Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre: Những sai phạm kéo dài vì đâu?

14/09/2005 22:50 GMT+7

Những sai phạm xảy ra tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bến Tre trong thời gian qua khiến một số y - bác sĩ ở đây phải bức xúc. Không chỉ chuyện tắc trách gây tử vong cho bệnh nhân mà còn có những dấu hiệu khuất tất thông qua việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ dùng trong y tế - một lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của bệnh nhân.

Những cái chết vì tắc trách

9 giờ ngày 11/7/2005, chị Nguyễn Thị H.Th (28 tuổi, ngụ Vĩnh Hòa, Chợ Lách, Bến Tre) nhập viện khám, điều trị. Sau khi khám, các bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (BV NĐC) chẩn đoán chị Th. bị viêm a-mi-đan mãn, phải phẫu thuật cắt a-mi-đan với phương pháp gây mê. 10 giờ 35 ngày 12/7/2005, chị Th. bắt đầu được phẫu thuật nhưng đến 12 giờ 15 cùng ngày thì tử vong. Kết quả kiểm thảo đối với bệnh nhân tử vong của BV NĐC gửi cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bến Tre ngày 21/7/2005, kết luận: Bệnh nhân chết do máu ứ đọng trong họng sau khi rút ống nội khí quản.
 
Đây mới chỉ là nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp khiến chị Th. chết là sự tắc trách của các y - bác sĩ trực, tiến hành ca phẫu thuật này. Cụ thể là: Khi kíp gây mê thực hiện mê và đặt nội khí quản đường mũi, các kỹ thuật viên gây mê đã phát hiện có máu chảy từ mũi xuống họng nhưng không báo cho bác sĩ trực tiếp để dừng mổ, tìm nguyên nhân, xử lý. Rồi việc chỉ định người rút nội khí quản là một... điều dưỡng (trong khi nhiệm vụ này là của bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê). Đến lúc rút nội khí quản, không kiểm tra bằng đèn để xem có dịch và máu ứ đọng không. Khi rút nội khí quản thì không kiểm tra kỹ xem bệnh nhân đã thực sự tỉnh chưa (vì chưa tỉnh hẳn mà rút nội khí quản, bệnh nhân chưa có phản xạ nuốt, sẽ hít toàn bộ chất dịch tiết và máu ứ đọng ở hạ họng vào phổi dẫn đến suy hô hấp cấp và tử vong).

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Hoàng Việt, Giám đốc BV NĐC cho biết: "Về việc mua thiết bị phòng chống dịch SARS không rõ nguồn gốc, cũ - mới, nguyên do là vì bệnh viện thiếu kinh nghiệm trong mua bán các trang thiết bị này, trách nhiệm thuộc về Hội đồng tư vấn. Việc các bác sĩ sơ suất trong điều trị gây chết người, bệnh viện đã cho làm kiểm thảo tử vong gửi các cơ quan chức năng cấp trên đúng thời hạn và tất cả đều đã được xử lý, nếu vụ nào cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ đề nghị truy cứu (!?)".

Một trường hợp nữa cũng rất thương tâm: Bệnh nhân Nguyễn Thị S. (SN 1935) bị đau thắt ngực, đang điều trị thiếu máu cơ tim ở cơ sở y tế tư, được chuyển đến BV NĐC lúc 8 giờ ngày 25/7/2005 vì nghi nhồi máu cơ tim. Do thiếu cẩn trọng nên BV NĐC đã không chú ý đến vấn đề này mà chỉ ghi nhận trong bệnh án là đau hạ sườn phải. Dấu hiệu nhồi máu cơ tim ECG có từ ngày 25/7 nhưng bác sĩ lâm sàng không phát hiện, dẫn đến tử vong.

Mua y cụ, hóa chất giá cao làm thiệt hại ngân sách

Từ năm 2002, tại bệnh viện đã xuất hiện nhiều dư luận không tốt về việc có những khuất tất xảy ra trong khoa Dược BV NĐC trong giai đoạn 2002 - 2004 cùng những việc làm ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh nhân và lòng tin của các y bác sĩ khác. Theo kết luận thanh tra số 251/KL-TT của Thanh tra tỉnh Bến Tre ký ngày 25/7/2005, đã phát hiện những vấn đề sau:

Từ năm 2002 - 2004, dược sĩ Nguyễn Thị Trang - Phó khoa Dược, phụ trách cung tiêu - đã mua một số loại hóa chất, dụng cụ y tế không rõ nguồn gốc, không đúng nhãn hiệu, không đúng nước sản xuất, không đúng giá bán làm thiệt hại của Nhà nước tổng số tiền 117.767.200 đồng. Cần biết rằng, mỗi năm, nhu cầu của BV NĐC về y cụ, hóa chất rất lớn và cũng rất nhiều chủng loại với tổng giá trị y dụng cụ mua từ năm 2002 - 2004 là trên 17 tỉ đồng.  Theo chúng tôi được biết, một số loại máy móc thiết bị y tế của BV NĐC mua từ năm 2002 - 2004 là mua theo chào giá hoặc trình duyệt giá để mua trực tiếp, không qua đấu thầu. Cũng chính vì điều này mà một số vấn đề khác lại có môi trường "khách quan" để phát sinh. Ví dụ như, trong số máy móc thiết bị đã mua không qua đấu thầu, có số máy móc thiết bị mua vào đợt phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS). Đó là những loại máy có tính năng kỹ thuật cao, gồm 6 loại thiết bị, tổng giá trị 1.333.870.000 đồng. Trong hồ sơ mua máy thiếu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tờ khai hải quan và các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan nên không thể kiểm tra được xuất xứ và tính mới cũ của hàng hóa. Về giá cả, cũng không xác định được do đơn vị bán máy này cho BV NĐC đã... giải thể (!??).  Có quá nhiều dư luận trong bệnh viện về chất lượng sử dụng của các loại máy này, trên hết là dư luận về động cơ khiến những hiện tượng thiếu minh bạch trên tồn tại trong nhiều năm.

Điều tra của Hữu Phú - Thiếu Gia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.