Có hay không lệ làng của các "quan phường" ở Hà Nội ?

25/09/2006 23:27 GMT+7

Đã có nhiều thông tin về một số lãnh đạo của UBND P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ, Hà Nội từ nhiều năm nay đã áp dụng một thứ "luật riêng" trong việc quản lý đất đai, đo đạc cấp sổ đỏ và xây dựng ở địa bàn này.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân cụm 2, 3, 4 P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ bức xúc phản ánh: "Ở phường này từ nhiều năm nay đã tồn tại một thứ luật  phục vụ riêng cho các "quan phường", luật riêng này thể hiện rất rõ trong việc "bảo kê" cho những xây dựng không phép và trái phép trên địa bàn phường. Nếu chủ nhà chịu khó lót tay cho đội trật tự xây dựng và "quan phường" là sẽ được các sếp làm ngơ cho xây thoải mái. Còn nếu không thì dù có xây một ngôi nhà tạm, diện tích có 10m2 cũng bị mấy "quan phường" tới hỏi thăm và điều ngay một đội trật tự tới phá dỡ".

Một số người dân còn cho biết thêm: "Ở Phú Thượng, một số hộ có nhu cầu xây dựng nhà ở mà không có giấy phép xây dựng thì phải nộp cho "quan phường" từ 3-5 triệu đồng; những hộ xây dựng trên đất canh tác thì phải nộp từ 30-50 triệu đồng. Ví dụ như gia đình ông C., gia đình bà N. ở xóm 4 mỗi hộ phải nộp 30 triệu đồng. Ngoài ra, những người dân có nhu cầu mua, bán đất đều phải qua tay "quan phường chặt đẹp" bên mua, bên bán từ 2-3% tổng trị giá đất mua bán. Việc đo tách sổ đỏ cũng phải nộp cho "quan phường" từ 7-10 triệu đồng/sổ". Gần đây nhất, ngày 26.8, ông Phan Trung Lượng ở tổ 16, cụm 2, Phú Thượng đã tố cáo lên UBND quận Tây Hồ việc ông Nguyễn Văn Hiển là "quan địa chính phường" đã bắt ông Lượng phải chi 15 triệu đồng để làm "lộ phí" đo đạc mảnh đất ông định bán. Vụ việc này đang được cơ quan công an điều tra làm rõ. Người dân còn phản ánh, không riêng gì gia đình ông Lượng, nhiều hộ xin cấp sổ đỏ, hoặc xin hợp thức đất vườn liền kề cũng phải nộp hàng chục triệu đồng cho "quan phường".

Để dẫn chứng việc bảo kê cho xây dựng nhà không phép nói trên, một số người dân đã dẫn chúng tôi đi dọc đê Phú Thượng nhận mặt một số ngôi nhà cao tầng tọa lạc ngay sát đê. Điều nghiêm trọng là chỉ trong khoảng 500m chiều dài đê (ở khu vực xóm 7, Phú Gia) đã có tới 2 tòa nhà 5 tầng đồ sộ kiên cố vừa mới hoàn thiện (diện tích hơn 200m2 mỗi nhà) nằm ngay sát cơ đê. Một người dân Phú Thượng cho rằng: "Chủ các nhà cao tầng nói trên từ năm 2003 đã mua lại phần đất canh tác nông nghiệp trên hành lang bảo vệ đê rồi sau đó tiến hành xây cất các tòa nhà này với sự "bật đèn xanh" của một số quan phường" (!?).

Theo người dân địa phương, phần lớn các thửa đất nằm sát đê Phú Gia, Phú Thượng đều là đất nông nghiệp và chưa được hợp thức hóa thành đất thổ cư. Đặc biệt, đoạn đê sông Hồng ở khu vực kè Phú Gia được thành phố xác định là công trình xung yếu của hệ thống đê bảo vệ Hà Nội. Vậy một câu hỏi đặt ra là cơ quan chức năng nào và cấp chính quyền nào đã cấp phép xây dựng nhà cao tầng trên đất nông nghiệp nằm ngay sát cơ đê Phú Gia xung yếu thuộc P.Phú Thượng, Q.Tây Hồ? Dư luận kiến nghị các cơ quan chức năng của TP Hà Nội và quận Tây Hồ cần làm rõ các vụ việc gây bức xúc trong quản lý đất đai và xây dựng nói trên.

Nhóm PV Điều tra

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.