Mủ trôm uống mát?

19/10/2009 17:03 GMT+7

* Nghe nói mủ trôm uống mát, có tác dụng trị táo bón rất tốt? Xin cho biết cách uống như thế nào? (Toansa...)

Mủ trôm hay nhựa trôm là chất tiết được thu hoạch từ vỏ thân cây trôm, tên khoa học là Sterculia foetida, họ Sterculiaceae. Cây trôm phân bố rất nhiều ở các nước nhiệt đới như Ấn Độ, Úc, Pakistan, Panama, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Senegal, Sudan và Việt Nam.

Nhựa trôm là một hợp chất polysaccharide cao phân tử, khi thủy phân sẽ cho ra các đường D-galactose, L-rhamnose và acid D-galacturonic, một vài chất chuyển hóa acetylat và trimethylamin. Nhựa trôm còn chứa khoảng 37% uronic acid, nhiều khoáng tố như calcium và muối magnesium. Khi ngâm trong nước lạnh với tỉ lệ thấp (4-5%) nhựa trôm sẽ trở thành dạng keo. Nhờ tính dính nên nhựa trôm thường được dùng làm chất để kết dính trong ngành dược và kỹ nghệ.

Về mặt y học, nhựa trôm hút nước mạnh nên có tác dụng làm trương nở và gây kích thích nhu động ruột, nhờ đó phân được đẩy ra dễ dàng. Vì vậy nhựa trôm được xem là thuốc nhuận tràng, dùng điều trị chứng táo bón. Nhựa trôm còn có tác dụng điều hòa đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc gan, giúp mau lành vết thương... Trong ngành dược, nhựa trôm được sử dụng với vai trò chất kết dính, nhũ hóa và bảo quản rất tốt.

Nhựa trôm được xem là thuốc, vì vậy khi dùng cần chú ý liều lượng. Không có chỉ dẫn cụ thể cho từng đối tượng mà tùy thuộc các yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, bệnh lý hoặc cơ địa của từng người. Nếu sử dụng bừa bãi nhựa trôm như một thức uống giải khát thì rất nguy hiểm.

Điều quan trọng là phải tìm mua loại nhựa trôm có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn hiệu và trên nhãn có hướng dẫn cách dùng cụ thể, tránh các loại giả mạo có thể gây nguy hiểm cho tính mạng. Tốt nhất nên theo sự hướng dẫn của thầy thuốc hoặc các chuyên viên y tế khi sử dụng. Vì nhựa trôm hòa tan và trương nở trong nước, nên nếu không đủ nước để trương nở, nó sẽ gây tắc ruột có thể dẫn đến tử vong.

Không sử dụng nhựa trôm trong các trường hợp:

- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

- Người có khối u trong ruột.

- Đang uống thuốc chữa bệnh. Vì nhựa trôm có độ nhớt cao nên sẽ làm tăng nồng độ hấp thu của thuốc vào máu nếu uống nhựa trôm cùng lúc với một loại thuốc chữa bệnh nào đó. Để ngăn ngừa hiện tượng tương tác này, tốt nhất nên uống nhựa trôm ít nhất một giờ sau khi uống thuốc.

DS Lê Kim Phụng

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.