Cánh đồng triệu phú

19/10/2009 16:47 GMT+7

Ở tỉnh Trà Vinh có cánh đồng lúa năng suất cao đến 9 tấn/ha/vụ của bà con Khmer. Mô hình đang được nhiều nơi đến học tập.

Đổi đời nhờ lúa

Ấp Cầu Tre, xã Phú Cần (Tiểu Cần, Trà Vinh) có 473 hộ dân với 2.336 nhân khẩu, 98 phần trăm là đồng bào Khmer. Ông Thạch Kiên, trưởng ấp Cầu Tre cho biết, ấp có 345 ha chuyên canh cây lúa, trước đây nghèo nhất xã với tỷ lệ hộ nghèo trên 20 phần trăm.

Từ năm 2007, sản xuất lúa áp dụng khoa học kỹ thuật đã làm nên thay đổi lớn. Chỉ sau hai năm, ấp gần như “lột xác”, số hộ nghèo giảm một nửa, ấp có thêm gần 40 căn nhà tường khang trang giá hàng chục triệu đồng/căn.

“Nhiều nơi bảo ấp chúng tôi có cánh đồng triệu phú, dân ấp rất tự hào. Trước đây không ai tin có thể làm giàu từ cây lúa như bây giờ”, ông Kiên hồ hởi.

Trước năm 2007, năng suất lúa bình quân ở ấp chỉ khoảng 3,5 - 4 tấn/ha. Việc sản xuất lúa theo tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng trên diện tích 110 ha của 126 hộ, lập tức năng suất tăng gấp đôi, cá biệt gấp ba. Vụ đầu, có 117 hộ đạt năng suất 7 - 8 tấn/ha. Chín hộ đạt năng suất 9 - 9,5 tấn/ha, một con số trong mơ với nông dân.

Ông Thạch Sanh, một trong số chín hộ dân đạt năng suất cao nhất, nói: “Thu hoạch rồi mà cứ tưởng nằm mơ. Ông Thạch Sanh có 0,5 ha lúa trước đây năng suất khoảng 3 tấn/ha, không đủ ăn.

Năm 2000, ông vay ngân hàng 10 triệu đồng để sản xuất, mãi không trả được nợ. Ông đang tính bán đất thì mô hình sản xuất mới được đưa về ấp, năng suất tăng vọt trên 9 tấn.

Chỉ sau hai năm, ông trả được món nợ lưu cữu và xây căn nhà mấy chục triệu đồng đầy đủ tiện nghi. Dù vẫn còn nợ một ít tiền cất nhà, nhưng ông cười “muốn làm nhà đẹp thì phải nợ chút đỉnh, sẽ nhanh chóng trả nợ thôi”.

Ông trưởng ấp Thạch Kiên cho biết thêm, trong ấp bây giờ, nhiều hộ sắm điện thoại di động để “alô” nhau đi mần ruộng. Ông Trần Hồng có 4,6 ha trồng lúa, nhờ năng suất ba vụ đều ổn định trên 9 tấn/ha/vụ nên sau khi trừ chi phí gia đình ông lãi khoảng 140 triệu đồng/năm.

Bốn nhà ra đồng

Ông Thái Khuôn, Bí thư chi bộ ấp Cầu Tre cho rằng, trồng lúa năng suất cao là nhờ “bốn nhà cùng ra đồng” gồm: nhà nông, doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học. Không mới mẻ nhưng có hiệu quả vì làm thật, không hô hào suông, mọi người tham gia tích cực, lăn lộn trên đồng ruộng.

Đất ruộng của ấp Cầu Tre cao, trước năm 2007 chưa có kênh mương thủy lợi kiên cố nên canh tác gần như nhờ trời. Chương trình 135 của Chính phủ đã đầu tư tám tỷ đồng xây dựng kênh bê tông dài 1,7 km và tám nhánh dài 9,3 km phục vụ tưới tiêu cho 110 ha.

Có được cơ sở thuận lợi đó, Cty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang (Cty BVTV) bắt đầu triển khai chương trình cung ứng giống lúa, thuốc trừ sâu cho nông dân và thanh toán vào cuối vụ. Đặc biệt là Cty đưa cán bộ kỹ thuật xuống ăn ở, làm việc cùng nông dân.

Kỹ sư Lê Văn Xiêm, cán bộ kỹ thuật của Cty BVTV, người gắn bó với nông dân ở ấp Cầu Tre đã sáu vụ lúa cho biết: Việc chuyển giao kỹ thuật tiến hành trên đồng ruộng với phương thức “cầm tay chỉ việc” cho nông dân. Cán bộ cùng nông dân xuống ruộng mỗi ngày từ khâu làm đất, gieo sạ cho đến khi thu hoạch.

“Chuyển giao kỹ thuật là phải cụ thể, kiên trì, không thể đơn giản làm vài buổi tập huấn trên hội trường”, anh Xiêm tâm sự.

Việc thay đổi tập quán canh tác truyền thống lạc hậu của bà con đồng bào Khmer, đòi hỏi nhiều công sức. Nông dân ấp Cầu Tre thường dùng lúa thịt làm giống và gieo sạ dày đến 300 kg/ha nên năng suất thấp. Cty phải tặng lúa giống cho bà con trong vụ đầu tiền, giảm giá 50 phần trăm vụ thứ hai.

Sau thời gian thuyết phục, các hộ mới đồng ý sử dụng giống lúa của Cty và áp dụng phương pháp gieo sạ hàng với lượng lúa giống giảm còn 120 kg/ha. Sau mỗi khâu làm đất, gieo sạ, bón phân… cán bộ khoa học và nông dân phải họp rút kinh nghiệm. Những cuộc họp như thế, nông dân thắc mắc về kỹ thuật, cán bộ phải giải thích rõ.

“Lúc đầu giải thích mãi mà dân chưa hiểu cũng hơi nản nhưng nghĩ mình quyết tâm bám ruộng là giúp nông dân nên vừa nói vừa làm, bà con liền nghe theo”, kỹ sư Xiêm cho biết.

Với mỗi công đoạn phát triển của cây lúa, cán bộ đưa nông dân đến ruộng giải thích theo khoa học. Mỗi khi lúa “đổ bệnh” cũng phải dắt tay nông dân chỉ rõ đó là bệnh gì, nhận biết và chữa trị như thế nào.

Kỹ sư Xiêm hồ hởi “làm riết rồi quen, thấy mình như thầy giáo, bỗng thích ở ruộng hơn ở trong văn phòng”.

Ông Trần Na Kha Ry, chủ hộ đạt năng suất cao hàng nhất ấp Cầu Tre, có khi đến 9,5 tấn/ha/vụ, thổ lộ: “Nhờ làm theo nhà khoa học, nông dân tiết kiệm được 40 phần trăm chi phí mà năng suất lại cao gấp đôi, gấp ba. Lời nhiều ngay ở đó”.

Ông cho biết, bây giờ chỉ cần liếc cây lúa của mình là dân ấp biết có bệnh gì hay không và chữa ra sao. Các thao tác kỹ thuật, lý thuyết khoa học trước đây xa xôi, nay dân thuộc vanh vách. Giữa các hộ trong và ngoài mô hình đã có thể tự chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhau, thật sự làm chủ đồng ruộng”.

Dân ấp Cầu Tre đang phấn khởi đón tin tỉnh lập dự án đầu tư 15 tỷ đồng xây hệ thống kênh tưới tiêu cho toàn bộ 345 ha để mở rộng “cánh đồng triệu phú”. Nông dân nhiều nơi đến ấp Cầu Tre học tập thì đã dập dìu.

Theo Kiến Giang / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.