (cầu Mới) vào neo đậu ở các công viên bờ Bắc để tránh lũ; sông Bồ (trạm Phú Ốc) cũng đã vượt báo động II xấp xỉ 1 mét. Tuy nhiên, đến chiều qua mực nước sông Hương đã cầm chừng, lượng mưa đã dịch chuyển ra phía Bắc, làm mực nước sông Ô Lâu (trạm Phong Bình) nước lũ dâng cao gần 2 mét, xấp xỉ báo động III, gây ngập lụt một số vùng dân cư phía hạ lưu sông Ô Lâu.

Quảng Nam: Ngày 13.10, ngay khi lũ rút, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương và các ngành khẩn trương trích nguồn kinh phí dự phòng để sớm khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Huyện Bắc Trà My đã chuyển trước 70 tấn gạo hỗ trợ cho các xã, trong đó tập trung giải quyết nhanh các xã bị ảnh hưởng nặng là Trà Giang, Trà Bui, Trà Đốc. Huyện Núi Thành quyết định hỗ trợ mỗi nhà bị tốc mái 2 triệu đồng. Huyện Điện Bàn chi 300 triệu đồng hỗ trợ cho các địa phương sửa chữa và trang bị phương tiện thuyền máy, áo phao, phao cứu sinh... để sẵn sàng ứng cứu khi có lũ lụt xảy ra; bên cạnh đó, huyện cũng chuẩn bị hơn 100 tấn gạo cùng các nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ cho dân. Huyện Tây Giang cấp 110 tấn gạo cho dân 10 xã trên địa bàn và hỗ trợ 350 triệu đồng để các xã xây dựng nhà kho chứa lương thực và mua lúa dự trữ. Huyện Tiên Phước huy động lực lượng tại chỗ giúp sửa chữa lại nhà ở cho hơn 14 hộ gia đình bị sập nhà ở các xã Tiên An, Tiên Cảnh; đồng thời giúp 334 hộ dân đã di dời trở về nhà an toàn. Ngành giao thông cũng đã huy động hàng chục xe ủi, xe xúc giải phóng hơn 20 điểm sạt lở trên các tuyến giao thông miền núi. Đến chiều qua, các tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam, quốc lội 14E, 14D đã thông. Huyện Phước Sơn triển khai lực lượng và phương tiện tập trung san ủi, thu dọn những vị trí đường bị đất đá bồi lấp nhằm sớm khai thông đường lên 5 xã vùng cao. Riêng tuyến đường ĐT 616, tuyến độc đạo từ huyện Bắc Trà My lên huyện vùng cao Nam Trà My, mưa lớn đã làm sạt lở trên 10.000m3 đất đá, gây ách tắc giao thông từ ngày 11.10 đến nay được tập trung cao độ để khắc phục và đến 17 giờ chiều qua đã thông xe ô tô.

Đà Nẵng: Cuối chiều 13.10, Ban tác chiến BCH Biên phòng TP Đà Nẵng cho biết: hiện vẫn còn 145 tàu với 775 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, tại khu vực "nóng", chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp gần bờ đang có 19 tàu hoạt động nghề lưới cản, lưới vây với 172 lao động. Hiện ở Trường Sa vẫn còn 2 tàu/38 lao động, số tàu còn lại chủ yếu hoạt động ven bờ thuộc vùng biển Đà Nẵng - Huế. Được biết, ngay từ trưa 12.10, Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng đã có các phương án thông báo, hướng dẫn tàu thuyền tránh áp thấp nhiệt đới.   

M.V - T.Q.Nam - P.T.S - B.N.L - Hồ Trọng - V.P.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.