Những vấn đề cần quan tâm khi xuất khẩu vào Mỹ

19/09/2006 11:15 GMT+7

Mỹ là thị trường có hệ thống luật pháp khá đa dạng, mỗi tiểu bang mỗi khác, do đó các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần tìm hiểu kỹ trước khi xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ. Luật sư Lê Công Định, Công ty DC Lawyers, đã đưa ra một số vấn đề cần quan tâm để DN Việt Nam tham khảo.

Luật Thuế quan và Hải quan: Hệ thống thuế quan của Mỹ là Biểu Thuế quan hài hòa (Harmonized Tariff Schedule - HTS). Hầu hết các loại thuế quan của Mỹ đánh theo tỷ lệ trên giá trị, tức là mức thuế được xác định bằng một tỷ lệ phần trăm trên giá trị hàng nhập khẩu (NK).

Hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ đều có chế độ buôn bán “Tối huệ quốc” (MFN). Hàng hóa của các nước thuộc diện đối xử tối huệ quốc sẽ chịu các mức thuế như nhau khi vào Mỹ.

Hiện nay, Mỹ dành chế độ MFN cho tất cả các thành viên của WTO và hầu hết các quốc gia khác. Các nước muốn được hưởng MFN phải đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản: Tuân thủ các điều khoản Jackson-Vanik của Luật Thương mại Mỹ năm 1974, trong đó yêu cầu Tổng thống phải xác nhận quốc gia đó không từ chối, ngăn cản quyền hoặc cơ hội công dân nước đó được di cư; đã ký Hiệp định Thương mại song phương với Mỹ.

Mỹ dành một ưu đãi thuế quan đặc biệt đối với hàng hóa NK có những bộ phận được sản xuất tại Mỹ. Theo thỏa thuận này, thuế chỉ đánh vào phần giá trị gia tăng ở nước ngoài của sản phẩm, không đánh thuế đối với những phần được sản xuất ở Mỹ. Thỏa thuận này được gọi là “Hợp đồng phân chia sản phẩm”. Luật Hải quan của Mỹ quy định, xuất xứ của sản phẩm phải được giải trình rõ ràng và trung thực.

Luật Bồi thường thương mại: Luật áp dụng với hàng NK, có hai luật phổ biến là Luật Chống trợ giá (CVD) và Luật Chống phá giá (AD). Luật Chống trợ giá (CVD) quy định một khoản bồi thường dưới dạng thuế NK phụ thu, để bù vào phần trợ giá của sản phẩm đó ở Mỹ đã gây thiệt hại cho nhà sản xuất hàng hóa giống hoặc tương tự của Mỹ. Luật Chống phá giá (AD) được sử dụng rộng rãi hơn luật chống trợ giá. Thuế chống phá giá được ấn định vào hàng NK khi Mỹ xác định được hàng nước ngoài bán phá giá hoặc sẽ bán phá giá với giá thấp hơn giá trị thông thường.

Người sản xuất và người bán hàng phải chịu trách nhiệm khi sản phẩm do mình sản xuất hoặc bán ra kém chất lượng, gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của người sử dụng. Nhà sản xuất có thể không phải chịu toàn bộ hoặc một phần trách nhiệm đối với sản phẩm mình sản xuất gây ra cho người tiêu dùng trong trường hợp: một phần thiệt hại do người tiêu dùng gây ra hoặc người tiêu dùng chấp nhận rủi ro có thể xảy ra khi sử dụng sản phẩm.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.