Cô gái Pháp đam mê ca trù

04/10/2008 15:50 GMT+7

Ca trù là một loại hình nghệ thuật độc đáo nhưng không phải người Việt Nam nào cũng am hiểu. Vậy mà, một cô gái Pháp không chỉ rất đam mê ca trù, mà còn hát ca trù và chơi đàn đáy rất điêu luyện.

“Cũng là Trời định...”

Một ngày cuối tháng 9.2008, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã gọi điện thoại bảo tôi tới nhà ông để nghe cô Aliénor Anisensel hát ca trù. Ông hồ hởi khoe: “Lần trước cô ấy chỉ hát và gõ phách nhưng lần này cô ấy sẽ đánh đàn đáy. Ngạc nhiên chưa?”. Tôi đến, Aliénor nhận ra ngay: “Tôi đã gặp anh rồi!”. Vâng, dạo đó (năm 2006), Aliénor đến TP.HCM tìm hiểu ca trù phía Nam. Khi cô gái Pháp nhỏ nhắn này xúng xính trong lớp xiêm áo đào nương truyền thống, hát “Hồng hồng, Tuyết tuyết”, tiến sĩ Nguyễn Nhã đã cảm động đến rơi lệ. Và cũng chính những giọt nước mắt này mà Aliénor làm bài thơ Larmes versés - Nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân dịch ra bài hát nói Lệ rơi: “…Cũng là Trời định/Mà cháu đây lại sính với ca trù/Mới ngày nào còn bé bỏng ngây thơ/Hai lăm tuổi đâu ngờ mừng với bác/Cháu giữ mãi trong lòng không phai nhạt/Buổi đêm nay ca nhạc những say mê/Vinh dự thay sự hiện diện của thầy Khê/Và cảm động thấy lệ đầy trên mi bác…”.

Aliénor đệm đàn đáy cho nghệ sĩ Bích Ngọc hát Hồng hồng, Tuyết tuyết (GS Nguyễn Hữu Hy cầm chầu). Cây đàn đáy còn dài hơn vóc dáng nhỏ bé, mảnh khảnh của cô nhưng cái dáng một cô Tây ngồi ôm cây đàn cổ truyền Việt Nam thấy thật đẹp, thật ý nghĩa! Mà nào chỉ có cái dáng, âm thanh thoát ra từ những ngón tay nhấn nhá cũng đầy ma lực, liêu trai… Nghệ sĩ Nhị Hùng (chuyên đệm đàn đáy) đứng quan sát một cách chăm chú rồi buột miệng: “Giỏi! Giỏi quá! Đánh được như thế thì không phải là tay mơ !”.

Aliénor sinh ra trong một gia đình không có ai hoạt động nghệ thuật. Khi đang loay hoay tìm đề tài cho luận án thạc sĩ sẽ bảo vệ vào cuối năm 2004 thì tình cờ nghe mẹ nhắc đến hai tiếng “Việt Nam”. Chẳng là cụ cố nội của Aliénor từng lập nghiệp ở Sài Gòn vào đầu thế kỷ 20. Tình cờ trông thấy 2 đĩa CD Ca trù Việt Nam trong một cửa hàng tại Paris, cô mua ngay. Thế rồi những giọng hát, tiếng nhịp phách, tiếng đàn đáy từ những đĩa CD này như có ma lực cuốn hút tâm trí cô sinh viên người Pháp. Cô tìm gặp GS nhạc sĩ Trần Quang Hải (đang sinh sống tại Pháp) trình bày ý nguyện. Thầy Hải khuyên cô nên đến gặp và học hỏi về ca trù với thân phụ của ông là GS-TS Trần Văn Khê. Thầy Khê nhìn cô... lắc đầu ái ngại vì muốn hiểu thấu đáo ca trù phải biết tiếng Việt, phải biết hát ca trù và phải tìm đến cái nôi của ca trù là miền Bắc Việt Nam...

Khó khăn như thế, cứ ngỡ Aliénor đã bỏ cuộc nhưng giấu trong vóc dáng nhỏ nhắn ấy là một nghị lực phi thường. Năm 2003, Aliénor sang Việt Nam lặn lội, thâm nhập ở các miền đất ca trù của đồng bằng Bắc Bộ, tới làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) nơi có đền thờ vợ chồng ông Đinh Dự - được cho là ông tổ của ca trù. Tại đây cô được nghệ nhân Nguyễn Thị Thảo dạy Hát cửa đình, hát thờ và hát ở chùa. Đặc biệt, cô được nghệ nhân Nguyễn Thúy Hòa (thuộc nhóm ca trù Thái Hà - Hà Nội vốn là hậu duệ của nghệ nhân ca trù nổi tiếng Quách Thị Hồ) thương yêu truyền nghề và còn tổ chức làm lễ mặc áo đào nương cho cô. Em ruột cô Thúy Hòa là nghệ nhân Nguyễn Văn Khuê thì truyền cho Aliénor ngón đàn đáy (theo GS-TS Trần Văn Khê thì đây là một người trẻ tuổi có ngón đàn đáy chín chắn nhất)... Tất cả những nỗ lực của Aliénor chỉ để thâu thập chất liệu đủ để xây dựng luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của mình.

 

Aliénor Anisensel hát ca trù - Ảnh: Hà Đình Nguyên

Cũng có nhiều điều nằm ngoài dự kiến: khi mới sang Việt Nam, Aliénor chỉ muốn tìm hiểu ca trù dưới khía cạnh dân tộc học và xã hội học, không ngờ càng tìm hiểu càng mê nên cô đã học tiếng Việt (cô viết tiếng Việt có bỏ dấu rất đúng chính tả), học hát, học gõ phách và cả học đàn đáy... Cuối năm 2004, Aliénor bảo vệ thành công luận án thạc sĩ ngành m nhạc dân tộc học tại trường Đại học Paris X Narterre (Pháp) với xếp hạng xuất sắc. Chánh chủ khảo là GS-TS Trần Văn Khê đã không cầm được nước mắt trước những nỗ lực phi thường của cô học trò nhỏ này.

Đào nương có học vị tiến sĩ

Aliénor tiếp tục chọn ca trù làm đề tài cho luận án tiến sĩ của mình. Cô tiếp tục sang Việt Nam lần thứ hai vào tháng 11.2005. Ở Hà Nội 4 tháng để trau giồi thêm những kiến thức về ca trù. Cô còn ra tận Hải Dương tìm hiểu về ca trù với cụ Nguyễn Phú Đẹ (lúc đó đã hơn 80 tuổi), rồi vào TP.HCM tìm hiểu ca trù phía Nam... Lần sang Việt Nam thứ ba này, cô cho biết đang chuẩn bị cho luận án tiến sĩ (sẽ bảo vệ tốt nghiệp vào cuối năm 2009). Có thể nói việc một cô gái Pháp biết hát và am hiểu ca trù đã là một điều độc đáo và một đào nương có học vị tiến sĩ cũng độc đáo không kém.

TS Sử học Nguyễn Nhã: Một dịp để chúng ta nhìn lại vốn quý văn hóa dân tộc

Việc chọn ca trù làm đề tài cho các luận án thạc sĩ rồi tiến sĩ của cô Aliénor khiến chúng ta ngạc nhiên và hãnh diện về một loại hình văn hóa đặc thù của đất nước Việt Nam. Quả thật đây là một dịp hiếm hoi để quảng bá ca trù ra thế giới và cũng là dịp để chúng ta nhìn lại cái vốn quý văn hóa của chúng ta. Cái hay của Aliénor là rất nỗ lực để thâm nhập thực tế một cách thấu đáo. Cách nghiên cứu của Aliénor đáng để cho các sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam noi gương: dù được cung cấp nhiều tài liệu, tư liệu về ca trù nhưng cô không hoàn toàn tùy thuộc vào tài liệu, không góp nhặt từ trong đó mà chủ động tìm đến, tiếp cận đề tài để có một suy nghĩ độc lập, một nhãn quan mới, một đóng góp mới về ca trù.

Trên chiếc sập gụ giữa khoảnh sân vương đầy hoa nắng ở tư gia TS Nguyễn Nhã, trước một cử tọa chỉ độ dăm chục người gồm các nhân sĩ, nghệ sĩ và sinh viên trường ĐH dân lập Hùng Vương, Aliénor đã trình diễn những kỹ năng độc đáo về ca trù. Cô được mời đánh trống chầu cho nghệ sĩ Bích Ngọc hát và nghệ sĩ Nhị Hùng đánh đàn đáy. Aliénor đã đánh trống một cách đĩnh đạc, tự tin, bởi không phải ai cũng biết cách đánh trống trong một buổi hát ca trù. Rồi Aliénor vào vai đào nương, cô hát bài Gửi thư: “Trí nhân hữu mạo, hữu tài/Ta chỉ nói tương ân, tương ái/Tình nhân hỡi đi đâu mà vội/Giở lại đây tôi hỏi một đôi nhời/Tôi xin kể một nhời tường tận/Bỗng bác thấy càng dân thêm lẩn thẩn/Nhân tình kia còn đợi khách bồi hồi/Chưa dễ dàng phân bớt tái lai/Ta kiếm chốn tìm nơi kết bạn/Nhạn hỡi nhạn, mày trao tin tức/Đem bức thư này cho tới chàng Ngưu Lang/Chẳng xa gì, cách một con đường/Cho nên phải mượn cầu Ô sắc” (khuyết danh). Tôi nhờ Aliénor chép bài hát nói này ra giấy. Dễ dàng nhận ra có những chỗ chưa thật chính xác như: “Chưa dễ dàng Xuân bất tái lai...Cho nên phải mượn cầu Ô thước”. Nhưng câu “Bỗng bác thấy càng dân thêm lẩn thẩn” thì không thể hiểu như thế nào. Aliénor bảo rằng học nguyên văn từ người thầy. Hỏi TS Nguyễn Nhã ông cũng... không đoán ra đó là những câu chữ gì. Tuy thế, những tiếng “giở”, “nhời” (Giở lại đây tôi hỏi một đôi nhời) đặc thù âm sắc Bắc Bộ lại thoát ra từ bờ môi của một cô gái Pháp nghe thật xúc động và đáng yêu chi lạ! Cô được các nữ nghệ sĩ ca trù đàn chị hiện diện như: Thục An, Thanh Hiền, Bích Ngọc khuyến khích một cách nồng nhiệt.

Cái sự “ghiền” ca trù như có chất ma túy của Aliénor không chỉ gây ấn tượng mạnh cho những chuyên gia âm nhạc mà còn như một lời nhắc nhở đến những ai còn tâm huyết với văn hóa dân tộc. Riêng các em sinh viên trường ĐH dân lập Hùng Vương thì quấn lấy “chị Tây” rủ rỉ: “Chị ơi, tuần tới chị đến diễn ở trường em, chị nhớ mặc áo đào nương nhé!”. 

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.