Con người Việt Nam trong nhân loại: Tuổi thọ và học vấn vượt trên thu nhập

19/09/2005 00:16 GMT+7

Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam đạt được kết quả đáng khích lệ trên nhiều mặt. Theo Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), HDI của Việt Nam đã gia tăng liên tục và nhanh qua các năm.

Năm 1985 mới đạt 0,582, năm 1990 đạt 0,603, năm 1995 đạt 0,646, năm 2000 đạt 0,682, năm 2001 đạt 0,686, năm 2002 đạt 0,691, năm 2003 - theo công bố năm 2005 mới đây của UNDP - đã đạt 0,704. Việt Nam đã đạt và chắc chắn sẽ vượt mục tiêu 0,7 - 0,75 do Chính phủ đề ra cho năm 2010 trong chiến lược phát triển dân số 2001 - 2010.

Xếp hạng HDI của Việt Nam trong các nước và vùng lãnh thổ cũng liên tục tăng lên... Từ năm 1995 đến năm 2003, trong khu vực Đông Nam Á đã tăng từ thứ 7 lên thứ 6 (vượt qua Indonesia); ở châu Á đã tăng từ thứ 32 lên 28, trên thế giới đã tăng từ thứ 122 lên 108 trong tổng số 177 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh. Năm 2003 đã tăng 4 bậc so với năm 2002, mức tăng cao nhất trong khu vực.

HDI của Việt Nam cao hơn mức trung bình 0,694 của các nước đang phát triển.
Xếp hạng của Việt Nam về HDI đã cao hơn xếp hạng về GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương. Trong khu vực Đông Nam Á là thứ 6 so với thứ 7; ở châu Á là thứ 32 so với thứ 36; trên thế giới là thứ 108 so với 134.

Về GDP, Việt Nam đứng dưới 17 nước, nhưng về HDI Việt Nam lại đứng trên các nước này, như Bôlivia, Honduras, Nicaragua, Gabon, Moroco, Swaziland, Namia, Papua New Guinea, Lestho, Egypi, Guatemala, Equatorial Guinea, Indonesia, Ấn Độ, South Africa, Vanuatu...

Chính vì thế, Việt Nam đã được quốc tế đánh giá cao, được coi là một ví dụ thành công tiêu biểu cho nhóm các nước đang phát triển về khả năng tương tác cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển con người. Điều đó chứng tỏ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã hướng vào sự phát triển con người - vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của tăng trưởng kinh tế, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở nước ta.

HDI được cấu thành bởi 3 chỉ số: chỉ số GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương, chỉ số tuổi thọ và chỉ số giáo dục.

GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương của Việt Nam đã tăng liên tục qua các năm: năm 1995 mới đạt 1.236 USD, năm 1998 đạt 1.689 USD, năm 1999 đạt 1.860 USD, năm 2000 đạt 1.996 USD, năm 2001 đạt 2.100 USD, năm 2002 đạt 2.300 USD, năm 2003 đạt khoảng 2.493 USD, năm 2004 đạt khoảng 2.644 USD và ước năm 2005 đạt khoảng 2.800 USD (nếu GDP tăng 8% và dân số tăng 1,4%). Chỉ số GDP bình quân đầu người PPP đạt 0,54, thấp hơn nhiều HDI.

Tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh của Việt Nam tăng khá qua các năm: năm 1995 đạt 65,2, năm 1996 đạt 65,5, năm 1997 đạt 66, năm 1998 đạt 66,4, năm 1999 đạt 67,4, năm 2000 đạt 67,8, năm 2001 đạt 68,6, năm 2002 đạt 69, năm 2003 đạt 70,5, về đích trước 2 năm so với mục tiêu do Đại hội IX đề ra cho năm 2005. Chỉ số tuổi thọ bình quân của Việt Nam đạt 0,76, cao gấp trên 1,4 lần chỉ số GDP bình quân đầu người và cao hơn HDI, cao hơn mức của thế giới, của các nước đang phát triển và tương đương của các nước châu Á - Thái Bình Dương... Tuổi thọ bình quân tăng và hiện đạt ở mức khá cao là kết quả của việc tăng lên của GDP bình quân đầu người, của công tác y tế và chăm sóc sức khỏe được cải thiện và thu được thành tựu đáng khích lệ các tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, tỷ lệ chết trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ lệ chết trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ sơ sinh dưới 2.500 gram, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, tỷ lệ xã có bác sĩ đã vượt mục tiêu đề ra cho năm 2005, thậm chí 2010; đã thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, thanh toán bệnh phong...

Chỉ số giáo dục của Việt Nam đạt được sự vượt trội về 2 mặt. Một mặt, chỉ số này đạt 0,82, cao nhất trong 3 chỉ số và cao hơn chỉ số HDI; chính nó đã kéo chỉ số HDI lên. Mặt khác, chỉ số giáo dục của Việt Nam cao hơn nhiều nước có chỉ số HDI đứng trên và cao hơn chỉ số giáo dục của những nước có chỉ số GDP bình quân cao hơn nước ta. Đạt được kết quả trên là do tỷ lệ người lớn biết chữ đạt 90,3%, cao hơn nhiều nước; tỷ lệ đi học các cấp của Việt Nam đạt 64%, cao hơn mức trung bình 63% của các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, xung quanh HDI của Việt Nam mấy điểm cần lưu ý:

Thứ bậc HDI của nước ta trên thế giới, ở châu Á và trong khu vực vẫn còn ở mức thấp. HDI của Việt Nam còn thấp hơn mức trung bình 0,741 của thế giới, mức 0,768 của các nước châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn mức trung bình 0,716 của các nước phát triển con người trung bình. Một trong những yếu tố làm cho HDI của Việt Nam còn ở mức thấp là do chỉ số GDP bình quân đầu người còn quá thấp; đó chính là điều cần được quan tâm bởi nó là tiền đề để thực hiện chăm sóc sức khỏe và nâng cao chỉ số giáo dục. Hơn nữa, thứ bậc HDI của Việt Nam tăng lên cũng chủ yếu là nhờ sự tăng lên của chỉ số GDP bình quân đầu người và vì vậy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế để sớm đưa nước ta ra khỏi nước kém phát triển được coi là mục tiêu hàng đầu. Ngay công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cũng còn nhiều hạn chế, bởi nhiều mục tiêu như số giường bệnh, số cơ sở y tế, số cán bộ y tế... tính trên 1 vạn dân tăng chậm, có loại, có năm còn bị giảm; sản xuất thuốc trong nước mấy năm bị giảm; việc quản lý giá thuốc còn yếu kém nên giá thuốc mấy năm nay tăng cao hơn nhiều so với giá tiêu dùng; việc xã hội hóa y tế còn chậm; chậm khắc phục sự phân biệt đối xử trong khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế với khám, chữa bệnh có nộp phí dịch vụ, dẫn đến nhiều hiện tượng tiêu cực trái với y đức. Chỉ số giáo dục cao, nhưng chủ yếu là xét trên số lượng (tỷ lệ biết chữ...), trong khi chất lượng giáo dục từ phổ thông đến đại học còn thấp, chạỵ theo số lượng nhiều hơn là chất lượng...

Cũng cần lưu ý là nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã nhầm lẫn: HDI (và các chỉ số thành phần) là báo cáo công bố năm 2005 nhưng là số liệu của năm 2003, chứ không phải là số liệu năm 2005.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.