“Co kéo” tiết học vì... phân ban ?

30/09/2007 21:59 GMT+7

Hà Nội cũng không tránh khỏi những bất cập trong việc phân bổ số tiết học như thế nào cho hợp lý để vừa đảm bảo được chương trình học, vừa đảm bảo được chất lượng đào tạo của từng trường.

Theo thầy Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều: "Nhìn chung về tổng thể các môn thì số tiết quy định theo phân bổ của Bộ GD-ĐT là hợp lý. Tuy nhiên, về cơ cấu chương trình giữa ban Khoa học tự nhiên (KHTN) và ban Cơ bản (CB) có sự chênh nhau khá nhiều về số tiết học ở chương trình tự chọn. Chương trình tự chọn của ban KHTN chỉ có 1 tiết rưỡi/tuần, trong khi chương trình tự chọn của ban CB có tới 4 tiết/tuần. Chỉ cần so sánh số tiết học giữa chương trình tự chọn của 2 ban KHTN và ban CB, có thể hiểu được vì sao học sinh lại chọn ban CB, và vì sao ban KHTN sẽ có nguy cơ bị "khai tử" như ban KHXH". 

Một trong những trường có chất lượng đầu vào cao nhất nhì Hà Nội là trường THPT Kim Liên cũng phải "kêu" chương trình phân ban lớp 10, ban KHTN... quá nặng trong khi số tiết lại quá ít. Một số giáo viên cho biết, có những môn như môn Vật lý có nhiều chương nhưng lại chỉ có 1 tiết bài tập nên giáo viên phải kéo dài thêm tiết để học sinh nắm được bài giảng. Lãnh đạo nhà trường phải mời chuyên gia đến tư vấn, xây dựng số tiết học để đảm bảo chất lượng giảng dạy... 

Ông Huỳnh Văn Hoa - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, các trường tại Đà Nẵng chỉ tiến hành tăng tiết học ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp cuối cấp, nhưng việc tăng tiết để bồi dưỡng thêm cho học sinh phải dựa trên sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, chứ không tiến hành đại trà và thiếu nhất quán. Và lịch trình học tập của Đà Nẵng từ khai giảng, nghỉ tết, nghỉ hè đều đã hoàn tất, đảm bảo hoàn thiện chương trình học cho học sinh đúng thời hạn. Duy chỉ có lớp 11 là tăng thêm 3 tiết học nghề ngoài thời khóa biểu chính, trái với những buổi học chính khóa.

Diệu Hiền

Ngay từ khi Bộ GD-ĐT chủ trương tiến hành phân ban đại trà, trường THPT dân lập Lương Thế Vinh chỉ chọn một ban duy nhất trong toàn trường là ban CB. Do chỉ có một ban nên trường THPT dân lập Lương Thế Vinh chủ động được nguồn giáo viên, và trường này cũng không gặp tình cảnh phải "co kéo" tiết học. Thầy Đặng Đình Đại khen trường THPT dân lập Lương Thế Vinh có cách lựa chọn "khôn ngoan", bởi có một thực tế là rất nhiều trường công lập gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên. Do cả ban KHTN và ban CB cùng có các môn Toán, Lý, Hóa, nên nhu cầu về nguồn giáo viên những môn này trở nên khan hiếm, trong khi các môn khác lại thừa giáo viên. Một vấn đề nữa là do chương trình tự chọn của 2 ban lại quá chênh nhau về số tiết, nên việc phân bổ số tiết dạy của giáo viên ở cả hai chương trình tự chọn sao cho hợp lý cũng là một bài toán nan giải.

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.