Phát hiện nhiều sai phạm, lãng phí trong chi thường xuyên

21/10/2010 21:50 GMT+7

(TNO) Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (QH) về việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2010 vừa gửi các ĐBQH, nhiều Bộ, ngành, địa phương, công tác quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên vẫn còn bộc lộ những tồn tại; phân bổ và giao dự toán vượt định mức, chi tiêu vượt dự toán, sử dụng sai nguồn kinh phí, vượt tiêu chuẩn, chế độ quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban này, ông Phùng Quốc Hiển dẫn chứng: 9 tháng đầu năm 2010, thông qua kiểm soát chi 236.661 tỉ đồng chi thường xuyên, kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hiện 25.883 khoản chi của hơn 10.136 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng trình tự, thủ tục; từ chối thanh toán trên 160 tỉ đồng chưa đủ điều kiện chi theo quy định.

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính trên 14,7 nghìn tỉ đồng; ngành tài chính, rồi thanh tra Chính phủ cũng phát hiện và xử lý vi phạm tài chính hàng nghìn tỉ đồng…

Cũng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, tình trạng sử dụng số vượt thu, nguồn dự phòng, chi tạm ứng, cho vay sai đối tượng, sai chế độ, chi vượt dự toán lớn, vượt chế độ định mức, nhất là số chi chuyển nguồn ngân sách lớn, tiếp tục tăng và diễn ra trong nhiều năm vẫn chậm được khắc phục, là sự lãng phí đối với ngân sách Nhà nước.

Báo cáo thẩm tra cũng nhấn mạnh đến tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển. “Tình trạng chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản, chất lượng của nhà thầu, chất lượng chuẩn bị đầu tư thấp, khảo sát lập thiết kế không đúng quy định diễn ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương, các dự án đầu tư phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lớn và điều chỉnh nhiều lần (hầu hết các công trình vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đều phải điều chỉnh tổng mức đầu tư; tổng mức đầu tư từ nguồn vốn TPCP giai đoạn 2003 - 2010 đã tăng so với ban đầu khoảng 31.000 tỉ đồng)”, ông Hiển than phiền.
 
Ngoài những yếu kém về quản lý tài sản ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước như đã đề cập ở các báo cáo liên quan trước đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng chỉ rõ những bất cập, lãng phí, mặt trái trong việc tổ chức lễ hội và cho rằng “nhiều nơi chi phí cho lễ hội đã gây tốn kém, lãng phí lớn cho cả xã hội và ngân sách Nhà nước, nhưng hiệu quả đem lại không cao”.
 
Để chấn chỉnh tình trạng chi tiêu lãng phí, Ủy ban này kiến nghị tăng cường hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH đối với việc chấp hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời đề nghị Chính phủ cần kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân làm tốt và phê bình, kỷ luật nghiêm đơn vị, cá nhân sai phạm, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản, ngân sách Nhà nước.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.