Gay cấn cuộc chiến chống tham nhũng toàn cầu

18/09/2006 23:50 GMT+7

Nhiều quốc gia đang phát triển tại châu Á và châu Phi đang gặp khó khăn vì tốc độ cho vay quá chậm kèm theo nhiều điều kiện nhiêu khê từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Sau khi cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ P.Wolfowitz tiếp nhận chức Tổng giám đốc WB vào năm ngoái, tổ chức này đã treo lại hơn 1 tỉ USD cho các dự án tại châu Phi và châu Á vì lý do tham nhũng. Cụ thể tại Kenya, WB rút lại số tiền quỹ chi cho 5 dự án, trong đó có một dự án về giáo dục và một dự án phòng chống HIV/AIDS. Vào tháng 6/2006, WB cũng thông báo ngưng đổ tiền viện trợ cho một số dự án ở Campuchia vì có dấu hiệu tham nhũng và lạm dụng quỹ đầu tư. Thống kê của WB cho thấy khoảng 1.000 tỉ USD tiền hối lộ đã được trao tay trên thế giới hằng năm. WB cũng phát hiện 2.000 trường hợp sai trái, tham nhũng và quản lý kém liên quan đến việc sử dụng khoản vay của WB từ năm 1999.

Theo Hãng AFP, một số quốc gia châu Phi chỉ trích hành động trên của WB với lý luận rằng không nên trừng phạt những người dân bình thường chỉ vì hành động sai trái của giới quan chức. Các bộ trưởng tài chính trên thế giới cho rằng WB đã quá cứng nhắc khi từ chối viện trợ cho các nước không hội đủ tiêu chuẩn chống tham nhũng theo như quy định của tổ chức này. Lời than phiền trên được đưa ra sau khi Anh đe dọa sẽ rút lại 94 triệu USD tiền đóng góp vì WB đã thêm quá nhiều điều kiện trong các khoản vay.

Mặc dù nhiều quốc gia châu Phi đã được các nước phương Tây xóa nợ cũ, nhưng một số nước ngán ngẩm trước tốc độ giải ngân nguồn viện trợ mới diễn ra chậm chạp với quá nhiều điều kiện. Thế là chính phủ những nước này hướng đến một nguồn cung cấp quỹ khác với điều kiện cho vay tương đối dễ dàng hơn WB và các nhà tài trợ cũ cũng như tốc độ cho vay nhanh hơn: Trung Quốc. WB lo ngại về xu hướng vay tiền Trung Quốc của châu Phi, đặc biệt là cho những dự án không thúc đẩy sự phát triển chung, sẽ có thể dẫn đến hậu quả là các nước châu Phi ngày càng lún sâu vào cảnh nợ nần chồng chất và cuối cùng không có khả năng chi trả.

Không những các nước nghèo bị than phiền về nạn tham nhũng, các nền kinh tế mạnh tại Đông Á cũng được cảnh báo phải tìm cách đối phó với tình trạng bất bình đẳng xã hội và tham nhũng. Giới chức WB và IMF cho rằng trong giai đoạn nền kinh tế thế giới đang phát triển theo một chiều hướng "ngày càng phức tạp hơn", các nước ở khu vực này cần thay đổi hợp lý về chiến lược phát triển để giữ được sự thăng tiến ổn định.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.