Highland Cafe dưới chân Cột cờ Hà Nội

21/09/2005 21:22 GMT+7

Thêm một Highland Cafe tại Hà Nội không phải chuyện lạ. Nhưng thêm một quán cà phê ngay dưới chân Cột cờ Hà Nội, một di tích lịch sử vẫn được coi là biểu tượng của thủ đô thì thực sự là chuyện đáng bàn đối với đông đảo người dân.

Quán cà phê Highland mới mở khoảng 1 tháng nay, tọa lạc trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, ngay dưới chân Kỳ đài Hà Nội, ở mặt tiền đường Điện Biên Phủ (vốn nằm trong "top" những đường phố đẹp nhất thủ đô). Vị trí đẹp khiến lượng khách khá đông, 40 chiếc bàn nhỏ trên diện tích khoảng 650m2 khuôn viên Kỳ đài vào buổi tối luôn chật kín. Nếu không tính đến chuyện nằm ngay dưới chân Cột cờ thì đây là một quán khá đẹp và lịch sự. Tuy nhiên, vào buổi tối, một số khách uống cà phê có thể vòng ra phía sau để lên Kỳ đài chơi, vài người còn ra xem các hiện vật trưng bày ngoài trời nằm trong khuôn viên phía trong của bảo tàng, thỉnh thoảng mới có nhân viên bảo vệ mặc thường phục ra nhắc nhở. Một người dân bức xúc: "Hình ảnh đập vào mắt khiên cưỡng quá. Quán dù đẹp, dù thương hiệu nổi tiếng đến mấy thì cũng không chấp nhận được vì đây là địa điểm văn hóa, lịch sử rất nhạy cảm".

Đại tá Lê Mã Lương, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết: "Tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử quân đội "hút" khách rất đông với khoảng 50-60 vạn lượt người một năm, trong đó có đến 15-20 vạn lượt du khách ngoại quốc. Nhu cầu về một địa điểm nghỉ ngơi, giải khát là khá lớn, đặc biệt là với du khách nước ngoài. Từ 13 năm nay, ở đúng vị trí chân Kỳ đài này, có 3 ki-ốt bán đồ giải khát, đồ lưu niệm nhưng chúng nhỏ và quá xập xệ, cả về vệ sinh và thẩm mỹ đều không đảm bảo. Ý kiến của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng là phải cải tạo lại khuôn viên này mà không làm ảnh hưởng đến cảnh quan là Cột cờ Hà Nội. Ban giám đốc đã nêu ra một số phương án cải tạo, như biến thành nơi trưng bày một số hiện vật lịch sử ngoài trời nhưng phương án này không hợp lý vì tuy là 650m2 nhưng nếu bày thì chỉ được 1-2 hiện vật, lại quá xa với phần trưng bày hiện vật ngoài trời phía sân bên trong của bảo tàng nên sẽ dễ trở nên lẻ loi, phân tán. Phương án cải tạo thành vườn hoa, ghế đá cũng không được chấp nhận vì sẽ phải phá toàn bộ gạch đỏ lát nền của khuôn viên, tức là không giữ được hiện trạng di tích. Phương án mở quán cà phê được Tổng cục chấp nhận với các quy định chặt chẽ về diện tích, quy mô, kiến trúc, chiều cao xây dựng của quầy bar cũng như loại nhạc và âm lượng, thậm chí cả đồng phục của nhân viên... Đặc biệt quán phải cách tường thành ngoài cùng của chân Kỳ đài 3 mét. Còn về giá cả của quán, làm sao mình có thể chi phối được? Nếu đúng là có những vi phạm như Thanh Niên phản ánh là nhạc quá to, loại nhạc không hợp lý, chúng tôi sẽ kịp thời kiểm điểm và quản lý quán chặt hơn nữa".

Ông Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội thẳng thắn: "Tôi từng uống cà phê, trực tiếp quan sát tại đây nhiều lần. Quan điểm của tôi là quán nằm tại vị trí này không hợp lý. Thứ nhất, quán nằm quá sát chân Kỳ đài, giữa quán và di tích không hề có hàng rào ngăn cách nên việc bảo vệ cho Kỳ đài khó đảm bảo. Thứ hai, trong khoảng thời gian từ 8 giờ 30 - 9 giờ 30 sáng ngày 14/9, tôi đếm được khoảng 30 lượt khách vào quán, tất cả đều là khách từ phía đường Điện Biên Phủ vào chứ không phải du khách tham quan bảo tàng và chỉ có một khách ngoại quốc. Như vậy, lý do mở quán để phục vụ du khách, đặc biệt là du khách ngoại quốc, tôi e là không thỏa đáng. Kỳ đài là chốn linh thiêng, quán cà phê mọc lên ở đây bất hợp lý. Nên trả lại diện tích thông thoáng cho chân Kỳ đài".

Một nhà nghiên cứu lịch sử (không muốn nêu tên) lại có ý kiến dung hòa: "Một quán cà phê nằm trong khuôn viên bảo tàng để phục vụ du khách là cần thiết. Trước đó, khu vực này cũng có quán hàng nhưng xấu xí, lúi xùi thì có ai để ý đâu. Nay sửa sang lại cho đàng hoàng, sạch sẽ và đẹp hơn cũng là điều bình thường, là giải pháp tạm thời, chấp nhận được trong thời điểm này bởi nó còn tránh được tình trạng du khách xả rác bừa bãi, mất vệ sinh và thẩm mỹ như trước kia. Còn nói là có vi phạm điều này điều kia hay không thì nên nhìn nhận trong thực tiễn các phương án, giải pháp tổng thể dành cho khu di tích thành cổ vì Cột cờ cũng thuộc phạm vi thành cổ. Còn một, hai năm nữa khi Bảo tàng Lịch sử chuyển đi, Cột cờ thuộc về Ban Quản lý di tích thành cổ thì phải có phương án tốt hơn cho diện tích khuôn viên văn hóa, lịch sử này".

Phạm Ngọc - Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.