Chữa đau dạ dày theo cổ truyền

06/10/2008 23:31 GMT+7

Đau dạ dày là triệu chứng của khá nhiều bệnh chứng ở dạ dày - dạ dày tá tràng viêm loét, dạ dày sa, ung thư dạ dày, rối loạn thần kinh chi phối dạ dày...

Hay cáu giận cũng dễ sinh bệnh

Thường người bệnh sẽ có triệu chứng đau bụng vùng thượng vị - cơn đau không dữ dội, có cảm giác đau nóng rát; có cảm giác nặng bụng, trướng bụng sau bữa ăn; ợ hơi hay ợ chua; khi khám ấn ở vùng thượng vị thấy tức, gõ vùng thượng vị thấy đau...

Theo y học cổ truyền, đau dạ dày thuộc phạm vi "Vị quản thống". Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh là do ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn sống, lạnh, cay, béo (những thức ăn này làm nê trệ, sinh thấp nhiệt, tổn thương tỳ vị, làm cơ chế thăng giáng của tỳ vị mất điều hòa, khí huyết vận hành không thông dẫn tới khí trệ huyết ứ); dùng nhiều rượu, hút nhiều thuốc lá. Ngoài ra, những người có tình chí không thoải mái, hay cáu giận cũng sẽ ảnh hưởng đến chức năng sơ tiết can, can khí uất kết, xâm phạm vị, dẫn tới can vị bất hòa, hoặc vị khí nghịch lên; người lao động mệt mỏi quá độ ảnh hưởng đến công năng vận hóa của tỳ vị, công năng thăng giáng mất điều hòa mà sinh bệnh.

Những bài thuốc

Y học cổ truyền chia đau dạ dày làm nhiều thể khác nhau, mỗi thể có các triệu chứng và cách điều trị khác nhau. Chẳng hạn, nếu do "can khí phạm vị" - bụng trên đầy trướng, vùng thượng vị đau xuyên ra hai bên hông, ợ hơi, ợ chua, táo bón.., phép trị là dùng bài thuốc "Sài hồ sơ can tán", gồm: sài hồ, chỉ xác, hương phụ, xuyên khung (mỗi thứ 8g), bạch thược 12g, chích thảo 4g. Sắc ngày uống 1 thang, cho vào 750 ml nấu với lửa nhỏ, nấu còn 300 ml nước thuốc, chia làm 3 lần dùng trong ngày.

 
Vị thuốc chích thảo - Ảnh: Khánh Vy

Nếu do tỳ vị hư hàn - đau âm ỉ, ói ra nước trong, tay chân lạnh, đại tiện lỏng, lưỡi nhạt..., phép trị bằng cách dùng bài "Hoàng ký kiến trung thang", gồm các vị thuốc: quế chi 12g, mộc hương 4g, thược dược 24g, đại táo 2 trái, hoàng kỳ 24g, bào khương 8g, chích thảo 4g. Cách sắc (nấu) cũng như trên. Khi nấu xong, cho ít mạch nha vào, quấy đều rồi dùng. Nếu đau dạ dày do ăn uống không điều độ - vùng thượng vị đau, ợ ra mùi thức ăn, hay nôn ói (ói được thì đỡ đau), thì dùng bài "Bảo hòa hoàn", gồm: sơn tra 240g, lục khúc 80g, bán hạ 120g, thái phục tử 120g, trần bì 40g, phục linh 40g, liên kiều 80g, đem tán thành bột, làm thành viên hoàn, ngày uống 12-24g.

Nếu do ứ huyết ngưng trệ - biểu hiện: đau vùng thượng vị, đau một điểm không di chuyển, đau như kim đâm, ấn vào đau, có khi ói ra máu, cầu phân đen, thì dùng bài "Cách hạ trục ứ thang gia giảm", gồm các vị: huyền hồ 4g, ô dược, đơn bì, xích thược (đều 8g), ngũ linh chi, đương quy, xuyên khung, cam thảo, đào nhân, hồng hoa (đều 12g), hương phụ, chỉ xác (đều 6g). Sắc uống ngày 1 thang, cách nấu như trên.

Nếu do vị âm bất túc - đau dạ dày lâu ngày, đau liên miên, phiền nhiệt, đói mà không ăn được, miệng và họng khô, ít nước miếng, thì phép trị là "Dưỡng âm, ích vị", dùng bài "Nhân sâm ô mai thang", gồm: nhân sâm 8g, cam thảo (chích) 6g, liên tử (sao) 10g, mộc qua 10g, ô mai 10g, sơn dược 12g. Nấu uống như trên.

Nếu do hàn thương vị dương - dạ dày đột nhiên đau, đau như dùi đâm, đau phát sốt hoặc đau xuyên lên ngực, sườn, hông, đầu và cơ thể đau, ớn lạnh, phát sốt... thì dùng bài thuốc gồm các vị: quế chi (bỏ vỏ) 6g, bán hạ 10g, hoàng cầm 6g, thược dược 6g, nhân sâm 6g, sài hồ 16g, chích thảo 4g, đại táo 6 trái, sinh khương 6g. Sắc uống ngày 1 thang như trên.

Để phòng bệnh, cần dùng thức ăn dễ tiêu hóa, tránh thức ăn quá nóng, quá lạnh và một số thuốc có hại cho dạ dày, hạn chế rượu, thuốc lá, chữa triệt để bệnh mãn tính ở khoang miệng và họng, và giữ trạng thái tinh thần vui vẻ...

Lương y HOÀI VŨ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.