Nhắc tuồng - Nghề đang ăn nên làm ra

05/09/2005 17:03 GMT+7

Những tưởng nghề nhắc tuồng chỉ tồn tại nhất thời, không ngờ nghề này vẫn đang tồn tại và phát triển. Không chỉ tồn tại trên sân khấu cải lương như lâu nay mà còn phát triển sang cả trên trường quay điện ảnh truyền hình.

Phu quân ơi, thiếp muôn dặm đường xa tìm gặp chàng những mong ngày tao ngộ bên nhau”... hát xàng xê lớp dựng... “vậy mà sao chàng vẫn đi biền biệt, bỏ thiếp mồ côi mòn mỏi một mình”...

Nếu bạn thâm nhập vào hậu trường sân khấu lúc các nghệ sĩ đang biểu diễn, nhất là diễn khai trương, lúc đó bạn sẽ thấy sự náo nhiệt của nghề nhắc tuồng. Bên trong hai cánh gà, những người nhắc tuồng rướn hơi để nhắc, người diễn bên ngoài sân khấu cố lắng tai nghe lời thoại của mình. Thỉnh thoảng lại thấy người nhắc tuồng núp sau cảnh trí cầm chiếc đèn pin nhỏ xíu để rọi vào kịch bản đọc như húp cháo nóng. Cứ thế, trong các suất diễn đầu tiên, người quan trọng nhất đêm diễn luôn là người... nhắc tuồng.

Chạy sô không kém gì diễn viên

Anh Thành Nhân - nhắc tuồng cho đoàn 2, Nhà hát Trần Hữu Trang

Nghề nhắc tuồng có từ bao giờ? Theo một số nghệ sĩ tiền bối, từ năm 1960, khi bà bầu Kim Chưởng cần một thư ký ghi chép những sửa đổi của vở diễn trên sàn tập, lúc đó mỗi vở diễn mới đã có một người thư ký được gọi tắt là nhắc tuồng. Đến năm 1972, khi phim kiếm hiệp Đài Loan, Hồng Kông xâm chiếm các rạp hát, một số đoàn cải lương muốn tồn tại đã phải “ăn theo phim kiếm hiệp”, như: Cô gái Đồ Long, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Đêm lạnh chùa hoang... Vào thời điểm đó, với tốc độ ra mắt tuồng mới chóng mặt, các đoàn cải lương muốn tồn tại phải cạnh tranh sản xuất kịch bản. Nghệ sĩ quá tải vai diễn đến mức không học nổi kịch bản, cho nên có đoàn hát cần từ 2 đến 4 người nhắc tuồng cho đào kép chánh. Đây được xem là giai đoạn sân khấu chấp nhận người nhắc tuồng để giải quyết vấn đề tình thế. Nhưng lâu ngày đã thành thói quen, nghề nhắc tuồng cứ thế được các sân khấu trọng dụng. Những tưởng nghề nhắc tuồng chỉ tồn tại nhất thời, không ngờ nghề này vẫn sống và phát triển cho đến hôm nay. Không chỉ tồn tại trên sân khấu cải lương, nghề nhắc tuồng còn sống được ở lãnh vực truyền hình và cả điện ảnh.

Tuần qua, chị Ngọc Bích, người nhắc tuồng chuyên nghiệp cho Đoàn 2 Nhà hát Trần Hữu Trang, đã nộp đơn xin nghỉ việc. Chị nói: “Có quá nhiều sô đụng nhau, khiến chị không sắp xếp được thời gian”. Chị cho biết mình đã tập ngày, tập đêm cho live show Nghệ sĩ Phượng Mai - Những vai diễn ấn tượng, nhưng gần đến ngày diễn thì nhận tin Đoàn 2 sẽ lên đường lưu diễn tỉnh. Thân này không thể xẻ làm đôi, đành phải nhờ một đồng nghiệp cứu bồ. Tương tự, anh Thành Nhân đã gắn bó với nghề nhắc tuồng 3 năm, có lúc anh đụng sô. Mới đây, anh phải nhờ chị Ngọc Bích nhắc giùm vở Tứ tử đậu tân khoa tại Trung tâm Văn hóa Bình Thạnh, còn anh thì bám trụ với vở Giấc mộng đêm xuân tại rạp Hưng Đạo. Nhắc đến đội quân nhắc tuồng hiện nay, có thể nói họ là những “nghệ sĩ” giấu mình sau thành công của mỗi suất diễn. Đời sống thu nhập của họ ổn định nhờ thu nhập được nâng lên theo sô diễn.

Mỗi suất nhắc tuồng cho sân khấu cải lương vào buổi tối, trung bình họ được trả thu nhập 150.000 đồng/người. Ban ngày, nếu không tập tuồng, đội quân nhắc tuồng có mặt khắp nơi trên các trường quay vidéo hài kịch, cải lương. Trung bình thu nhập của họ từ 200.000 đến 400.000 đồng/người/ngày.

Diễn viên điện ảnh cũng cần nhắc tuồng

Không dừng lại ở đó, những người nhắc tuồng còn lấn sân sang cả địa hạt điện ảnh. Thành Nhân đã từng được nghệ sĩ Kim Tiểu Long mời nhắc tuồng cho anh khi quay bộ phim Hướng nghiệp (phần 1) với thù lao khoán 3 triệu đồng/tháng. Thành Nhân cho biết: “Sở dĩ Kim Tiểu Long phải nhờ đến tôi vì thời gian đó anh đụng sô liên tục. Vừa quay phim, vừa phải tập vở Tô Hiến Thành xử án để VTV 3 truyền hình trực tiếp trong chương trình Nhà hát truyền hình, chưa kể phải tập vở Rồng phượng chuẩn bị tham dự Hội diễn Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc”.

Một số chuyên gia nhắc tuồng cho biết, từ sô của Thành Nhân, hiện nay nghề nhắc tuồng đã có mặt ở các hãng phim, vì một số diễn viên ngôi sao không thể nào học kịp kịch bản theo công nghệ quay phim thu tiếng trực tiếp. Anh Minh Kháng, chuyên gia nhắc tuồng ở các hãng vidéo hài, cho biết: “Với tốc độ 2 ngày quay một tập phim, các ngôi sao không tài nào học thuộc, nên nghề nhắc tuồng cũng ăn nên làm ra từ công nghệ này. Có điều, nhắc tuồng cho điện ảnh rất cực, vì phải bám trường quay cả ngày lẫn đêm”.

Thanh Hiệp
(Báo Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.