Dạy con... ngày Tết

20/01/2004 13:37 GMT+7

Thời buổi bây giờ, con trai hay con gái đều như nhau. Vì vậy xưa lắm rồi chuyện con trai đi tới đi lui, chỉ tay năm ngón. Tranh thủ dịp tết, các bậc cha mẹ vừa làm vừa dạy con cũng là điều bình thường, nhưng xem ra lại thấm hơn so với ngày thường.

Chung sức việc nhà

Gia đình anh Ngọc Tấn có bốn người con, ba gái và một trai nhưng so ra vị trí của anh con trai chẳng nhỉnh hơn các chị em gái của mình tí nào vì mỗi lần trong nhà chuẩn bị đón tết, anh Tấn không để ai “ngoài vùng phủ sóng".

Con gái thì phụ mẹ giặt giũ chăn màn, làm dưa kiệu, còn anh và con trai thay phiên nhau sơn lại mấy cánh cửa, quét vôi trong nhà, dọn dẹp các chậu kiểng cho tươm tất. "Gia đình tôi không phải khó khăn đến nỗi không mướn được thợ nhưng tôi muốn cha con tự làm vì như vậy cháu nó mới biết quý công sức chung của cả gia đình".

Tết còn là dịp để “răn đe” con cái một cách nhẹ nhàng và hiệu quả nhất vì tận dụng không khí vui vẻ, đoàn tụ để chia sẻ công việc không những vừa vui vẻ mà còn khiến các thành viên hiểu nhau hơn.

Ðã được cha mẹ dạy dỗ từ những ngày còn học cấp 1, Xuân Mai (19 tuổi) luôn tự hào về mọi người, về truyền thống của gia đình mình. Vào những ngày cận tết, ngôi nhà của Mai không ngớt tiếng cười vì các anh em cùng nhau dọn dẹp và kể chuyện ngày xửa ngày xưa nghe hoài không hết.

Bố của Mai mặc dù rất cưng hai cậu con trai nhưng vào dịp này ông cũng tranh thủ nhắc nhở về mối quan hệ bạn bè cũng như chuyện học hành của các con. Thì ra những điều ngày thường mấy đứa con nghe như tra tấn thì hôm nay bỗng trở nên nhẹ nhàng. Mai lý giải "tự dưng không khí tết làm mình cảm thấy lớn hẳn lên".

Trong cuộc điều tra bỏ túi, các chàng trai mới lớn đều thừa nhận “lâu lâu giúp mẹ một tay cũng hay hay”. Chính vì thế, Minh (20 tuổi) năm nào cũng lẽo đẽo theo mẹ để học làm nội trợ. Có lẽ xuất phát từ lời “tâm sự” của ba, Minh đã nhận ra rằng: làm chủ một công ty lớn như ba còn xắn tay áo vào bếp phụ mẹ thì lẽ nào Minh không làm được điều đó.

Minh bảo rằng, nhờ có những phút giây ngồi lại bên nhau như thế, Minh mới được nghe ba mẹ kể lại chuyện ngày xưa khi mẹ và ba yêu nhau cũng như ba sẽ làm "quân sư tình yêu" cho Minh như một người bạn. Nhân dịp này, mẹ Minh tranh thủ kiểm điểm những điều chưa được của cậu con trai và Minh sẵn sàng xin lỗi cha mẹ vì những sai phạm đó.

Xem ra, tổng kết cuối năm bằng cách chung sức làm những công việc đơn giản trong gia đình đã mang lại bầu không khí vô cùng ấm cúng. Ðôi khi chỉ là những câu dạy dỗ hết sức bình thường nhưng rõ ràng khi được "xuất chiêu" trong mấy ngày tết bỗng trở nên vô cùng quý báu.

Lời dạy cũ mà không xưa

Là cháu đích tôn của một đại gia đình, Tuấn Bình chẳng bao giờ đụng tay vào chuyện nhà nhưng không hiểu sao mỗi lần đến tết, anh chàng lại rất hứng thú trong việc chưng mâm quả trên bàn thờ. Thì ra, mỗi lần như thế, bà nội lại nhỏ to tâm sự và khuyên dạy Bình rất nhiều điều liên quan đến cuộc sống, ba mẹ cũng không gay gắt như ngày thường. Cảm giác khi được giao nhiệm vụ lau chùi bàn thờ tổ tiên đã khiến Bình yêu mến gia đình của mình nhiều hơn.

Xuất phát từ quan điểm “phải biết tranh thủ thời cơ”, nên vào những ngày tết, anh Hữu Lộc thường tổ chức sum họp gia đình bên mâm cơm và những chai bia. Trong không khí thoải mái vui vẻ trong mấy ngày tết, những bạn trẻ không cảm thấy khó chịu khi vừa nhâm nhi bánh mứt, cụng ly hào hứng với đại gia đình vừa nghe người lớn "giáo huấn".

Có lẽ lời dạy quý báu nhất mà các bậc cha mẹ không bao giờ quên đó là nhớ ơn tổ tiên, vì thế mừng tuổi ông bà trong ngày tết đã trở thành một phong tục vô cùng ý nghĩa của tất cả mọi gia đình. Việc làm ấy vừa ý nghĩa vừa là cách nhắc nhở con cháu phải nhớ ơn và quan tâm đến ông bà khi tuổi về già.

Tấn Vinh (21 tuổi) cho biết năm nào, ba mẹ Vinh cũng dẫn cả nhà về quê thăm ông bà để chị em Vinh giúp ông bà dọn dẹp nhà cửa rồi cùng nhau mừng tuổi, lì xì cho nhau.

Cũng giống như Vinh, mặc dù đã ngoài 30 tuổi nhưng đối với Ngọc Hà tiền lì xì của ông bà ngoại chính là món quà mà cô mong nhận được trong những ngày tết. Và cũng chính vì vậy, anh em Hà luôn theo ba mẹ đến chúc tết ông bà vào sáng mùng một.

"Những điều ấy đôi khi rất bình thường, cứ ngỡ là xưa lắm nhưng với bọn trẻ chúng tôi mỗi khi cầm phong bao đỏ từ tay ông bà cùng với lời chúc "vui vẻ, mạnh khoẻ, phát tài nghe tụi con" mình thấy xúc động vô cùng", Hà nói.

Theo các bạn trẻ, số tiền lì xì từ ông bà, cha mẹ "lượng" chẳng có là bao nhưng "chất" thì rất có ý nghĩa nên cái phong bao đo đỏ đó thường chẳng bao giờ xài đến mà được cất kỹ.

Người ta vẫn thường quan niệm “mấy ngày tết cứ để bọn trẻ vui chơi cho đã" thế nhưng vui chơi làm sao để đừng mất đi ý nghĩa của ba ngày tết cũng được các bậc phụ huynh hết sức quan tâm.

Không muốn la rầy con cái trong ngày tết nhưng không thể phớt lờ cho chúng muốn làm gì làm nên anh Thành đã phân công lịch tiếp khách cho hai đứa con mình. Cô con gái lớn phải ở nhà phụ mẹ làm cơm đãi khách rồi mới được đi chơi. Cậu con trai nếu có khách đến chơi cũng phải biết pha trà và mang bánh mứt ra mời. Còn gia đình anh Trí cũng đã thống nhất: tết không được vắng mặt trong các bữa cơm thường ngày.

Có lẽ, tất cả những gì mà các bậc phụ huynh "trổ tài" trong ngày tết cũng đều mong muốn cả nhà sẽ có được một mùa năm mới tươi vui, lành mạnh và suôn sẻ.

C.T
(Theo TTVN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.