Máu hiếm: cho đi và nhận về - Kỳ 3: Ngân hàng máu hiếm

18/10/2009 11:41 GMT+7

Thành lập năm 2001, đến nay các thành viên trong Câu lạc bộ Máu hiếm TP.HCM đã hiến tặng gần 100 lít máu, cứu trên 600 bệnh nhân.

Ngày đầu thành lập chỉ với 12 thành viên nhưng đến nay câu lạc bộ đã thu hút được 288 người có máu hiếm tham gia, câu lạc bộ được ví như một “ngân hàng máu sống” quý hiếm và thu hút đủ mọi tầng lớp tham gia. Họ làm đủ việc trong xã hội, song tất cả đều có một điểm chung là lòng nhân ái, luôn sẵn sàng lấy máu mình để tặng người.

Cho đi hơn 92 lít máu

Bác sĩ Phạm Văn Quân, phó giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, chủ nhiệm Câu lạc bộ Máu hiếm, cho biết từ năm 2001 đến nay câu lạc bộ đã cung cấp 368 đơn vị máu hiếm cho các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. Nếu tính ra cứ một đơn vị máu bằng 250ml thì từ ngày thành lập đến nay, các thành viên trong câu lạc bộ đã hiến trên 92 lít máu cho các bệnh nhân.

Chỉ trong một buổi sáng làm việc với chúng tôi, bác sĩ Quân liên tục nhận được ba cuộc điện thoại cùng bản fax của các bệnh viện Từ Dũ, 115 và Nhi Đồng xin được hỗ trợ bảy đơn vị máu hiếm các loại. Bác sĩ Quân bật máy vi tính, dò danh sách và nhấc điện thoại gọi một số thành viên trong câu lạc bộ đến ứng cứu, cho máu. Sau khi alô hơn chục cuộc điện thoại, bác sĩ Quân xoa tay: “May quá, có đủ người cho máu các bệnh nhân rồi!”.

“Tỉ lệ người có máu hiếm cực kỳ thấp, chỉ khoảng 0,04%, có nghĩa trong khoảng 10.000 người chỉ bốn người có máu hiếm. Do đó, khi những bệnh nhân có máu hiếm cần truyền máu luôn gặp khó khăn rất lớn trong việc tìm nguồn máu tương ứng. Đã có nhiều bệnh nhân có máu hiếm do không tìm được nhóm máu tương thích để truyền phải chết oan uổng. Từ những yêu cầu thực tế, chúng tôi quyết định thành lập câu lạc bộ” - bác sĩ Quân nói về sự ra đời của câu lạc bộ cách nay chín năm. “Đây là một việc làm đầy tính nhân văn, góp phần giải quyết rất nhiều khó khăn về tình trạng hiếm máu hiếm tại các bệnh viện hiện nay” - bác sĩ Quân nói.

Theo ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Máu hiếm, mọi người mang trong mình nhóm máu hiếm đều có thể tình nguyện tham gia câu lạc bộ. Theo quy định chung, mỗi lần hiến máu hiếm cũng như máu thường, người hiến máu nhân đạo được tặng một phần quà gồm hai hộp sữa, một vỉ thuốc bổ máu với tổng giá trị khoảng 50.000đ, cộng thêm tiền xe đi về 20.000đ, 15.000đ tiền ăn bồi dưỡng cùng một giấy chứng nhận hiến máu.

Bảo vệ nguồn máu hiếm sạch

Vẫn biết hiến máu cứu người là việc làm từ thiện, tự nguyện từ trong tâm mỗi người. Thế nhưng như bác sĩ Quân chia sẻ, nhiều khi câu lạc bộ gặp không ít khó khăn khi vận động các thành viên đến hiến máu, vì hầu hết thành viên tích cực tham gia hiến máu lại là người có gia cảnh khá khó khăn, phải tất bật lao động, lo cho cuộc sống của mình.

Hiện nay Câu lạc bộ Máu hiếm TP.HCM có tổng cộng 288 thành viên. Trong đó có 127 người có nhóm máu O (Rh-), 92 người nhóm máu B (Rh-), nhóm máu A (Rh-) có 47 người và nhóm AB (Rh-) có 22 người.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 6-2009, thông qua Câu lạc bộ Máu hiếm, Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM đã tiếp nhận được 72,5 đơn vị máu hiếm các loại. Trong đó tỉ lệ máu sạch đạt 94%, không có máu bệnh. Lượng máu này đã cứu giúp 45 bệnh nhân của các bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ, Nhân Dân 115, Thống Nhất, Chấn thương chỉnh hình, Viện Tim...

“Tất cả anh chị khi tham gia Câu lạc bộ Máu hiếm chẳng hề quan tâm mình nhận về cái gì. Các anh chị đầy nhiệt tâm, cho đi như không. Thế nhưng theo tôi, cần có sự khích lệ cho những người làm việc thiện nhiều hơn. Như chế độ hỗ trợ người hiến máu nhân đạo, đặc biệt là những người có máu hiếm, đang quá thấp, cần phải được xem lại, điều chỉnh” - anh Trương Minh Hiệp, một trong những thành viên Câu lạc bộ Máu hiếm, nói.

Chúng tôi đã gặp rất nhiều thành viên Câu lạc bộ Máu hiếm và hiểu gia cảnh của họ khó khăn như thế nào. Như chị Huỳnh Thị Xuân Trang từng phải trăn trở: “Mình ăn uống thiếu chất như thế này không biết còn đủ sức khỏe để tiếp tục hiến máu không nữa!?”.

Chúng tôi tới thăm chị Trang ngay lúc gia đình chuẩn bị bữa cơm tối. Trong căn phòng trọ chật chội, mâm cơm được dọn ra. Vợ chồng chị Trang cùng hai đứa con quây quần bên mâm cơm chỉ với độc đĩa rau muống và chén cá sặt, cá rô kho mặn cong. Nhìn bốn dáng người gầy còm của gia đình chị Trang ăn cơm, chúng tôi không khỏi nhói lòng khi nghĩ đến cảnh mỗi lần chị tự nguyện hiến máu để cứu người. Không biết chị còn đủ sức làm từ thiện bao lâu nữa khi mà mâm cơm gia đình hằng ngày chỉ với “bốn mùa rong ruổi chốn rau dưa”.

Cũng như chị Trang, anh Phong, chị Dung, còn nhiều thành viên khác nữa trong Câu lạc bộ Máu hiếm đang có cuộc sống khá khó khăn. Tất cả đều không mong nhận về những gì, họ chỉ ước mơ có cuộc sống ổn định để được làm việc thiện nhiều hơn. Bác sĩ Quân chia sẻ: “Chúng tôi chỉ có thể động viên họ cố gắng. Ban chủ nhiệm cũng đang tiến hành làm thẻ, huy hiệu cho các thành viên, kêu gọi một số anh chị có hoàn cảnh khó khăn đi chích ngừa, mua bảo hiểm y tế rồi mang hóa đơn đến trung tâm sẽ thanh toán lại toàn bộ chi phí. Đó cũng là cách bảo vệ nguồn máu hiếm sạch”.

Anh Lâm Văn Vinh, thành viên của Câu lạc bộ Máu hiếm, cũng chia sẻ việc chích ngừa cho anh em trong nhóm là hết sức cần thiết. Có chích ngừa anh em mới không bị mắc các bệnh thông thường, giữ gìn và luôn sẵn có nguồn máu sạch để cung cấp cho bệnh nhân. Hiện nay có nhiều anh chị trong câu lạc bộ phải chật vật kiếm sống, không có đủ tiền đi chích ngừa hoặc mua bảo hiểm y tế”.

Những người có nhóm máu hiếm đã cho đi những giọt máu quý hiếm của chính bản thân, những giọt máu ấy đã đem lại sự sống cho biết bao người. Và những người có máu hiếm làm việc thiện nhưng lại có cuộc sống khá khó khăn cũng đang rất cần những tấm lòng chia sẻ cùng họ.

Theo NGUYỄN ĐỨC TUYÊN/Tuổi Trẻ

---------------------

Số báo tới, mời bạn đọc theo dõi nhật ký của một người mang máu hiếm đã có ba năm trải qua bệnh ung thư máu: “Thông báo của bác sĩ như giúp mình thoát khỏi gánh lo sợ: đã có nguồn máu tương thích cho mình!”.

Kỳ tới:  Nhật ký về “thiên thần không tên”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.