Vật lộn với "đỉnh hạn"
...Gần một phút sau, những giọt nước cuối cùng trong chiếc ca của cu Tí mới ngừng rỉ rả. Dẫu vậy, một vài túm tóc vẫn chưa thấm nước, so le nhau. Rón rén đến bên can nước còn chưa được phân nửa, được đặt cẩn thận trên kệ đá ở góc nhà, nhưng cậu bé dừng bước khi nghe tiếng mẹ nói như nài nỉ: "Thôi con. Chừng ấy đủ rồi. Để dành cho ba nữa chứ". Nhà chị Hằng có cả thảy bốn người. Anh Dỡ, chồng chị là công nhân thủy lợi, được bà con trong thôn xóm phong danh hiệu "kỹ sư điều tiết nước". "Phong thì phong vậy thôi, chứ gần 10 năm nay, anh ấy có "tiết" được tí nước nào về cho bà con đâu. Vùng này lọt thỏm giữa đầm Thị Nại, như ốc đảo. Có nước cũng không thể "tiết" về, huống chi bữa ni có vắt đất cũng không ra nước", chị Hằng thanh minh.
Hơn một trăm hộ dân của thôn Vinh Quang đều có chung cảnh ngộ éo le như gia đình chị Hằng. Cuộc sống của họ thường xuyên phải đối diện với nỗi ám ảnh về nước sinh hoạt. Hệ thống ống cấp nước chưa thể đưa nước về tới vùng này. Có những người sống ở đây tuổi đã ngoài thất thập, gần về với... "thế giới bên kia" vẫn chưa một ngày được dùng nước sạch một cách mãn nguyện! Hầu hết những căn nhà cấp bốn của bà con nơi đây đều bao bọc bởi nước nhưng khoan, đào giếng thì đụng đâu cũng gặp... mặn. Chuyện thiếu nước diễn ra trường kỳ. Giải quyết vấn đề này, suốt nhiều năm qua, hàng chục chiếc thuyền đánh cá, nay được dùng chuyên chở nước ngọt từ khe núi Cát thuộc bán đảo Phương Mai về để chắt chiu dùng tạm. Rồi khi giá xăng dầu tăng cao, số thuyền đi chở nước thưa dần. Ngày qua ngày, bà con lại thấp thỏm âu lo, "lạy trời mưa xuống...". Nhiều gia đình, vợ chồng lục đục cũng vì... nước. Chị Hằng còn cho biết thêm: "Ngày nào cũng phải chực chờ đi mua nước, chẳng làm được gì. Chú em lấy làm lạ à? Ở đây, bà con đứng tắm trong thau là chuyện thường như... cơm bữa". Tôi hỏi: "...Rồi nước đã tắm ấy dùng để làm gì?". "Để tắm lại cho... heo", chị Hằng bình thản nói.
|
Chúng tôi vào nhà ông Đào Minh Thế, ở đội 7, thôn An Lợi, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước. Mới 2 giờ chiều, bà Thu, vợ ông Thế đã rục rịch chuẩn bị đi mua nước. Giọng khàn đục, bà Thu giục chồng: "Tranh thủ đi nhanh ông ơi. Chậm chân như hôm trước, bếp không đỏ lửa, cả nhà lại phải nhịn đói". Tôi hỏi: "Một tuần vợ chồng bác đi mua nước mấy lần?". Chẳng thèm để ý đến khách lạ, bà Thu tỏ vẻ khó chịu: "Sao chú không hỏi đi mua nước mấy lần một ngày? Ở đây làm gì có nước để mua về đủ dùng trong một tuần, mà có thì bà con cũng không đủ tiền để mua...". Đoạn người phụ nữ này hạ giọng, kể: "Nhà tui có bảy mạng, một ngày "nghiến" hơn nửa mét khối nước, tức khoảng 25 can nhựa. Nếu mua ở trạm bơm, giá 100 đồng/can (chỉ dùng để giặt, tắm rửa, không uống được) còn mua nước ngọt (dùng để uống) với giá thị trường 1.500 đồng/can. Để có một mét khối nước sinh hoạt, tui phải bán đi mấy thúng lúa! Nhưng năm nay, đồng khô cỏ cháy, chẳng có một khóm ruộng nào để mà bội thu như mọi năm". Nói xong, bà Thu cùng chồng chạy vụt ra đường cái. Trên chiếc xe Honda gắn rơ - moóc chất đầy hơn 10 can nhựa.
Vắt đất không ra... nước
Trong chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung vừa qua, ngày 20/8/2005, ngay sau khi đặt chân đến tỉnh Bình Định, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã trực chỉ đến công trình hồ chứa nước Định Bình để thị sát tiến độ thi công. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đơn vị chủ đầu tư công trình) cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm sớm đưa công trình vào vận hành. Theo Thủ tướng, hiện có một thực tế bức xúc là dân thì hằng ngày trông nước trong khi các công trình thủy lợi (đã được bố trí vốn) lại thi công ì ạch... |
Nhằm cứu vãn màu xanh cho hơn 25.000 héc-ta lúa vụ mùa và cung cấp lượng nước sinh hoạt cần thiết cho hàng nghìn hộ người dân ở khu Đông, đội quân chống hạn của các địa phương đã ngày đêm đi thăm dò mạch nước ngầm, nạo vét kênh mương, chắt chiu từng tí nước ít ỏi phụ trợ cho lưu lượng dòng chảy các sông... Nhưng tất cả đều vô vọng. Mực nước ngầm nhiều vùng xuống thấp. Giếng đào, giếng khoan đều bị "hụt hơi". Người tiếp tục khát. Đàn gia súc, gia cầm "teo" dần. Diện tích lúa chết cháy không ngừng tăng lên.
Tại trụ sở làm việc, ông Võ Thành Tiên - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định mở đầu câu chuyện về hạn hán ở vùng khu Đông: "Ước tính thiệt hại do nắng hạn lên đến hàng chục tỉ đồng. Một ngày tui nhận hơn mười cuộc điện thoại từ các huyện, xã đang bị hạn hán hoành hành. Nội dung chỉ xoay quanh hai chuyện: Nước và tiền trợ cấp cho số hộ dân trước nguy cơ đói, nghèo tăng cao trong mùa giáp hạt". Nghe xong, tôi hỏi ông Tiên: "Sở đã làm gì để "hạ nhiệt" cho gần 500.000 người dân đang sống trong vùng đại hạn?". Ông Tiên thở dài: "Ngoài tiền hỗ trợ bơm tát, khoan, đào giếng, chúng tôi đã chi khẩn cấp 300 triệu đồng cho các địa phương, dùng để thuê xe bồn chở nước sinh hoạt về cung cấp cho bà con. Tình hình hạn hán diễn biến phức tạp kéo dài như thế này thì chừng ấy không "thấm" vào đâu, nhưng ngân sách hiện nay không có nhiều để chi "hào phóng" hơn".
oOo
|
Cuối tháng 7/2004, công trình tích hợp hồ chứa nước Định Bình đặt tại xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh - thượng nguồn sông Côn với tổng kinh phí hơn 130 tỉ đồng, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng. Sau hơn một năm, công trình "cứu nguy" cho toàn vùng khu Đông này vẫn đang ở giai đoạn triển khai thi công. Như vậy, những vụ mùa kế tiếp, khu Đông vẫn "khát". Nỗi mong chờ nguồn nước về trên những cánh đồng khu Đông vẫn còn khắc khoải.
Đình Phú
Bình luận